Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Pêru: “Các dân tộc bản địa cảm thấy Giáo hoàng liên đới với mình”

 

Ông Humberto Ortiz Roca, thư ký điều hành Ủy ban Giám mục Hành động Xã hội (CEAS) cho biết: “Ở Pêru, các dân tộc bản địa cảm thấy mình có một giáo hoàng liên đới với mình… ngài sẽ gặp nơi họ một Giáo hội gần gũi với dân chúng”. Ông mong chờ Đức Giáo hoàng có những lời nói mạnh về sự cần thiết phải gìn giữ rừng già Amazzonia, không bị nạn khai thác hầm mỏ bất hợp pháp và ngài nói về lịch làm việc cho thượng hội đồng liên-Amazzonia dự trù tổ chức vào tháng 10 năm 2019.

Chuyến thăm của Đức Phanxicô mang ý nghĩa nào cho đất nước Pêru?

Tháng 5 – 2017, sau chuyến đi Cô-lông-bi, khi tiếp các giám mục Pêru ở Vatican, Đức Phanxicô đã nhanh chóng nhận lời mời đi thăm Chi-lê và Pêru. Tôi nghĩ ngài có tinh thần liên đới và nhận thấy vấn đề chung của nước Pêru, đặc biệt vấn đề các sắc dân bản địa. Thật đáng kể, vì ngài sẽ đến thành phố Puerto Maldonado, vùng rừng già Amazzonia Pêru. Một dịp để ngài gặp các đại diện của các sắc dân bản địa và lượng định sức tàn phá về mặt xã hội và môi trường do việc khai thác vàng bất hợp pháp ở vùng này. 

Các kỹ nghệ khai thác đối diện với thổ dân châu Mỹ

Các năm gần đây, sự hiện diện và vai trò của các sắc dân bản địa đã được đặc biệt chú ý ở Pêru, kể cả ở khía cạnh bi thảm. Chẳng hạn vụ người thổ dân ở Bagua vùng Amazzonia Pêru bị bức bách, các quyền cá nhân và tập thể của các dân tộc bản địa và đề nghị “Đời sống Tốt, Buen Vivir”.

 

Tất cả đã ở trong bối cảnh đã có từ nhiều năm nay, một mạng các giám mục của rừng Amazzonia. Nếu nới rộng thêm mạng này thì chúng tôi có Mạng Giáo sĩ liên vùng-Amazzonia (Repam) và cả một chủ đề gìn giữ Tạo dựng. Đó là điều mà Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si’ muốn nhấn mạnh. Ngoài ra còn có chủ đề về hiện tượng khí hậu, được gọi là “El Niño côtier”, làm sạt lở đất đai gây lũ lụt, chính vì vậy mà Đức Phanxicô  đến thành phố Trujillo.

Bao nhiêu vấn đề cho thấy nước Pêru là một trong những nước bị tác hại nhất về việc thay đổi khí hậu. Vì Đức Phanxicô đến để tỏ tình tương trợ của ngài nên ngài sẽ được đón tiếp với lòng biết ơn của người dân Pêru. Còn ở Lima, Đức Phanxicô sẽ thấy ở đây một tấm lòng mộ đạo đặc biệt. 

Đạo công giáo ở Pêru như thế nào?

Đạo công giáo luôn chiếm đa số ở đây, vào khoảng 80 đến 82% người Pêru là người công giáo. Đạo tin lành cũng gia tăng. Chúng tôi cũng ghi nhận những năm gần đây, có sự gia tăng của những người vô thần và những người theo thuyết bất khả tri, nhưng cũng không nhiều. Nước Pêru luôn là nước nổi bật có một đời sống tâm linh và một lòng mộ đạo rất mạnh. Tôi nghĩ điều này đã giúp cho công việc của các nhà truyền giáo trong việc phát triển công việc liên tôn giáo và thông hiểu, dù ở vùng Amazzonia hay vùng rặng núi Ăng-đơ.

Điều này cũng làm thay đổi sự biến hóa ngay cả trong lãnh vực truyền giáo, bây giờ được xây dựng nhiều hơn trên việc lắng nghe các dân tộc, các văn hóa, bao gồm trong các đấu tranh, trong sự phát triển toàn diện. Giáo hội thích ứng với dấu hiệu của thời đại.

Giáo hội Pêru mà Đức Phanxicô sẽ gặp đôi khi mang hình ảnh của một Giáo hội chia rẽ…

Trong nội bộ Hội đồng giám mục có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là về lãnh vực thần học. Còn ở các cộng đoàn, Đức Phanxicô sẽ gặp một Giáo hội rất gần với dân của mình. Lấy ví dụ ở thành phố Puerto Maldonado, nơi các nhà truyền giáo Dòng Đa Minh đã làm việc từ rất lâu, theo hình ảnh của giám mục David Martinez, địa phận Aguirre Guinea, đây là một công việc rất gần với người dân.

Chúng tôi nói đến một hàng giáo sĩ rất đơn giản, rất dấn thân. Một Giáo hội rất tích cực mà Đức Phanxicô sẽ gặp, một Giáo hội với ít nguồn trông cậy nhưng lại rất nhiều việc, chúng ta sẽ thấy họ làm việc như thế nào kể cả việc đón tiếp Đức Giáo hoàng trong những điều kiện tốt nhất!

Trong trường hợp tỉnh Trujillo thì khác hơn. Ở đây là một Giáo hội ở đô thị với một tấm lòng mộ đạo rất xưa cổ nhưng lại rất dấn thân trong vấn đề gìn giữ Tạo dựng. Còn về thành phố Lima, “thành phố của tất cả loại máu”, sự đa dạng thì rất rõ.

Còn về thứ trật Giáo hội công giáo thì chúng tôi ghi nhận từ vài tháng nay đã có một nỗ lực để đi đến thỏa hiệp dựa trên các tình trạng đã ảnh hưởng đặc biệt đến thể chế. Ngoài ra, đứng trước cơn khủng hoảng hiện nay của đất nước, tiếng nói của Giáo hội đặc biệt được ghi nhận. Đứng trước một thứ trật Giáo hội đôi khi bảo thủ, vẫn có một Giáo hội đặc biệt ưu tiên lo cho người nghèo, cho các thách thức của Thông điệp Chúc tụng Chúa để gìn giữ Căn nhà chung.

Đâu là tác động của Thông điệp Chúc tụng Chúa trên Giáo hội Pêru, từ trên cao xuống hạ tầng cơ sở?

Tôi nghĩ nước Pêru là nước mà Thông điệp Chúc tụng Chúa được làm việc nhiều nhất, kể cả ở cấp bậc hội đồng giám mục. Chúng tôi cũng vậy, là Ủy ban giám mục Hành động Xã hội, chúng tôi đã in và phát hành Thông điệp Chúc tụng Chúa. Hơn 4000 bản đã được phát. Năm 2015, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ trên toàn nước về chủ đề này, có nhiều thừa tác viên mục vụ cũng như các nhà chức trách của xã hội dân sự tham dự.

Việc Đức Phanxicô đến Amazzonia có tác động như thế nào? Chuyến đi này có làm thay đổi gì cho Giáo hội vùng Amazzonia Pêru không?

Tác động quan trọng nhất sẽ là củng cố Giáo hội địa phương trong các đấu tranh và trong các đề nghị về các vấn đề xã hội-môi trường của họ. Cũng cần nhắc lại, ở thành phố Puerto Maldonado, việc khai thác hầm mỏ bất hợp pháp và không chính thức là rất mạnh. Việc khai thác này đã làm ô nhiễm môi trường rất nhiều và tạo ra cảm giác bất an, các vấn đề đối xử con người và các tác hại khác. Ngoài việc gặp gỡ với các đại diện các dân tộc bản địa Amazzonia, Đức Phanxicô còn đến trung tâm “Principito”, một trung tâm đón nhận được linh mục người Thụy Sĩ Xavier Arbex thành lập, tại đây linh mục Xavier đón tiếp các trẻ em nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của việc khai thác hầm mỏ bất hợp pháp này. Đây là cả một biểu tượng! 

Chúng ta có thể chờ một bài diễn văn cứng rắn của Đức Giáo hoàng về sự cần thiết phải đối diện với các vấn đề môi trường không?

Tôi nghĩ là có. Dù bối cảnh chính trị khó khăn, nhưng Đức Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ quan điểm mạnh của ngài về luân lý, về tham nhũng hay về nhân quyền. Còn về chủ đề vùng Amazzonia, ngài sẽ có bài diễn văn mạnh, ngài đã lên lịch tổ chức thượng hội đồng liên vùng-Amazzonia tháng 10 năm 2019. Tôi nghĩ ngài sẽ nói ở thành phố Puerto Maldonado, ngài sẽ nhắc lại quyết tâm của Giáo hội luôn quan tâm đến vùng này.

Còn về việc bảo vệ môi sinh, đặc biệt cho vùng Amazzonia, ngài sẽ nói rõ và đòi hỏi trách nhiệm của Quốc gia. Còn về các công ty thì còn phải chờ xem. Chúng ta đừng quên, ở Vatican, Đức Phanxicô đã từng gặp các đại diện của các công ty đa quốc gia khai thác hầm mỏ. Tôi tin chắc, Đức Giáo hoàng sẽ bảo vệ quyền lợi của các sắc dân bản địa về vấn đề khai thác hầm mỏ và dầu khí ở đây. Ngài làm việc không ngơi nghỉ để gìn giữ công trình Tạo dựng. 

Ông vừa nhắc đến thượng hội đồng liên vùng Amazzonia. Tin này được hàng giáo sĩ phụ trách vùng Amazzonia đón nhận như thế nào?

Đúng là một tin vui! Trên thực tế, chính một giám mục Pêru đã gợi ý với hồng y Ba Tây Claudio Hummes, chủ tịch Mạng Giáo hội vùng liên-Amazzonia (Repam) vào năm 2017. Với một mục đích: suy nghĩ rất chi tiết về những gì đang xảy ra ở vùng Amazzonia. Hồng y Claudio Hummes và Đức Phanxicô có mối liên hệ thân tình.

Đức Hồng y Claudio Hummes đã trình ý tưởng này với Đức Phanxicô, và ý tưởng này đã chín muồi cho thượng hội đồng này. Đây là công việc do chính kinh nghiệm riêng của các giám mục vùng Amazzonia, các giám mục cùng có các đề nghị chung, cùng nương tựa nhau với sự hỗ trợ của Đức Giáo hoàng. 

Các sắc dân bản địa cảm nhận như thế nào về chuyến đi của Đức Phanxicô?

Tôi tiếp xúc nhiều với các đại diện các sắc dân bản địa vùng Amazzonia. Với đa số, sự mong chờ là tích cực, bởi vì họ thấy Giáo hội hỗ trợ họ, ở bên cạnh họ. Họ cảm thấy tin tưởng để nêu lên vấn đề của mình. Họ thấy một giáo hoàng đoàn kết đến viếng thăm một Giáo hội đoàn kết. Song song đó, các dân tộc vùng Amazzonia trong khuôn khổ của Hiệp hội luân lý phát triển vùng rừng Amazzonia Pêru (AIDESEP) từ lâu đã kết dây liên hệ thường xuyên với các tổ chức khác nhau liên quan đến Giáo hội, vì thế họ tin tưởng ở Giáo hội. Giáo hội đã tháp tùng họ trong nhiều vụ xung đột, kể cả những vụ ngoài các vụ của Amazzonia.

Ông mong Đức Phanxicô sẽ để lại gì sau chuyến đi của ngài?

Ngài để lại lịch làm việc, lo cho quyền của cá nhân và tập thể của các dân tộc sống trên vùng đất của mình và nhờ vùng đất của mình. Một lịch làm việc để cùng bảo vệ Căn nhà chung và trách nhiệm của nhiều nhân vật khác nhau. Một lịch làm việc giúp chúng tôi khẳng định chúng tôi đối diện với cơn khủng hoảng duy nhất, cơn khủng hoảng xã hội-môi trường. Một lịch làm việc giúp chúng tôi chuẩn bị tốt cho thượng hội đồng liên vùng Amazzonia. Và một lịch làm việc giúp Giáo hội địa phương chúng tôi tiếp tục làm việc cho Công chính, Hòa bình và Gìn giữ công trình Tạo dựng.

Marta An Nguyễn dịch

563    18-01-2018