Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Phút Vô Tận

Nếu ai để tâm sẽ thấy thiếu nhi ngày hôm nay ít vận động và năng động như trước đây khi đến nhà thờ học giáo lý, sinh hoạt, tham dự thánh lễ hay các hoạt động hướng đạo khác. Chắc hẳn nhiều người sẽ đồng ý rằng nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên đó là các em bị chi phối quá nhiều bởi chiếc smart phone (sau đây tôi sẽ gọi chung là chiếc điện thoại) – trong ấy, một thế giới đầy sức cuốn hút mà các em có thể đắm mình vào để thỏa mãn những sở thích và đam mê của mình. Phải chăng chiếc điện thoại đã “cám dỗ” được các em hay bởi vì cái xã hội này đã cướp mất của các em những điều mà các em đáng được sống, cảm nghiệm và tận hưởng… để giờ đây các em chỉ còn biết dán mắt vào cái màn hình điện thoại và lướt những ngón tay bé xíu để tìm một điều gì đó mà dường như các em không bao giờ tìm gặp.

Tôi nhớ tầm 30 năm về trước, khi ấy tôi đang là một chú bé ở nông thôn với đầy đủ những trải nghiệm về một thời thơ ấu với những tháng ngày bình yên. Cuộc sống vui tươi và hồn nhiên trên một vùng quê hiền hòa, cánh đồng bao la, vườn cây trĩu quả, kênh rạch đầy cá tôm, nào là tép lóng, tép rong, cua đồng, cá sặc, cá rô dăm, và ôi thôi đủ thứ… Chiều tan học, nhất là những ngày trời mưa, xách cái thùng thiết với cái cù ngoéo ra ruộng một chút là đem về cả thùng cua. Ghé vào ao vườn nhà nhà ngoại hái mớ rau muống, rau nhút về là đủ nấu nồi canh ngọt ngất. Anh chị tôi thì đi xúc, đi mò cá, mò tép dưới rạch sau nhà, chút xíu lên là kho với tóp mỡ được cả ơ đất.

Cuộc sống cứ vậy, chiều về là mấy đứa trong xóm rủ nhau tắm sông, xúm nhau lên cây cầu đúc, sắp hàng nhảy đùng đùng xuống. Rồi chơi đủ trò, chơi khôn có chơi ngu có: năm mười có, chọi lộn có, bơi nhanh có, lặn dài có… Tắm cho tới đóng rong trên cái mép còn chưa chịu lên, phải đợi mấy bà mẹ xách cái roi mót lại mới chịu leo lên mé bãi rồi bò lên bờ. Đứa nào đứa nấy móng tay móng chân tím ngắt, bàn tay bàn chân móp hết, lạnh rung đánh bò cạp chạy về nhà. Và còn bao nhiêu trò chơi thuở ấy…

Nghĩ lại thấy thương các em ngày hôm nay, dòng sông đâu mà tắm, cua đồng đâu mà, ăn rau vườn đâu mà hái, cá tép đâu mà bắt. Vì đâu ra nông nổi? Những năm 2000, người ta thi đua nhau đắp đập ngăn mặn, chống ngập. Quê hương tôi cũng cùng cảnh ngộ, cả cái ấp chỉ có một con rạch đi ngang, ấy vậy mà người ta cũng chẳng tha. Còn đâu những ngày Chúa nhật ghe xuồng đậu đầy trước cầu bến nhà thờ của bà con giáo dân trong vùng sâu ra đi lễ. Còn đâu những ngày lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, người ta treo cờ kết bông trên những chiếc ghe cào, xuồng câu để mừng lễ Quan Thầy nghề hạ bạc.

Chúng tôi buồn một, cha ông chúng tôi đau mười. Còn đâu con rạch để ghe xuồng thông thương, chuyên chở hàng hóa bán buôn. Còn đâu những tiếng rao câu hò của các cô các chị mặc áo bà ba, đội nón lá, chân trước chân sau khua chèo điêu luyện bán đồ rẫy, đồ đồng, mắm muối, nước tương… Buồn. Và buồn hơn nữa khi tìm đâu ra phù sa để canh tác khi không còn mùa nước nổi tràn về, đất đai ngày một bạc màu dưới nắng chang chang. Rồi ông này ông nọ từ đâu á về giới thiệu phân bón, thuốc trừ sâu, kỹ thuật canh tác… để bù lại những gì mà chúng tôi đã bị lấy mất. Vựa phân bón ngày càng nhiều, thuốc trừ sâu thì đủ loại.

Từ đây đất lành thành đất dữ.

Quy luật hài hòa của thiên nhiên bị phá vỡ. Tất cả vấn đề liên quan đến nông nghiệp được “xử lý theo triệu chứng” nhanh gọn, không cần xét đến ngọn nguồn. Trớ trêu thay, thuốc càng nhiều, sâu bệnh càng nhiều hơn. Đắp đập tốn một, tổn thất tốn ngàn. Giờ đây cái gì cũng phải xử lý, trái gì cũng phải bao bọc. Nhớ ngày nào tôi đi hái cam với mẹ, bị kiến vàng nó cắn muốn nóng lạnh luôn. Giờ đây tìm con kiến vàng đỏ con mắt. Mấy cây xoài cát Hòa Lộc sau nhà thì năm nào cũng trái nhiều, bây giờ không còn kiến vàng nên sâu đục thân mặc sức tấn công, trái trăn gì hư hết. Buộc lòng phải xịt thuốc. Của nhà mình thì còn đắn đo, chứ của thiên hạ thì có lo chết liền.

Ngày trước, chiều chiều thả bộ trên những bờ đê, hít khói đốt đồng cũng thấy sướng. Sau này, xách xe đạp chạy trên con đường đal cập cánh đồng hửi mùi lúa non cũng phấn khởi. Giờ đây người ta bỏ ruộng nhiều, chuyển sang lên liếp trồng cam sành. Vườn cam bây giờ nhìn y như trại gà công nghiệp, cây cách cây chưa đầy một thước, hàng cách hàng chưa tới thước hai. Nhìn thấy cảnh họ xịt thuốc tôi rùng mình, hết dám thả hồn theo mây gió trong những buổi chiều vàng gió lộng. Xịt liên tục, cây nào cây nấy mướt rượt xanh um. Cái cây cở bằng cùm tay tôi mà mang cả hơn trăm trái. Nhìn cả vườn cam bạt ngàn đang xịt thuốc tôi nhớ câu thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, ai biết tình ai có đậm đà”. Chúng tôi đang làm cái gì đây trời? Cũng một nguồn nước ấy đổ ra sông cái, nhà máy nước lại hút lên, lắng lọc và cung cấp cho toàn vùng chúng tôi. Cũng những trái cây đó tới mùa lại thu bán cho cả vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long này, cho cả Sài Gòn và các tỉnh miền Đông và đem cả “về Nguồn” – cái Nguồn mà từ nơi ấy đủ loại thuốc sâu độc hại đến với quê hương chúng tôi. Hậu quả trực tiếp còn nặng nề hơn, đó là trên chính những người “thợ phun sương” và cả gia đình họ. Họ chủ yếu là những thanh niên nghèo, không việc làm ổn định, không kiến thức phổ thông. Cả ngày sống của họ là pha thuốc và xịt thuốc. Anh nào anh nấy riết nhìn như con cò ma, ho sù sụ và rồi… đau lòng thay cho một thế hệ kế tiếp. Hỏi tại làm sao ung thư ngày càng nhiều, hỏi vì lý do nào mà con người ngày càng khốn khổ.

Đó chỉ là một mảng nhỏ trong cả một “khung trời độc hại” mà tôi vừa đi qua tượng trưng cho những gì đang diễn ra trên nhiều vùng đất khác. Nhiêu đó cũng đủ để cho các phụ huynh gìn giữ con mình như “giữ trứng”. Đố ai dám cho các em sang nhà hàng xóm rủ nhau ra vườn chơi nhà chòi với mấy đứa bạn kế bên. Đố ai dám thả các em ra đồng hay tắm sông. Và đố ai dám cho các em một tuổi thơ như cha mẹ chúng nó đã từng. Chúng tôi phải đấm ngực và thú tội với thế hệ các em này là chúng tôi đã cướp mất cả một thời tuổi thơ của chúng nó.

Giờ đây để bù lại, “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng; con khát nước, lại cho uống giấm chua” (Điệp ca, Ca vịnh 68, Kinh Sách Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên). Nhà ai có con nhỏ thì sẽ hiểu “Tam Thập Lục Kế” không phải “tẩu vi thượng sách” nhưng là “điện thoại vi thượng sách”. Dần dần nó hình thành thói quen không thể thay thế. Dù ở đâu, khi nào, đang làm gì thì chiếc điện thoại vẫn trên tay. Có điện thoại rồi tôi đố đứa nào còn chạy nhảy. Nếu như ngày trước cả xóm tôi chỉ có một thằng mập là thằng “Nhí Mập”, còn bao nhiêu đứa ốm nhom do lo bắn culi suốt ngày với lại có gì ăn đâu mà mập, họa chăng cả đám hay chạy qua cái lò đường “rút mía” về xước cho đỡ buồn miệng, thì bây giờ kiếm một đứa ốm thiệt là khó khăn. Ăn nhiều, ít vận động. Khi xã hội đều vậy, chúng tôi tự cho phép mình nhận định điều đó là bình thường. Thế nhưng, nó thật không bình thường. Cái bất thường tôi muốn đề cập ở đây không phải là chuyện mập ốm, nhưng là cái mà tôi sẽ gọi là “chủ nghĩa lướt”.

Một vài phụ huynh than phiền với tôi về con cái họ, nhất là các em học sinh cấp hai cấp ba. Các em ít biết quan tâm và thương yêu cha mẹ như thế hệ chúng tôi ngày trước. Đứa nào khá lắm thì cha mẹ nói sao nghe vậy, dạy gì thì làm theo. Suốt ngày nó cứ lờ đờ sao á. Tôi không có một đứa con cho riêng mình, nên tôi có dịp để tâm quan sát nhiều đứa thuộc nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau. Tựu trung, nó giống nhau ở một điểm: đó là sống theo “chủ nghĩa lướt” – nhanh gọn lẹ, thiếu chiều sâu, nhạy bén, nghĩ suy. Tất cả diễn ra trên bề mặt một cách nhanh chóng và hời hợt. Hết cái này đến cái khác, ồn ào và náo động theo kiểu nó không nghĩ tới cái gì, không chạm tới cái gì, không nghe thấy cái gì, không làm một cái gì là nó không tồn tại. Tất cả những thiếu thốn này, xã hội đã làm cho chúng cảm thấy thỏa mãn. Xã hội còn ủng hộ cái ồn ào này khi liên tục hướng các em đến một cái điều gì khác chứ không phải sống trong chính giây phút này. Các em không bao giờ mãn nhãn với cái mà các em đang xem, các em phải vuốt liên tục để tìm cái hấp dẫn hơn.

Xã hội liên tục đặt ra những tiêu chuẩn để định giá thành công của các em, bắt các em phải thi đua trong mọi hoạt động. Đạt được thì cảm thấy vui vẻ hài lòng, không đạt được thì buồn bã tự ti. Nhiều cha mẹ dường như cũng đồng tình với những tiêu chuẩn thành công do xã hội đặt ra khi liên tục áp lực trên con cái mình phải hơn, hoặc ít ra phải bằng đứa bạn cùng lớp. Thấy con mình luôn yếu kém hơn con hàng xóm. Họ luôn kỳ vọng con mình được bằng con nhà người ta. Chúa ơi, họ đang thương con họ hay họ đang thương chính bản thân mình? Nếu thương con sao không chấp nhận cho con là chính con? Nếu thương con sao bắt con phải bằng bạn? Họ đang làm điều mà họ không biết? Bởi lẽ họ đã không có thời khắc tĩnh lặng để định tâm. Trong ngày chỉ còn khoảng thời gian tĩnh lặng duy nhất, khổ nỗi, đó là lúc họ đã ngủ. Và rồi cuộc đời cứ trôi.

Trước đây tôi từng nghĩ và từng sống cho cái mà người ta gọi là “tương lai”. Để rồi luôn hướng tới tất cả những điều gì bên ngoài bản thân mà quên đi chính mình. Có lẽ nhiều người sẽ bất đồng quan điểm với tôi khi cho rằng tôi phớt lờ tương lai. Vậy cho tôi hỏi bạn tương lai là cái gì? Phải chăng nó là những thứ sẽ diễn ra vào ngày mai? Vậy bạn thử nghiệm xem, khi ngay giây phút này đây bạn đang nghĩ về tương lai thì cũng là lúc mà bạn mất đi những giây phút hiện tại? Và bạn càng nghĩ về tương lai nhiều chừng nào thì bạn càng mất đi giây phút hiện tại nhiều chừng ấy. Đó là phút giây duy nhất bạn có thể sống, hành động và tác động lên thế giới này. Tại sao chúng ta cứ phải mải miết hướng về cái thứ mà chúng ta không biết được nó sẽ diễn ra như thế nào? Nếu bạn còn phân vân, xin hãy nhìn lại bao dự định, bao kế hoạch của bạn đã bị con Corona Virus đảo lộn như thế nào đi.

Đây không phải là một tư tưởng mới, vì chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6, 34). Điều này không chỉ đúng với Kitô giáo, nhưng còn đúng với mọi người và mọi thời. Nhiều bậc hiền triết, cao minh đã thấu triệt được tư tưởng này nên tạm gọi là đắc đạo và truyền lại cho hậu thế với những thuật ngữ như: Sự Hiện Diện, Sự Tĩnh Lặng, Phút Hiện Tại, Hợp Nhất với Vũ Trụ, Hòa vào Đại Ngã… Không xa xôi gì, trong thời đại của chúng ta, chính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã lấy tư tưởng phút hiện tại này như một nét chính cho con Đường Hy Vọng của ngài khi ngài viết: “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh”. Ngài đã không lướt qua đời sống này nhưng ngài đã sống trọn vẹn những phút giây mà chúng ta đã lướt. Một tương lai bền vững chỉ có thể là một tương lai nối dài của phút hiện tại – điều mà tôi gọi là phút vô tận.

- Khi bắt đầu đọc một quyển sách, tôi đọc với giây phút này bằng sự tập trung. Tôi không cần nhìn lại quá khứ hay hướng về tương lai. Tôi duy trì nó trong phút vô tận;

- Khi tôi trò chuyện với một người nào đó, tôi hoàn toàn chú ý đến họ và thông chia với họ bằng cả trái tim. Tôi dành cho họ phút vô tận;

- Khi tôi bắt tay vào một công việc nặng nhọc, tôi không bận lòng nó sẽ kéo dài trong bao lâu và nó sẽ vất vả như thế nào. Tôi cảm ơn Chúa vì mình còn sức để làm được công việc nặng nhọc này. Tôi làm công việc đó với một phút vô tận;

- Khi tôi bước vào một cuộc trò chuyện với Chúa trước Nhà Tạm, tôi không bận tâm là ba mươi phút hay một giờ, tôi chỉ có một phút này để ngồi bên Chúa – đó là phút vô tận;

- Và cả ngày sống của tôi, từng phút vô tận nối tiếp nhau. Tôi cảm nhận, tận hưởng hạnh phúc và bình an. Ai đâu nói được rằng tôi đã không biết lo cho tương lai?

“Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”. Bạn và tôi hãy tận hưởng những ngày tháng chay tịnh này trong từng giây phút để cảm nhận rằng Chúa ở gần tôi và bạn biết bao. Người là Đấng Hiện Hữu, tôi và bạn chỉ có thể gặp thấy Người ngay giây phút này đây – phút vô tận. Khi đã gặp Người, chúng ta đừng để “Người trôi qua”, nhưng hãy duy trì sự kết nối này – phút vô tận. Con và Chúa, Chúa và con. Con không còn bận tâm những gì đã qua, không còn lo lắng những những điều sắp đến. Trong con chỉ còn có Chúa và thế là đủ cho con.

Mùa Chay năm nay sẽ ý nghĩa và êm đềm biết bao khi tôi và bạn kinh nghiệm về Chúa. Theo nghĩa này, bạn và tôi sẽ kéo dài Mùa Chay Thánh trong niềm tin và tình mến. Việc chay tịnh sẽ là một niềm vui trên hành trình sám hối chứ không phải là một việc làm mang tính chất bi thương. Khi chúng ta đã hạnh phúc, chúng ta có thể kể lại kinh nghiệm hạnh phúc này cho các thế hệ mai sau. Để rồi chủ nghĩa lướt” sẽ không còn tồn tại nơi thế hệ con em của chúng ta. Bởi lẽ các em sẽ hiểu được rằng chỉ sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại này – một phút vô tận mới mang lại cho các em một cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc và bình an. Nơi ấy, các em gặp được chính Chúa.

Thái Hòa

Mọi góp ý xin gởi về: pphuochung2014@gmail.com

 

 

         

 

790    05-03-2022