Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Ơn gọi mà tìm cách thăng tiến tư lợi là ơn gọi chết


Hôm thứ bảy Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ với các linh mục và tu sĩ của Colombia rằng, ơn gọi sẽ triển nở khi có tinh thần phục vụ trong hân hoan, nhưng sẽ sớm tàn nếu bị tác động bởi lòng tham lam hay tư lợi.

“Chúng ta là những người được chọn cho sự thật, và lời kêu gọi của chúng ta phải là lời kêu gọi của sự thật. Nếu chúng ta là nhánh của cành nho này, nếu ơn gọi của chúng ta thật sự gắn chặt vào Chúa Giêsu, thì không có chỗ cho lừa bịp, giả hình, hay tâm thức hẹp hòi.

Mọi con người thánh hiến phải cẩn trọng bảo đảm rằng mình sinh hoa trái. Ngay từ đầu những người theo ơn gọi phải thúc đẩy một ý định đúng đắn, một khao khát thật sự muốn gắn bó với Chúa Giêsu.

Khi những tiến trình ơn gọi không được nuôi sống bằng nhựa cây là Thần Khí Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ thấy cằn cỗi và Chúa sẽ buồn vì những cành nho đó đã chết khô.

Đáng buồn thay, những ơn gọi thánh hiến chết đi khi họ ham mê danh giá, khi động cơ của họ là sự bảo đảm cá nhân và thăng tiến xã hội, khi họ muốn “leo lên những nấc thang cao hơn”, gắn chặt với những lợi ích vật chất.

Và đó là lúc con quỷ đi vào qua cái bóp. Và chuyện này không chỉ đúng trong những giai đoạn đầu của ơn gọi, mà tất cả chúng ta đều phải cẩn thận, bởi đó chính là cách tha hóa con người trong Giáo hội.”

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói chuyện với các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, và gia đình của họ tại Sân vận động Macarena, ở Medellin, Colombia.

Trong bài diễn văn, nhiều lần Đức Phanxicô ra khỏi bản văn soạn sẵn, mà đi sâu vào cuộc khủng hoảng về tận hiến trong người trẻ, thảo luận về tầm quan trọng của sự yếu đuối, và nhấn mạnh rằng chính cuộc sống của chúng ta làm cho các bạn bè không tôn giáo thấy tin vào Tin mừng.

Đức Phanxicô nhắn nhủ trực tiếp với các bạn trẻ hiện diện, nói rằng “hầu hết anh chị em đã khám phá Chúa Giêsu trước hết là qua cộng đoàn của mình, một cộng đoàn với lòng nhiệt thành tông đồ đầy hứng khởi và lôi cuốn.

Nơi nào có sự sống, có lòng nhiệt thành, và khao khát muốn đưa Chúa Kitô đến với người khác, thì nơi đó ơn gọi đích thực nảy sinh. Bất chấp cuộc khủng hoảng hiện thời khi người ta ngày càng bớt cam kết trong các mối quan hệ, thì vẫn đang có nhiều người trẻ đứng lên chống lại những sự dữ của thế gian.

Và khi họ làm thế cho Chúa Giêsu với nhận thức rằng mình là một phần của cộng đoàn, thì họ trở nên những “thầy giảng đường phố” và có thể đưa Chúa Giêsu đến mọi nẻo đường, mọi quảng trường thành phố, và mọi ngóc ngách trái đất.

Nhưng hiện thực tương đối phức tạp và các tình trạng khác nhau đều đem lại ơn gọi. Thật phi thực tế khi nghĩ rằng tất cả anh chị em đều nghe thấy tiếng gọi của Thiên Chúa trong những gia đình đầy yêu thương và các giá trị nhân bản như quãng đại, trung tín, và nhẫn nại.

Chúng ta phải thực tế, nghĩa là nhận ra rằng ơn gọi đưa chúng ta đến gần hơn mối đe dọa của đau khổ của đổ máu, như đã thấy trong Tin mừng, và trong lịch sử nước Colombia.Có thể thấy mối đe dọa này trong việc Cain giết Abel, trong những khó khăn của gia đình Tobia, và những lời than van của ông Gióp.

Ngay từ đầu chúng ta thấy Thiên Chúa tỏ bày sự gần gũi của mình thế nào khi Ngài biến đổi các sự việc để kêu gọi những con người yếu đuối chia sẻ lịch sử với Ngài.Chúng ta đừng sợ, bởi Thiên Chúa luôn ra tay làm phép lạ cho kết trái ngon ngọt trên cây nho. Cây nho của Chúa Kitô là sự thật, và sự thật là điều tiên quyết đối với ơn gọi tu trì,

Thứ thuốc độc của dối trá, gây hoang mang, lợi dụng, và làm hại dân Chúa, làm hại người yếu đuối, người già, người trẻ, là thứ không được có mặt trong cộng đoàn chúng ta. Đó là những nhánh cây muốn làm chúng ta khô héo, và Chúa bảo chúng ta phải chặt bỏ.

Thiên Chúa không cứ thế mà chặt bỏ các nhánh cây, nhưng như trong Tin mừng đã nói, Ngài cũng “thanh tẩy cây nho khỏi những bất toàn của nó.” Lời hứa rằng chúng ta sẽ sinh hoa kết trái dồi dào, cũng như hạt lúa mỳ gieo vào lòng đất, chúng ta sẽ sinh hoa trái nếu trao đi chính mình, trao đi cuộc đời mình cách nhưng không. Thiên Chúa thanh tẩy chúng ta khỏi những thứ dẫn chúng ta đến cái chết và làm méo mó lời kêu gọi của Ngài, bằng cách mời gọi chúng ta ngụ trong Ngài.

Ngụ trong Thiên Chúa không chỉ có nghĩa là hiện diện, mà còn là giữ một mối liên hệ sống động và tối cần thiết, nghĩa là sống và lớn lên trong sự hiệp nhất mật thiết và sinh hoa trái với Chúa Giêsu.

“Ngụ trong” không chỉ đơn thuần là một hành động thụ động hay sự từ bỏ đơn giản, không đem lại hệ quả nào trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Với những người sống bậc tu trì, có ba cách để “ngụ trong Thiên Chúa” thật hiệu quả.

Thứ nhất là chạm đến lòng nhân của Chúa Kitô, nghĩa là nhìn với ánh mắt và thái độ của Chúa Giêsu, Đấng nhìn xuống hiện thực không phải như một thẩm phán mà như một người Samari nhân hậu, nhận ra giá trị của những người đồng hành với Ngài, những vết thương và tội lỗi của họ.

Nghĩa là noi gương Chúa Giêsu, nhìn vào mọi người và khám phá đau khổ thầm lặng của họ, cảm thấy đánh động trước khốn cảnh của con người, nhất là khi họ phải chịu đựng vô vàn bất công, sự nghèo khổ phi nhân hóa, sự lãnh đạm, tham nhũng, hay bạo lực.

Còn có nghĩa là ghi khắc và thực hành những lời nói và hành động của Chúa Giêsu, thể hiện tình thương với những người lân cận và tìm kiếm những người xa xôi, vừa ân cần vừa kiên định loại trừ tội lỗi và loan báo Tin mừng.

Ý nghĩa thứ hai của “ngụ trong Thiên Chúa” là chiêm ngắm sự cao cả của Chúa Kitô, là vừa phải tỉnh thức vừa vững vàng học hỏi, ngày càng biét thêm về Chúa, và như thế điều đầu tiên hét là phải đọc Kinh thánh.

“Bất kỳ ai không biết Kinh thánh là không biết Chúa Giêsu.” Bất kỳ ai không mến Kinh thánh, thì không mến Chúa Giêsu. Và cha mong sao việc tìm hiểu Kinh thánh sẽ giúp chúng ta giải thích hiện thức với con mắt của Chúa, không né tránh những gì đang diễn ra với dân mình, không chạy theo những thứ thời thượng hay hệ tư tưởng.

Mong sao việc tìm hiểu Kinh thánh không bị chìm đắm trong kiểu hoài niệm và bí ẩn, cũng đừng làm ngơ những người thấy mình đang rơi xuống vực thẳm, những người đặt vấn đề với chúng ta từ thế giới và nền văn hóa của họ.

Với sự chiêm niệm này, cầu nguyện là điều tối quan trọng, bởi nó xây dựng những phần căn bản của đời sống và việc phục vụ tông đồ cho chúng ta.

Thời gian cầu nguyện giải thoát chúng ta khỏi cái ách của trần tục, và dạy chúng ta sống hân hoan, tách mình khỏi những thứ hời hợt, đến với sự tự do đích thực. Và cầu nguyện còn giải thoát chúng ta khỏi thái độ tự quy, khỏi thái độ trốn đời.

Chiêm niệm Thiên Chúa còn cần chúng ta được hòa giải để hòa giải. Bởi ơn gọi không cho chúng ta một chứng nhận đạo đức chuẩn mực hoặc không có tội, chúng ta không phải những người mang áo choàng thánh thiện.

Đúng hơn, chúng ta hết thảy là tội nhân và cần Chúa tha thứ cùng thương xót để vươn lên mỗi ngày. Ngài nhổ đi những gì không tốt trong chúng ta, nhổ đi cả những sai trái chúng ta đã làm, ném chúng ra khỏi vườn nho mà đốt đi. Ngài thanh tẩy chúng ta, để chúng ta có thể sinh hoa trái.

Và ý nghĩa thứ ba của sống trong Thiên Chúa là được sống viên mãn, bởi nếu chúng ta ở trong Ngài, niềm vui của Ngài sẽ ở trong chúng ta. Chúng ta sẽ không là môn đệ buồn bã cay đắng.

Ngược lại, chúng ta sẽ phản ánh và loan báo hạnh phúc thật, một niềm vui trọn vẹn mà không ai lấy được của chúng ta. Chúng ta sẽ lan truyền hy vọng về một sự sống mới mà Chúa Kitô ban cho chúng ta.

Lời Chúa gọi không phải là một gánh nặng lấy đi của chúng ta niềm vui, nhưng là lời Chúa muốn chúng ta sống thiêng liêng để đem niềm vui đến cho cuộc đời chúng ta. Niềm vui lây lan của chúng ta phải là lời chứng đầu tiên cho sự gần gũi và tình yêu của Thiên Chúa.

Tùy thuộc cả vào anh chị em, để dâng hiến trọn tình yêu thương và việc phục vụ của chúng ta trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu, cây nho của chúng ta. Anh chị em tu sĩ, hãy trở thành lời hứa cho một khởi đầu mới của Colombia, bỏ qua những cơn cuồng phong bất hòa và bạo lực, hướng đến một Colombia muốn sinh hoa trái dư tràn của công lý và hòa bình, của gặp gỡ và thân ái.”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

3147    12-09-2017