Sidebar

Thứ Bảy
05.10.2024

SPIRITUS, những từ giúp học cách cầu nguyện

womanpraying
 goffkein.pro | Shutterstock


S (silence) là thinh lặng, P (presence) là hiện diện, I (invocation) là lời cầu xin… SPIRITUS là một hướng dẫn tốt để cầu nguyện hiệu quả.

Cầu nguyện là nền tảng của đời sống Kitô hữu, nhưng cách cầu nguyện không phải là điều hiển nhiên. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói: “Cần phải học cách cầu nguyện. Ngay cả những người rất tiến bộ trong đời sống thiêng liêng cũng luôn cảm thấy cần phải học hỏi từ Chúa Giêsu, học cách cầu nguyện chân thực”.

Cầu nguyện không bao giờ là điều hiển nhiên. Nó đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực và đều đặn.

Trong năm 2024 dành riêng cho việc cầu nguyện để chuẩn bị cho Năm Thánh vào năm 2025, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các tín hữu tái khám phá “giá trị to lớn và nhu cầu tuyệt đối của việc cầu nguyện trong đời sống cá nhân, trong đời sống của Giáo Hội và trên thế giới.” Đặc biệt, ngài thúc giục các tín hữu “tăng cường cầu nguyện.”

Để giúp học hỏi và ghi nhớ một số bước chính của việc cầu nguyện, chúng ta có thể sử dụng từ viết tắt từ chữ đầu (acronym) là SPIRITUS. Đây là một hướng dẫn tuyệt vời để việc cầu nguyện được sâu sắc và phong phú. Trong tiếng Latin, “spiritus” có nghĩa là “hơi thở” hoặc “linh hồn,” và thường được dùng để chỉ về Chúa Thánh Thần.

S (Silence) là Thinh lặng

Giữ thinh lặng là bước đầu tiên để hướng đến cầu nguyện. Việc cầu nguyện bắt nguồn từ sự thinh lặng, vì chúng ta cần sự thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa giữa muôn vàn tiếng ồn ào hàng ngày: lo lắng, cám dỗ, nghi ngờ,…

P (Presence) là Hiện diện

Bước tiếp theo là đặt mình vào sự hiện diện của Chúa, để nhận thức được sự hiện diện của Người với chúng ta. Chúa ở đó, Người luôn ở đó, và mỗi người chúng ta phải mở cánh cửa tâm hồn mình cho Người.

I (Invocation) là Cầu xin

Trước hết và trên hết, cầu nguyện là ơn Chúa ban. Bạn nên bắt đầu buổi cầu nguyện của mình bằng cách cầu xin Chúa Thánh Thần giúp đón nhận ơn ban cầu nguyện. Đây cũng là cách để được đong đầy ơn linh hứng (inspiration, theo nghĩa đen là “hít vào”) của Chúa Thánh Thần khi bạn cầu nguyện.

R (Reviewing) là Nhìn lại

Việc cẩn thận nhìn lại một ngày hoặc một tuần sống của bạn trong khi cầu nguyện sẽ mang đến một cơ hội rất cụ thể để tạ ơn Chúa về những ân sủng mà Người đã ban và cầu xin sự tha thứ cho những khoảnh khắc yếu đuối của bạn. Đây cũng là một cách để nhận ra những dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Người trong cuộc đời của bạn. Điều này được gọi là xét mình.

I (Intentions) là Ý hướng

Thật là một ý tưởng tuyệt vời khi mở rộng việc cầu nguyện của bạn với những ý hướng liên quan đến những người thân yêu, thế giới, Giáo Hội, Đức Giáo hoàng,... Chúng ta hoàn toàn có thể phó dâng cho Chúa những người còn sống, hoặc cũng có thể là người đã qua đời, để họ có thể được đón nhận vào sự hiện diện của Người.

T (Texts) là Bản văn [Lời Chúa]

Lời Chúa là yếu tố thiết yếu của việc cầu nguyện. Lời Chúa nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện. Bạn nên hỗ trợ cho việc cầu nguyện của mình bằng một bản văn Lời Chúa trong ngày hoặc một đoạn Kinh Thánh. Bằng cách đọc chậm rãi, nghiền ngẫm và ghi nhớ một cụm từ trong bản văn đó, chúng ta có thể biến Lời của Đức Kitô thành của riêng mình và để cho Lời đó hoạt động nơi chúng ta.

U (Union) là Sự kết hợp với Chúa

Cầu nguyện là thời gian chuyện trò từ con tim đến con tim với Chúa. Một khoảnh khắc yên bình, chú tâm đến sự hiện diện của Chúa nơi chúng ta và Lời của Người. Mộtkhoảng thời gian của sự phó thác và yêu thương: tất cả là để yêu thương và để bản thân được yêu thương.

S (Sign of the Cross) là Dấu Thánh Giá

Thời điểm cuối buổi cầu nguyện là lúc để tạ ơn Chúa vì khoảng thời gian cầu nguyện vừa qua và cầu xin Người chúc lành. Tốt nhất là kết thúc buổi cầu nguyện của bạn bằng Dấu Thánh Giá, một dấu hiệu đặc trưng của Kitô giáo về tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại.

Tác giả: Mathilde De Robien - Nguồn: Aleteia (19/8/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

113    19-08-2024