Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Nước Mỹ lạnh lùng

Tựa đề này, xin mượn từ nhà văn Huy Phương. Nước Mỹ Lạnh Lùng là tên quyển sách đầu tiên tại hải ngoại của ông dược xuất bản năm 2003. Đến nay, có 11 quyển tiếp theo đã dược in ra. Ông cộng tác với nhiều tạp chí, đài truyền hình vùng Little Saigon, Nam California.

Hằng tuần, ông xuất hiện trên đài Người Việt trong chương trình Quê Nhà Quê Người.  Nội dung là những gì thường ngày xảy ra với người Việt trên đất Mỹ. Hiểu là chuyện người Việt trên đất Mỹ cũng được. Nhất là ở những quyển đầu tiên.

Một hai năm, ông cho in ra một quyển. Đó là những bài viết tuần tự theo thời gian để làm truyền hình hay báo chí, được gom lại và in thành sách. Mỗi bài chỉ năm ba trang; rất tiện cho người muốn đọc. Trên tạp chí, mục này có tên là “Tạp Ghi Huy Phương.”

Thời buổi này có nhiều phương tiện nghe nhìn, nhưng người ta vẫn trung thành đọc sách của ông. Có lẽ do ai cũng thấy mình trong đó. Có khi tưởng chỉ là những chuyện vặt vãnh, không đáng để ý. Nhưng ông vẫn chọn làm đề tài. Ông tỏ ra tin tưởng vào cách nhìn của mình.       

Năm nay, ông đã 84 tuổi (1937). Tên thật của ông lả Lê Nghiêm Kính. Ông từng là một nhà giáo. Thời chiến tranh, ông là sĩ quan ngành Tâm Lý Chiến. Sau 9 năm học tập trong tù, ông sang Mỹ năm 1990 theo chương trình H.O. Từ đó, ông làm truyền thông với sở trường là một nhà văn..

Thời trước 1975, ông đã say mê viết văn, làm thơ. Có lần, tôi nghe ông nói trên truyền hình ông vẫn từng mơ ước sau chiến tranh sẽ quay lại dạy học. Trước khi vào quân đội, ông là giáo sư dạy môn Văn đệ nhị cấp. Đam mê viết lách mới là bước đầu. Luôn có độc giả tìm đọc mới là điều đáng mơ ước. Như ông có lần trả lời trong một buổi ra mắt sách: “Hạnh phúc của tôi là khi sách của mình được tái bản vì những gì mình nói ra được đón nhận và đi vào lòng người đọc”. Ở đời, mấy khi một lời nói ra mà được nhiều người khen ngợi là một câu nói thâm thúy. Có lẽ hình ảnh của ông không phai trong lòng người Việt hải ngoại là nhờ vậy. Phong cách ngồi nói chuyện của ông là một dáng điệu trầm ngâm, nhiều suy tư. Ở độ tuổi ngoài 80, đã qua những chặng đường đời đủ cà thượng vàng hạ cám, ông đã làm một việc thay cho hàng ngàn, hàng vạn người: Thấy gì, nghĩ gì về cuộc sống?

Nhìn qua vài tựa sách đầu tiên: Nước Mỹ Lạnh Lùng (2003), Đi Lấy Chồng Xa (2006), Ấm Lạnh Quê Người (2007), Nhìn Xuống Cuộc Đời (2009)…Tựa sách nào cũng phảng phất tâm trạng một người vì sống xa quê nên nhớ thương quá khứ; thao thức về một cái gì đó không rõ ràng. Cộng thêm những lo toan hằng ngày ray rứt không nguôi. Đây là tâm trạng của thế hệ đầu tiên và H.O. khi vừa đặt chân đến đây. Chưa biết chừng nào mới nên cơm nên cháo, nhưng tuổi tác đã già hết rồi. Trong giới H.O., không biết từ lúc nào đã có hai câu thơ mà quý ông đều nằm lòng:”Mẹ ơi, con mẹ đã già. Giữ nước, nước mất; dựng nhà, nhà tan.”

Tôi chưa được gặp ông lần nào. Hoàn toàn không biết gì về ông cho đến khi thấy sách của ông được giới thiệu. Tôi có cảm giác ông giống như một món đồ cổ hiếm hoi thuộc về thế hệ trước đây, còn sót lại. Vì vậy, thỉnh thoảng, tôi lại nghĩ tới ông. Bốn chữ “Nước Mỹ Lạnh Lùng” từ lâu cũng khi ẩn khi hiện trong đầu như một cảm hứng để tìm lại những gì còn nhớ được về quảng thời gian vừa đặt chân đến đây. Chắc ai cũng cảm nhận nước Mỹ là một đất nước lạnh lùng thời gian đầu tiên, còn bỡ ngỡ. Chưa biết nơi này sẽ ấm lạnh ra sao nhưng đã thấy có quá nhiều xa lạ.

Phải quên đi những năm tháng cũ. Những gì của hôm qua nghe như văng vẳng ở một nơi nào đó xa xôi. Cho dù đó là ngôi nhà mình ra vào hằng ngày như một tổ ấm nhỏ bé từ mấy chục năm trước. Đó là những người thân yêu, những bạn bè chí thiết. Chưa biết chừng nào mới gặp lại. Hãy quên để thấy phải làm gì hôm nay, ngay lúc này. Mình không bị “cháy nhà” hay “chìm ghe”; mà sao hơi giống giống. Không có chỗ ở. Tất cả chỉ vỏn vẹn là làm lại lại từ đầu. Mổi ngày mới đều có chuyện mới… Những bước chập chững này không dễ dàng chút nào.

Từ hồi nào, dường như không cần để ý tới thói quen của mình. Bây giờ, tự nhiên thấy nhiều thói quen có vẻ kỳ cục. Nói muốn ăn thịt chó thì quá bậy. Không nên đá động gì tới tiểu hổ, đại hổ cả. Người ta yêu quý thú vật như bạn thân. Đã xảy ra cảnh có người Mỹ hàng xóm ra phía sau nhà đi vòng vòng ngơ ngác vì nghe mùi vị kỳ lạ khó chịu. May mà họ cũng không biết có bà Việt Nam gần đó đang kho mắm.

Không biết bây giờ còn không, người mình trước đây có thói quen nghĩ trưa trước khi làm việc buổi chiều. Bên này thu xếp ngược lại. Nơi làm việc cách nhà trong vỏng 30 cây số được cho là gần. Làm một mạch tám giờ là phương cách hiệu quả hơn. Chỉ mất công đi và về một lần. Tiết kiệm thời gian, công sức đi lại mà kết quả công việc như nhau.

Sự khác biệt giữa “ta và người” nhiều kể không xiết. Hai tiếng mà người ta nói nhiều nhất nơi công cộng là “cám ơn” và “xin lỗi”. Rất nhiều trường hợp, chẳng có lỗi gì để xin. Người ta vẫn nói tự nhiên. Gặp người quen biêt, dù họ lớn bao nhiêu tuổi, đừng quên xưng tên họ ra khi chào hỏi. Họ thích vậy vì họ không bị quên. Ở chổ đông người, nói vừa đủ nghe. Làm như thể không đủ hơi để nói lớn tiếng.

Một đôi vợ chồng (trẻ) ra đường. Nếu có em bé thì bồng ẳm là bổn phận của ông bố. Người mẹ cứ tự nhiên xách giỏ đựng sữa, tã theo sau. Tôi chưa hỏi ai; chỉ đoán là do trẻ sơ sinh hiếm quá nên người ta muốn người cha bảo vệ đứa bé cho an toàn hơn (?).

Gặp khi tang chế, cảnh than khóc của người Việt thật thê lương. Người Mỹ làm ngược lại. Họ cùng nhau kể những câu chuyện vui đã qua của người quá cố. Họ cũng nói cũng cười vừa đủ như một cuộc gặp mặt lần cuối. Đặc biệt, lúc đưa ra phần mộ, họ bày tỏ sự trang trọng cao nhất dành cho người đã mất bằng y phục toàn màu đen.

Bước đầu tiên là bước khó nhất. Bước thứ mười, rồi một trăm sẽ dễ dần, Nói nước Mỹ lạnh lùng cũng không sai. Cho dù đây là đất có thể chảy “sữa và mật”, nhưng mỗi người phải tự tay mình làm ra sữa và mật mà dùng. Đây là nơi của cơ hội, nhưng là cơ hội của những đôi tay cần mẫn. Không phải tất cả mọi người đều thành công. Thất bại vì lầm tưởng rằng mình khôn khéo, có cách mánh lới người khác hơn là chịu khó làm việc. Người Mỹ hay nói:”Bạn có thể qua mặt một người mãi được. Chớ làm sao bạn có thể qua mặt mọi người mãi được.”

Nhưng, nói nước Mỹ không lạnh lùng cũng không sai. Đã có nhiều trăm ngàn người Việt thuộc mọi thế hệ đang hằng ngày làm việc nơi đây như những nhà khoa học hay những chuyên viên thượng thặng. Họ hăng say làm việc vì biết rằng đất nước này rất trọng dụng nhân tài, bất kể màu da, tuổi tác hay nguồn gốc..v..v

Và…quan trọng nhất trong câu chuyện hôm nay là tin không vui về nhà văn Huy Phương. Hiện, ông đang chống chọi lại căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Bác sĩ muốn ông vào bệnh viện để điều trị. Nhưng ông từ chối. Ông nói ông muốn dưỡng bệnh tại nhà. Ông quyết định như vậy có lẽ vì ngôi nhà của ông là nơi ông yêu quý nhất. Ông muốn tất cả xảy ra ở đây. Bà Huy Phương luôn bên cạnh ông.

Tôi biết được tin trên do đọc được bài viết của cô Kiều Mỹ Duyên đăng trên tờ Việt báo. Cô nguyên là nữ phóng viên chiến trường thời VNCH, được chính phủ Úc cấp học bổng để theo học và tốt nghiệp Khoa Báo Chí tại Úc. Thời chiến tranh VN, cô là nữ ký giả trẻ từng ra vào những vùng giao tranh ác liệt của những đơn vị thiện chiến VNCH. Những thiên phóng sự của cô được chọn lại và in thành sách với tựa đề là “Chinh Chiến Điêu Linh.”

Biết ông bệnh nhiều, cô Kiều Mỹ Duyên đến thăm như bạn cố tri một thời. Ngày xưa, nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên và Đại Úy Huy Phương Tâm Lý Chiến hẳn không xa lạ gì nhau do môi trường làm việc. Nay, trong những ngày mong manh còn lại, hy vọng ông sẽ được an ủi nhiều. Tựa đề cho quyển sách mới nhất được ông đặt là “Ga Cuối Đường Tàu”…

Một chi tiết rất thú vị được cô Kiều Mỹ Duyên nhắc tới trong bài báo là một tấm hình chân dung Đức Cố Hồng Y Fx. Nguyễn văn Thuận được treo nơi phòng riêng của ông Huy Phương. Ông khoe rằng đó là món quà ĐHY Thuận đích thân tặng cho ông. Ông Huy Phương là một phật tử thuần thành. Phải là một mối tâm giao đậm đà giữa hai vị mới có tấm hình này, từ nhiều chục năm trước. Biết đâu hai vị đã quen nhau trong tù?  Tôi thầm nghĩ, trong hàng Giám Mục Việt Nam, không biết có bao nhiêu vị GM đã hân hạnh được ĐHY tặng một bức hình như vậy.  

Cô Kiều Mỹ Duyên viết trong bài báo:”Đồng bào nào quý mến nhà văn, nhà báo, một chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng ở tù mà vẫn hiên ngang không làm mất danh dự của người chiến sĩ, thì xin cầu nguyện cho anh. Một người cầu nguyện, một trăm người cầu nguyện, ngàn người cầu nguyện biết đâu sẽ thay đổi số Trời. Xin Trời Phật phù hộ nhà văn Huy Phương mau bình phục. Mong lắm thay!

Bách Tùng Cao Nguyên 28/6/2021.

Ng. Toàn Đông.

1208    07-07-2021