Ảnh minh họa từ Wikimedia Commons |
Đối với mỗi con người, cái chết là điều chắc chắn. Nó dần dần hiện ra trên đường chân trời cuộc đời của chúng ta, dù thường không được nói ra nhưng nó luôn hiện hữu, định hình các quyết định, nỗi sợ hãi và tham vọng của chúng ta. Nhưng có một con người trong lịch sử mà cái chết không chỉ là điều tất yếu mà còn là số phận - thực ra, đó chính là mục đích cho sự ra đời của Người. Chúa Giêsu Kitô, người duy nhất trong số tất cả nhân loại, đã đến thế gian không phải để thoát khỏi cái chết mà là để đón nhận nó, để biến đổi nó và cuối cùng là để chiến thắng nó.
Nghịch lý này - mục đích cuối cùng của nhập thể là thập giá - là chìa khóa để hiểu được chiều sâu của Mùa Vọng và niềm vui của Lễ Giáng Sinh. Trong khi thế giới kỷ niệm Chúa Giáng Sinh bằng ánh đèn, âm nhạc và tiệc tùng, thì Giáo Hội lại mời gọi chúng ta suy ngẫm về bức tranh lớn hơn: Hài Nhi trong máng cỏ này cũng là Chiên Thiên Chúa, sinh ra để chết đi vì tội lỗi thế gian.
Mục đích của cuộc Nhập thể
Ngay từ thời điểm sa ngã, cái chết đã xâm nhập vào thân phận con người như một hậu quả của tội lỗi (St 3:19). Trong nhiều thế kỷ, nhân loại đã vật lộn với sức nặng của cái chết, sợ hãi nó như một kết thúc và một điều chưa thể hiểu thấu. Trong thực tế này, Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra, không phải để tránh đi cái chết mà là để đón nhận nó một cách trọn vẹn, biến nó thành phương tiện cứu độ. Sự Nhập thể của Người - Thiên Chúa trở thành con người - có liên hệ không thể tách rời với cái chết và sự phục sinh của Người.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở chúng ta rằng “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm vì chúng ta để cứu độ chúng ta bằng cách hòa giải chúng ta với Thiên Chúa.” (số 457) Ơn cứu độ này chỉ có thể đạt được thông qua cái chết hy sinh của Người, một cái chết được báo trước ngay từ thời điểm Người sinh ra. Cuộc đời của Chúa Giêsu không chỉ là một gương mẫu nhân đức phi thường hay một tập hợp các giáo lý sâu sắc; đó là một sứ mệnh, đạt đến đỉnh điểm trong sự tự nguyện vâng phục của Người trên thập giá.
Mầu nhiệm Giáng Sinh dưới ánh sáng của thập giá
Niềm vui của Lễ Giáng Sinh, được tôn vinh một cách đúng đắn với sự kính sợ và kinh ngạc, không thể tách rời khỏi bóng tối của thập giá. Ngay cả trong câu chuyện về sự ra đời của Chúa Giêsu, cũng có những gợi ý về số phận cuối cùng của Người. Những tặng phẩm của các nhà thông thái - vàng, nhũ hương và mộc dược - thường được hiểu là biểu tượng cho vương quyền, thần tính và cái chết của Người. Đặc biệt, mộc dược được sử dụng trong các nghi lễ chôn cất, một lời nhắc nhở sâu sắc về những gì sắp xảy ra với vị Vua mới được sinh ra này.
Bản thân máng cỏ, một máng ăn, tượng trưng cho Bí tích Thánh Thể, nơi Chúa Kitô sẽ hiến dâng thân xác của Người làm của ăn thiêng liêng cho thế giới. Những tấm vải quấn mà Đức Maria quấn lấy Người báo trước tấm vải liệm mà Người sẽ được chôn cất. Ngay cả khi còn thơ ấu, Chúa Giêsu đã được ghi dấu bằng một mục đích vượt lên trên niềm vui trước mắt khi Người chào đời.
Chiên Thiên Chúa
Lời tuyên bố của Gioan Tẩy Giả, “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian,” (Ga 1:29) đã nắm bắt được bản chất sứ mệnh của Chúa Kitô. Khi những con chiên hiến tế của Giao ước Cũ được hiến dâng vì tội lỗi của dân chúng, thì Chúa Giêsu cũng sẽ hiến dâng chính mình như của hy lễ cuối cùng. Cái chết của Người không phải là một tai nạn của lịch sử hay là kết quả do sự phản bội của con người; đó là sự hoàn thành một kế hoạch của Thiên Chúa.
Mối liên hệ với con chiên Vượt qua trở nên đặc biệt nổi bật. Cũng giống như máu của con chiên đã cứu dân Israel khỏi cái chết ở Ai Cập, thì máu của Chúa Kitô cũng cứu nhân loại khỏi cái chết đời đời. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta tham dự vào Mầu nhiệm Vượt Qqua này, đón nhận thân thể và máu của Chiên Con đã sinh ra để chết đi vì ơn cứu chuộc của chúng ta.
Mùa Vọng như sự chuẩn bị cho cái chết
Mùa Vọng, thường bị lu mờ bởi cơn lốc văn hóa của các hoạt động chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, lại là mùa kêu gọi chúng ta dừng lại và suy ngẫm. Đây không chỉ là thời gian chuẩn bị cho lễ mừng Chúa Giáng Sinh mà còn là thời gian chuẩn bị cho cuộc tái lâm của Người và cuộc gặp gỡ cuối cùng với Người vào cuối cuộc đời chúng ta.
Theo nghĩa này, Mùa Vọng cũng phản ánh Mùa Chay, kêu gọi chúng ta sám hối và sẵn sàng. Trong khi Mùa Chay hướng chúng ta đến Cuộc Khổ Nạn, Mùa Vọng hướng chúng ta đến Cuộc Nhập Thể, nhưng cả hai đều gắn kết chặt chẽ với nhau. Sự khiêm nhường của máng cỏ không thể tách rời khỏi sự khiêm nhường của thập giá. Cả hai đều cho thấy chiều sâu tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại - một tình yêu sẵn sàng chấp nhận đau khổ và cái chết để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta.
Niềm an ủi duy nhất từ cái chết của Chúa Kitô
Đối với các Kitô hữu, việc biết rằng Chúa Giêsu sinh ra để chết đi mang lại niềm an ủi sâu sắc. Cái chết, mặc dù vẫn là một thực tế đau đớn, nhưng không còn là tiếng nói sau cùng. Qua cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Kitô đã biến cái chết thành cánh cổng dẫn đến sự sống muôn đời.
Chân lý này thách thức khuynh hướng hiện đại là tránh né hoặc phủ nhận cái chết. Trong một nền văn hóa thường tìm cách quên đi cái chết, câu chuyện về sự ra đời của Chúa Kitô mời gọi chúng ta đối mặt với cái chết bằng niềm hy vọng. Chúa Giêsu đã hoàn toàn bước vào kinh nghiệm của con người, bao gồm cả đau khổ và cái chết, để cứu chuộc con người từ bên trong. Sự ra đời của Người không phải là sự trốn thoát khỏi sự yếu đuối của con người mà là sự chấp nhận nó, cho chúng ta thấy rằng ngay cả những thực tế đen tối nhất của cuộc sống cũng có thể được biến đổi bởi ân sủng của Thiên Chúa.
Lời mời gọi noi gương Chúa Kitô
Khi chúng ta suy ngẫm về sự ra đời của Chúa Giêsu và mục đích cuối cùng của Người, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại cuộc sống của chính mình. Mặc dù chúng ta không được sinh ra với sứ mệnh chết đi vì tội lỗi của thế gian, nhưng chúng ta được mời gọi noi theo tấm gương yêu thương quên mình của Chúa Kitô. Trong Mùa Vọng, điều này có nghĩa là chuẩn bị tâm hồn mình để đón nhận Người cách trọn vẹn, từ bỏ sự ích kỷ và sống trong ánh sáng của cõi đời đời.
Sự chuẩn bị này không chỉ đơn thuần là lòng đạo đức cá nhân mà còn là sự tham gia vào sứ mệnh cứu chuộc của Chúa Kitô. Thông qua các hành động bác ái, cầu nguyện và hy sinh, chúng ta làm vang vọng sự tự nguyện của Người khi chấp nhận đau khổ vì lợi ích của người khác. Cũng như sự ra đời của Chúa Kitô hướng đến cái chết của Người, thì cuộc sống của chúng ta cũng hướng đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với Thiên Chúa.
Niềm hy vọng của sự phục sinh
Nghịch lý về việc Chúa Giêsu sinh ra để chết đi được làm sáng tỏ trong sự phục sinh. Cái chết của Người không phải là kết thúc của câu chuyện mà là sự khởi đầu của một cuộc sáng tạo mới. Do đó, niềm vui của Lễ Giáng Sinh không bị giảm đi bởi thực tế của thập giá; nó được đào sâu hơn bởi thực tế này.
Khi chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh, chúng ta được nhắc nhở rằng sứ mệnh của Người là mang lại sự sống từ cái chết, hy vọng từ sự tuyệt vọng và ơn cứu chuộc từ tội lỗi. Đây là lý do cuối cùng cho mùa lễ này - không chỉ là niềm vui khi Người giáng sinh mà còn là ơn cứu độ mà cái chết và sự phục sinh của Người đã mang đến cho thế giới.
Nghịch lý của mầu nhiệm Giáng Sinh
Trong một thế giới thường vội vã vượt qua cái sâu sắc để đến với cái hời hợt, câu chuyện về sự ra đời của Chúa Kitô mời gọi chúng ta hãy chậm lại và suy ngẫm. Chúa Giêsu sinh ra không chỉ để sống mà còn để chết, để mang lấy gánh nặng tội lỗi của con người và biến nó thành lời hứa về sự sống đời đời.
Mùa Vọng này, khi chúng ta chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, chúng ta đừng quên câu chuyện lớn hơn. Hài Nhi trong máng cỏ cũng là Chiên Thiên Chúa. Sự ra đời và cái chết của Người không thể tách rời, và cả hai đều cho thấy chiều sâu tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Bằng cách suy ngẫm về chân lý này, chúng ta có thể đi sâu hơn vào mầu nhiệm Nhập thể và chuẩn bị tâm hồn mình không chỉ cho sự xuất hiện của Người vào dịp Giáng Sinh mà còn cho ngày chúng ta sẽ gặp Người trực diện.
Tác giả: Ryan Bilodeau - Nguồn: Catholic Exchange (06/12/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên