Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Phía đằng sau tâm linh

Phía đằng sau tâm linh

 

Thế kỷ XXI, thiên niên kỷ của tâm linh. Tâm linh là thế giới vô hình, dù mắt không nhìn thấy, nhưng có thực. Ngay cả những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa Dân tộc, cũng mặc nhiên tin. Tôi xin chia sẻ điều: “Phía đằng sau tâm linh” là gì?

 

1. Ước mong vật chất: Sức khỏe, giàu có, đỗ đạt…

Những ước mong trên đều phát xuất từ cuộc sống. Muốn duy trì và phát triển cuộc sống, con người tin và ước mong sự sống nảy nở ra nhiều. Nên có nơi, người ta đã thờ cơ quan sinh dục, thờ sinh thực khí, công cụ sinh sôi, nảy nở. Ví dụ: Nõ Nường. Nõ là cái nêm, tượng trưng sinh thực khí nam. Nường là cái mo nang, tượng trưng thực khí nữ. Có nơi thờ thiên nhiên, như Bà Trời Bà Ðất, Bà Nước, Bà Mây Mưa Sấm, Mười hai Bà Mụ, Ngọc Hoàng, Thổ Công, Hà Bá. Thờ động vật: Chim, Rồng Tiên. Thờ thực vật: Thần Nông, Thần Ða. Ðúng triết lý của Á Ðông: “Thiên - Ðịa - Nhân” là thể thống nhất.

Hiện nay, trong thời đại kinh tế trí tuệ, tôi thấy nơi nào giúp cho con người có sức khỏe, làm giàu, thi cử đỗ đạt, thăng quan tiến chức, người ta đến rất đông và rất sớm, lại hết sức sầm uất! Những nhân viên phục vụ ở đây rất văn hóa, tử tế, tận tâm, hiếu khách. Ở nhiều nơi này, có phòng hướng dẫn và viết sớ, sắm lễ vật, lên đỉện chính, thắp nhang, khấn vái, cầu nguyện, đốt sớ, cúng dường.

Bản chất của Yêu là chỉ muốn và làm điều tốt cho toàn diện và toàn thể con người...

 

2. Ước mơ tinh thần: Sống đoàn tụ, bình an, độc lập tự do, hạnh phúc.

Dù không tin thần thánh, nhiều người cũng đặt bàn thờ Tổ Tiên ở giữa nhà gian giữa. Họ rất coi trọng việc cúng giỗ, vì tin rằng: ông bà tổ tiên tuy về cõi vĩnh hằng, cũng vẫn hằng về thăm và phù hộ cho con cháu, trong dịp đoàn tụ đặc biệt, như ngày Tết, ngày giỗ… Bàn thờ được bày biện hương, hoa, trà, rượu, nước lã. Tất cả những việc trên đều mang ý nghĩa cao quý, có tính giáo dục. Trong dân gian, những vật dụng như hương án, đài rượu, bình hoa, chân đèn là những bảo vật thiêng liêng, dù nghèo khó cũng không được bán. Ngoài ra, nhiều gia đình còn thờ Thổ Công, là vị thần trông coi gia cư, định đoạt phúc họa cho gia đình: “Ðất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Bàn thờ Thổ Công được đặt ở gian bên trái. Vào ngày giỗ, phải khấn Thổ Công trước, rồi xin phép cho cha mẹ về phối hưởng. Ở Nam Bộ, thờ Ông Ðịa thay Thổ Công. Bàn thờ Ông Ðịa đặt ở dưới đất và nhiều nơi đồng nhất với Thần Tài. Thờ Ông Ðịa bởi tin rằng mọi của cải đều do đất mà ra. Mẹ Ðất, nguyên lý Phồn Thực. Rộng hơn nữa theo văn hóa cộng đồng, người dân thờ thần Thành Hoàng tức Thần Làng là những vị có công lập ra làng xã, những anh hùng dân tộc, được Vua thừa nhận, như Vua Tổ là Hùng Vương. Chỉ có người Việt theo tục thờ cúng Ông Bà mới có. Thật là nét văn hóa độc đáo và tuyệt vời!

Ðặc biệt, trong dân gian còn có tục thờ Tứ Bất Tử - Bốn Vị không chết. Ðó là Sơn Tinh - Thủy Tinh: biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết chống lũ lụt. Thánh Gióng: biểu tượng cho sức mạnh chống giặc ngoại xâm. Chử Ðồng Tử: người nông dân nghèo, nhờ ngoại thương, trở nên thịnh vượng, giàu có về vật chất. Rồi vị thứ tư là Liễu Hạnh. Người con gái quê, hiện thân của công chúa nước Trời, xuống trần. Biểu tượng “Khát vọng về tự do, hạnh phúc”.

Tục thờ Tứ Bất Tử là những giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp của dân tộc ta. Ðó là những biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết, vươn tới ước vọng sống chính đáng của con người: “Phồn vinh về vật chất. Tự do, hạnh phúc về tinh thần”.

 

3. Mơ ước tâm linh

Khởi đi từ chân lý: “Ta là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi”. Vì thế đừng để bản thân bị ràng buộc bởi những thứ vốn không thuộc về mình. Sống trên đời, hãy cứ chân thành, nhẫn nại và thiện lương, thì những thứ tốt đẹp sẽ tự tìm đến với bạn thôi. Vì thời gian của mỗi người là hữu hạn, vì cuộc đời là những vòng tuần hoàn đáng quý của sinh mệnh, không ai luôn được, cũng không ai luôn mất, vậy nên hãy biết sống để cho đi, trước khi trở về với cát bụi một cách có ý nghĩa nhất.

Do đó, con người muốn tìm về chân lý giác ngộ giải thoát, vươn lên chốn Thiên đàng vĩnh hằng, ước được nhập vào Ðấng Siêu hình, Ðấng Tạo hóa, Thiên Chúa. Ðạt tới Nước Trời, hạnh phúc đời đời. Con người muốn như những dòng sông đổ về biển cả; như lá rụng về cội.

Muốn được như vậy, phải luyện tâm, tu tâm sửa tánh; tu thân tích đức; bác ái, từ bi, làm phúc bố thí, cứu nhân độ thế. Mỗi tín ngưỡng, tôn giáo có những con đường và phương thức đào luyện riêng. Tất cả đều có mục đích thăng tiến con người, hướng tới “Chân, Thiện, Mỹ”. Tu lâu, trở thành cát bụi, trở thành đất, trở về Ðất. Kinh nghiệm tâm linh bậc thầy: “Khi ta ở mức tột cùng ta sẽ gặp Ðấng vô cùng thánh thiện và yêu thương”.

Tôi xin được chia sẻ về Chúa Giêsu. Trước hết, trong vườn Cây Dầu, đối diện với đau khổ và sự chết, dẫu là tự nguyện, khoảnh khắc giây phút cô đơn cùng cực, Ngài gặp Ðức Chúa Cha: “Cha ơi! Xin theo ý Cha hoàn toàn” (Mc 14,36). Lời cầu nguyện bộc lộ tâm hồn, thuộc trọn, nhập vào, nên một, với Chúa Cha. Ðây là dấu chỉ tột cùng của chuẩn mực thánh thiện, nêu gương bài học là thánh cho chúng ta. Thứ đến, lúc bị treo trên đỉnh cao thập giá, đau thương quằn quại, trần trụi, không còn gì! Chúa Giêsu gặp Chúa Cha, và xin: “Lạy Cha, xin cha tha cho họ vì họ không biết việc họ đang làm” (Lc 23,34). Ngài dạy chúng ta: “Khi ở đỉnh cao, đẳng cấp và cao cấp, lúc ấy, người ta mới thực hiện trọn vẹn giới răn yêu thương là tha thứ”. Không vị thánh nào mà không tha thứ, nhất là khi bị đau thương, như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sau khi bị ám sát, lúc vừa khỏe lại, ngài đã vào nhà tù hỏi thăm và tha thứ cho kẻ bắn mình! Như thế, “Thánh thiện” và “Yêu thương - tha thứ” khi ở tận đáy và ở đỉnh cao cùng cực, sẽ bật lên và tỏa sáng!

***

Phía đằng sau tâm linh, là những nhu cầu chính đáng của con người, bao gồm cả hồn cả tinh thần cả thể xác. Tiến từ thể chất, vươn tới tinh thần, rồi đạt tới đỉnh cao tâm linh của kiếp nhân sinh. Tột cùng của kiếp người mà có ý nghĩa, trí tuệ và khôn ngoan nhất là: “Trở nên giống Thượng đế và trở về với Ngài”. Ngài là Tình yêu. Bản chất của Yêu là chỉ muốn và làm điều tốt cho toàn diện và toàn thể con người, cho chúng sinh muôn loài, một cách nhưng không, vô vị lợi. Kinh nghiệm, về cuối đời, thánh Gioan tông đồ chỉ còn rao giảng hai tiếng “Yêu thương”. Ðích điểm của đào luyện tâm linh, chỉ còn lại trong chúng ta một khối yêu - Yêu thương, từ ánh mắt, nụ cười, lời nói, cử chỉ, thái độ, việc làm tràn ngập tình thương. Chỉ khi sống tình nghĩa, hiếu thảo, biết ơn, và khao khát điều chính trực như Thượng Ðế, qua gương Chúa Giêsu đang sống, đến khi từ giã cõi đời, chúng ta thực sự nhập vào, nên một với Thượng Ðế, Ðấng Tạo Hóa, Thiên Chúa, như giòng sông nhập vào biển cả, như con cá nhỏ sống trong đại dương, tự do, hạnh phúc trọn vẹn, vĩnh hằng! 

 

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

646    26-04-2021