Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Ôm cả thế giới vào đời đan tu

Trong thánh lễ ngày 27.9.2017, các đan sĩ của thánh Clara mừng kỷ niệm cột mốc tái lập dòng, đánh dấu 45 năm dựng xây và phát triển tại Việt Nam.
Ôm cả thế giới vào đời đan tuÔm cả thế giới vào đời đan tu

 

Ra đi và trở lại

Ngược dòng lịch sử, cách nay 82 năm (năm 1935), 8 nữ tu thuộc Đan viện Roubaix, miền Bắc nước Pháp đã đến khu vực thuộc giáo phận Vinh để thành lập dòng. Tưởng rằng mọi sự sẽ thuận lợi nhưng vì không thể thích nghi với khí hậu khắc nghiệt nơi miền đất mới, cùng nhiều nguyên nhân khách quan, nên năm 1950, các chị trở về. Điều may mắn là đi cùng với họ khi ấy còn có 4 hạt giống ơn gọi đã nảy sinh trên đất Việt - dấu chỉ hứa hẹn cho sự có mặt trở lại của hội dòng ở quốc gia hình chữ S.

Các nữ tu Đan viện Clara Thủ Đức

Ngày 27.9.1972, sau 22 năm rời đi, 4 nữ tu người Việt và 1 người Pháp đã trở lại tái lập đan viện tại Thủ Đức, Sài Gòn. Thuở ban đầu còn nhiều khó khăn, sau 1975, một phần cơ sở của dòng dùng làm phân xưởng của hợp tác xã mây tre lá, chị em trẻ đi lao động tại các nông trường và hòa mình vào nhịp sống xã hội. Gia nhập dòng trong giai đoạn này, một nữ tu hồi tưởng: “Những năm tháng ấy như ngọn lửa thử thách sự bền bỉ của chị em. Dẫu đang sống giữa dòng đời nhộn nhịp, đang lao động cùng với bao người, chúng tôi vẫn luôn hướng lòng theo linh đạo đan tu của thánh Clara”.

Trong giai đoạn đổi mới của đất nước vào giữa thập niên 1980, các nữ tu mới chính thức đi vào đời sống đan tu “thử nghiệm”. Rồi đến ngày 30.12.1994, sau khi thông qua quá trình thẩm định, Tòa Thánh đã cho phép đan viện được thiết lập nội vi Giáo Hoàng (quy định phạm vi hoạt động của các đan sĩ theo điều 667 Bộ Giáo luật) và đặt dưới quyền tài phán của dòng Anh Em Hèn Mọn - Phanxicô. Những bước đầu gian truân là thế, nhưng đến hôm nay, từ Đan viện Thánh Clara Thủ Đức ngày nào đã trổ sinh thêm Đan viện Thánh Clara Xuân Sơn (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) như sự đáp trả cho những kiên trì, vất vả của các chị em.

Lao động bằng đôi tay trong bầu khí tĩnh lặng

Cơm trắng với nước mắm

Nhiều người nghĩ rằng, sống trong dòng kín là tách biệt, là bỏ qua mọi sự của thế giới bên ngoài. Song, với các tu sĩ Clara sống đời đan tu là lao động bằng đôi tay trong bầu khí tĩnh lặng và “ôm cả thế giới vào lời cầu nguyện”, như lời chia sẻ của một nữ tu. Có lẽ bởi thế mà nhiều giáo dân đã gởi gắm những tâm tư, ý nguyện của bản thân và nhờ các chị dâng lên Chúa trong 7 giờ kinh hằng ngày, trong đó có giờ kinh đêm lúc 24 giờ. Thêm nữa, các chị còn là nhịp cầu nối giữa mạnh thường quân với người cần nâng đỡ để tình thương được lan tỏa.

Đời sống đơn sơ không chút của riêng, tất cả đều thuộc về Tòa Thánh, là một trong những đòi hỏi mà các nữ tu luôn tuân giữ. Đối với họ, một khi đã có đủ các vật phẩm theo hạn mức quy định cho cuộc sống thường ngày thì phần còn lại sẽ được chia sẻ cho người nghèo xung quanh. Lối sống kham khổ ấy tưởng là rào cản lại trở nên điểm son có sức hút mạnh mẽ, lôi kéo nhiều thiếu nữ đến và tu tập. Năm nay, số ơn gọi tìm tới đây ước chừng 15 người, một con số không ngờ đối với dòng.   

Ôm cả thế giới vào lời cầu nguyện

Bỏ lại tất cả, bước chân vào dòng để theo tiếng Chúa trong linh đạo của hai thánh Phanxicô và Clara, các chị đã tìm được bến đỗ của đời mình. Một chị lúc xưa từng là giáo viên dạy nhạc kể với chúng tôi: “Ấn tượng đậm nét trong tôi khi bước chân vào đan viện là bữa cơm đầu với chén cơm trắng và nước mắm. Sau đó là những ngày đi lấy phân súc vật bón cây cùng các chị em. Lúc ấy, nhiều người đi ngang chúng tôi phải bịt mũi, vậy mà tôi chẳng hề thấy xấu hổ lại còn cảm thấy vui vì được sống trong dòng và được chia sẻ nếp sống của người nghèo”. Dường như bao nhiêu vất vả, bao nỗi truân chuyên không phải là gánh nặng mà là hồng ân giúp các đan sĩ tìm được sự an nhiên và niềm hạnh phúc cho tâm hồn. Tinh thần ấy được tỏa lan rộng rãi, làm nên nét đặc biệt trong cuộc sống đan tu. Bạn Huyền (Đắk Lắk), một ứng sinh đang tìm hiểu về dòng tiết lộ: “Trước đây em có đi đến nhiều dòng khác nhau, song không chỗ nào làm em cảm thấy yên bình như ở đây. Có thể các quy định của dòng rất nghiêm ngặt nhưng em thật sự rất thích đời sống tĩnh lặng, cầu nguyện và hy vọng mình sẽ sớm được vào nội vi”. Tương tự, bạn Trang (Phú Thọ) cũng bị cuốn hút bởi nếp sống của các nữ tu. Hành động hy sinh, xóa bỏ mọi sở hữu cá nhân, thậm chí là cả cái tên riêng (như trong bài viết này các chị đề nghị chúng tôi không nêu đích danh) để hòa mình vào nhịp thở chung, để dành trọn cuộc đời chìm đắm trong cầu nguyện của mỗi nữ tu đã gây dấu ấn sâu sắc trong cô gái trẻ.

Phía sau dãy tường cao chạy dài, ngay bên cạnh con đường tấp nập ngược xuôi, Đan viện thánh Clara như một ốc đảo hiền hòa, là điểm dừng chân tĩnh tâm cho những ai mỏi mệt vì nhịp sống đô thị. Nơi ấy, ngày ngày vẫn đều đặn vang lên âm điệu thiết tha của lời kinh, tiếng hát từ cuộc đời chiêm niệm không ngừng của từng đan sĩ Clara.

 

Được hai thánh Phanxicô và Clara thành lập năm 1212, dòng Thánh Clara hiện có khoảng 20.000 nữ tu sống trong gần 900 đan viện. Đan viện Saint Damiano (Assisi, Ý) là cái nôi đầu tiên của hội dòng. Đan viện Thánh Clara Thủ Đức còn được gọi là Đan viện Thánh Clara Nữ Vương Các Thiên Thần (35 Đình Phong Phú, KP1, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TPHCM) gồm 15 nữ tu khấn trọn, 7 chị khấn tạm, 8 tập sinh, 6 thỉnh sinh và một số bạn tìm hiểu. Bề trên đương nhiệm là nữ tu Anna Hồ Thị Hạnh.

Linh đạo của dòng là sống Phúc Âm trong lòng Giáo hội bằng cách bước theo Đức Giêsu Kitô nghèo khó, khiêm hạ trong nếp sống chiêm niệm và huynh đệ theo tinh thần Phan Sinh. 

MAI LAN

4422    06-10-2017