Bác ái (tiếng Latinh: Caritas nghĩa là “tình yêu cao cả, rộng khắp”, đôi khi cũng được gọi là đức mến) theo thần học Ki-tô giáo được hiểu là “tình cảm để giữ mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa”. Đối với nhà thần học Tôma Aquinô: Bác ái “không chỉ là tình cảm đối với Thiên Chúa mà còn là tình cảm dành cho những người chung quanh chúng ta”. Vì thế, thánh nhân nhận định rằng; bác ái là nhân đức cao đẹp nhất trong ba nhân đức đối thần (gồm: đức tin, đức cậy và đức mến). Thuật ngữ Caritas cũng là gốc của thuật ngữ charity trong tiếng Anh, để chỉ những hoạt động giúp đỡ cộng đồng, người cô thân yếu thế. Đối với những hoạt động như vậy, người Công giáo nói riêng và người Ki-tô hữu nói chung; thường sử dụng bằng thuật ngữ “làm bác ái” để thay thế tương ứng với thuật ngữ “làm từ thiện”. (theo Wikipedia).
(Trong việc thực hiện bác ái, người ta có thể làm riêng lẻ từng cá nhân hay lập ra một tập thể, một hiệp hội quy tụ những người có chung chí hướng, để cùng làm việc bác ái: Chẳng hạn như hiệp hội Caritas. Nữ tử bác ái. Hiệp hội bác ái Vinh Sơn…có hiệp hội mà phạm vị hoạt động rộng khắp hoàn cầu)
Chính vì định nghĩa bác ái là làm từ thiện, cho nên khi nói đến bác ái là người ta thường nghĩ ngay đến việc “chia cơm xẻ áo” hay cho đi những gì là hiện vật đến những người thiếu thốn. Thật ra; việc giúp đỡ anh em trong cảnh cơ nhỡ bằng hiện vật chỉ là một khía cạnh của việc bác ái mà thôi. Trong xã hội nhiều người tuy không thiếu thốn của cải vật chất, song họ lại rất cần đến sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ về mặt tinh thần của những người sống bên cạnh. Như vậy, có thể nói; việc thi hành bác ái, ngoài những sự giúp đỡ về vật chất, chúng ta còn có thể thực hiện cho tha nhân bằng việc nâng đỡ, động viên khích lệ và an ủi những người gặp khó khăn, đau khổ về đời sống tinh thần.
Một ánh mắt nhìn trìu mến cảm thông, một lời nói khích lệ động viên, một sự chia sẻ chân thành thiết nghĩ đó cũng là những hành động bác ái mà chúng ta không thể không ghi nhớ: “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn.” (Is 50, 4).
Nếu nói rằng: mỗi người đều có một thập giá để vác thì vì lòng bác ái chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm làm cho thập giá của những người anh em sống chung quanh mình được nhẹ đi hay nói cách khác tích cực hơn là chúng ta phải vác đỡ thập giá cho anh em mình, đó như là một nón nợ vậy. Vì chính thánh Phao lô đã từng kêu gọi: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13, 8).
Nếu Đức Giê-su đã dạy phải yêu thương và làm ơn cho kẻ thù thì không có lý do gì để chúng ta từ chối việc thi hành bác ái với tất cả mọi người đang sống bên cạnh chúng ta.
Như đã nói ở trên, nếu chúng ta nghĩ rằng phải có tiền bạc thì mới có thể làm việc bác ái được thì điều đó là không đúng. Chúng ta hãy nhìn vào việc làm của hai vị tông đồ xưa kia thì rõ. Sách Tông đồ công vụ tường thuật lại rằng: Có một người bị tật nguyền từ lúc lọt lòng mẹ, người ta khiêng và đặt anh ta ở cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp để cho anh ta xin người đi qua lại bố thí, khi thấy ông Phê-rô và Gio-an đến thì liền xin các ngài bố thí, khi ấy hai ông nhìn thẳng vào anh què và ông Phê-rô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây! Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: Nhân Danh Đức Giê-su Ky-tô người Nazaret, anh đứng dậy mà đi! Rồi ông nắm chặt tay anh, kéo anh trỗi dậy. Lập tức bàn chân anh và xương mắt cá trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa.” (Cv 3, 1-9).
Trong cuộc đời, nếu chúng ta sống kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su và đón nhận những ân sủng Ngài ban thì chúng ta cũng sẽ có nhiều thứ để cho; Chẳng hạn như cho anh em niềm vui và sự bình an của Chúa… nói chung là chúng ta có thể trao tặng cho mọi người mình gặp gỡ những điều tốt đẹp nhất phát xuất từ Thiên Chúa.
Việc bác ái được thực hiện qua: lời nói, cử chỉ và hiện vật, nhưng như người ta thường nói: “Của cho không bằng cách cho”, cho đi cách ân cần và tôn trọng sẽ làm cho người nhận cảm kích và ghi nhớ suốt đời. Có nhiều người thích thể hiện mình; đi làm việc từ thiện, bác ái nhiều, song (trong gia đình thì) lại thường xuyên gắt gỏng, thô lỗ với mọi người, thiết nghĩ việc làm bác ái của người ấy nên cần phải xem xét lại !.
Với tín điều Hội Thánh cùng thông công thì trong việc thực thi bác ái chúng ta không thể không làm cho các linh hồn đang đau đớn thanh luyện trong chốn luyện hình. Vì vậy, chúng ta có thể giúp đỡ các ngài bằng những lời kinh nguyện, bằng việc nhường những ơn xá và nhất là bằng việc xin lễ cầù nguyện cho các ngài, để được Chúa sớm đưa về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng
Tóm lại. Có thể nói việc thực thi bác ái sẽ trở thành như chiếc chìa khoá để mở cửa Nước Trời cho chúng ta sau này. Vì chính Đức Giê-su đã nói: “Hỡi những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các người đã cho ăn, Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù các ngươi đến hỏi han” (Mt 25, 34-36).
Tác giả: Đa Minh. Trần Văn Chính
261 08-04-2024