Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Sống với hụt hẫng và căng thẳng

 

 
Trong số các câu cách ngôn ghê gớm  của William Blake trong quyển Những câu cách ngôn từ địa ngục, Proverbs from Hell, chúng ta thấy có câu này: Thà giết sớm một đứa trẻ từ trong nôi còn hơn để nó nuôi dưỡng những khát khao không thực hiện được.
Có nhiều tầng nghĩa vi tế trong câu này, nhưng nhìn bề ngoài, nó là một phát biểu hùng hồn, đặc biệt đối với thế hệ chúng ta. Ngày nay đa số chúng ta sinh ra đã không sẵn sàng và không có khả năng chịu căng thẳng lâu dài trong cuộc sống, không thể sống với hụt hẫng, không chấp nhận bất toàn, không chịu được cảnh bất tương thuận với các trạng huống phải gặp trên đường đời, không chịu được tâm trạng bức rức khó chịu với chính mình, không được thoả mãn tuyệt đích trong những khao khát tình dục. Dĩ nhiên, rốt cuộc, chúng ta không có được lựa chọn nào. Chúng ta không vượt cao hơn được bản chất con người và đơn giản là phải chấp nhận và sống với những nỗi căng thẳng của bất toàn, chúng ta đấu tranh chật vật để làm như vậy mà không cảm thấy bồn chồn cay đắng, không cảm thấy bất an thường xuyên gần như là bệnh, và không làm mọi sinh hoạt để bù đắp nó.
Về mặt cảm xúc và luân lý, đó là chuyện đội đá vá trời của chúng ta. Thế hệ chúng ta có một số phẩm chất tuyệt vời về tình cảm và đạo đức, nhưng lòng kiên nhẫn, tiết dục, hài lòng với giới hạn của hoàn cảnh, khả năng sống một cách thanh cao trong căng thẳng không phải là thế mạnh của chúng ta. Chúng ta thấy những biểu hiện này ở mọi lãnh vực, nhất là trong cuộc đấu tranh để trung thành với những cam kết trong các mối quan hệ của mình.
Chúng ta đã làm cho cam kết suốt đời trong hôn nhân trở nên rất khó thực hiện bởi vì chúng ta thấy khó mà chấp nhận được rằng bất kỳ cuộc hôn nhân nào, dù tốt đẹp đến đâu, đều không thể xóa đi nỗi cô đơn của chúng ta. Chúng ta đã tước đi sự thiêng liêng của tình dục và cắt phăng nó khỏi mối liên hệ với hôn nhân vì chúng ta không thể chấp nhận rằng tình dục chỉ được giới hạn trong vòng hôn nhân.  Về căn bản, chúng ta đã khiến cho việc sống độc thân để phụng sự là không thể được trong cuộc hiện sinh này bởi vì chúng ta không trông mong ai có thể chịu đựng được lâu dài những căng thẳng do đòi hỏi tình dục. Và, đau đớn nhất, chúng ta đã để cho nỗi bất an sâu sắc này bám rễ sâu trong lòng mình, bởi vì, khi không thể chấp nhận được tính chất bất toàn của cuộc sống, chúng ta tự hành mình với suy nghĩ mình đang đánh mất cuộc sống, rằng mình không nên bị buộc sống với bất toàn quá lớn như vậy, và rằng bản giao hưởng viên mãn của cuộc đời mà mình khao khát sâu đậm đáng ra đã phải là của mình rồi.
Và lỗi không hoàn toàn ở chúng ta. Phần lớn là do những người có bổn phận giúp chúng ta chuẩn bị bước vào đời đã không trang bị cho chúng ta những công cụ tình cảm và tâm lý để chấp nhận một cách tự nhiên và thanh cao những hụt hẫng cố hữu của cuộc sống và tính chất khổ hạnh ép buộc đi kèm với nó. Đơn giản hơn, quá nhiều người trong chúng ta không được dạy rằng cuộc sống là không dễ dàng, rằng chúng ta phải trải qua một phần đời ngồi chờ đợi trong hụt hẫng kiểu này hay kiểu khác, và rằng đó là trạng thái bình thường tự nhiên của sự việc. Đa số chúng ta bị gieo cho một loạt những mong chờ sai lầm. Chúng ta bị gieo ấn tượng đáng ra chúng ta có thể có tất cả, niềm vui chắc chắn không tì vết và tình cảm chân tình trọn vẹn không hề hụt hẫng hay có khoảng cách.
Tệ hơn, nhiều người trong chúng ta không được phép làm cái điều đơn giản và cơ bản là sống trong hụt hẫng, nghĩa là, thấy bình thường về bản thân và cuộc sống ngay cả khi phần lớn thời gian mình sống trong hụt hẫng. Chúng ta không được phép thừa nhận rằng hụt hẫng là chuyện tự nhiên, là trạng thái bình thường của sự việc, và việc chấp nhận bản thân chúng ta, cuộc sống chúng ta như chính thực tế vậy là điều bình thường, rồi tìm niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống, bất chấp các hụt hẫng. 
Tôi vẫn thuộc về cái thế hệ mà những bậc cao niên đạo đức và mộ đạo cho phép chúng tôi được làm như vậy. Tôi được ba mẹ tôi cho phép như vậy, những người thấm đẫm ý niệm về tội tổ tông, nhìn nhận bản thân mình là “than vãn và khóc lóc trong một biển đầy nước mắt”. Cái nhìn khá khắc kỷ này – cho rằng ở cõi sống hữu hạn này, mọi niềm vui đều gợn bóng mờ – không hề khiến họ trở nên yếu đuối. Trái lại, nó cho phép họ chấp nhận giới hạn của cuộc sống, các hoàn cảnh của cuộc đời họ, và, ngược đời thay, họ lại tìm thấy niềm vui trong cái bất toàn, chính bởi vì họ không trông mong điều hoàn hảo. Họ hiểu rằng cũng là bình thường nếu hụt hẫng, nếu không có mọi thứ mình muốn, phải sống trong bất toàn, và chấp nhận cuộc đời này chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm qua cơn đói hơn là cơn bội thực.
Phần lớn chúng ta sẽ phải rút ra được bài học đó một cách khó khăn chật vật, qua những trải nghiệm cay đắng, qua nước mắt, và qua rất nhiều bất an mà có thể chúng ta cũng tránh được nếu trước đó chúng ta biết rằng cơn đói, không phải là bội thực, mới là điều bình thường. Như câu nói nổi tiếng của Karl Rahner: Trong nỗi dày vò vì thiếu thốn mọi thứ có thể đạt được, cuối cùng chúng ta hiểu ra rằng trong cõi đời này, mọi bản giao hưởng phải luôn luôn dang dở.
Trí tuệ và sự trưởng thành sẽ luôn luôn tìm ra chúng ta, và cuối cùng cuộc đời sẽ lần lượt biến từng người trong chúng ta thành kẻ khổ hạnh. Chúng ta có thể bực tức đấm đá một hồi, giống như đứa trẻ giãy giụa muốn vượt thoát vòng tay ngăn giữ của người mẹ, nhưng cuối cùng chúng ta mệt lử, thôi kêu gào, và chấp nhận những giới hạn, mặc dù không phải lúc nào cũng chấp nhận được một cách nhẹ nhàng thanh thản. Nhưng vẫn có thể nhẹ nhàng thanh thản, nếu chúng ta chấp nhận rằng hụt hẫng là chuyện bình thường.
Và như vậy tôi sẽ sửa câu cách ngôn của Blake như thế này: Thà giết một đứa trẻ từ trong nôi, nếu không, bạn phải cho đứa bé đó những mong chờ thực tế để nó biết ứng xử trước những ao ước không thành và hụt hẫng.
J.B. Thái Hòa dịch 
848    08-11-2017