Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Lương thực Thế giới 2021

ac24676
Nhân ngày Lương Thực Thế Giới năm nay, 16/10/2021, với chủ đề “Hành động của chúng ta là tương lai chúng ta. Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp tới ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO). Sau đây là nội dung Sứ điệp:


SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY

LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI 2021


Thưa ngài Qu Dongyu,

Ngày Lương thực Thế giới hàng năm dẫn chúng ta tới sự đối diện với một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại: đánh bại nạn đói một lần cho tất cả là một mục tiêu đầy tham vọng. Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hiệp quốc, được tổ chức tại New York vào ngày 23/ 9 vừa qua, đã nêu bật tính cấp thiết của việc áp dụng các giải pháp sáng tạo có thể chuyển đổi cách chúng ta sản xuất và tiêu thụ thực phẩm vì sự an toàn của con người và hành tinh. Đây là điều cấp thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch, để chống lại lương thực không an toàn và hướng tới việc đạt được tất cả các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030.

Chủ đề do Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc đề xuất cho năm nay: “Hành động của chúng ta là tương lai chúng ta. Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn”, nhấn mạnh sự cần thiết của các hành động phối hợp để đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận với các chế độ ăn uống đảm bảo tối đa tính bền vững về môi trường, và vừa đủ chất vừa hợp túi tiền. Mỗi chúng ta đều có vai trò trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực vì lợi ích của con người và hành tinh, và “tất cả chúng ta đều có thể hợp tác [...] để chăm sóc tạo vật, mỗi người theo văn hóa, kinh nghiệm, sáng kiến ​​và khả năng riêng của mình” (Thông điệp Laudato Si', 14).

Chúng ta hiện đang chứng kiến ​​một nghịch lý thực sự về khả năng tiếp cận thực phẩm: một mặt, hơn 3 tỷ người không được tiếp cận với chế độ thức ăn giàu dinh dưỡng, mặt khác, gần 2 tỷ người thừa cân hoặc béo phì do chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động. Nếu chúng ta không muốn gây nguy hiểm cho sức khoẻ của hành tinh và toàn bộ dân số của chúng ta, chúng ta cần tích cực tham gia vào sự thay đổi ở mọi cấp độ và tổ chức toàn bộ hệ thống lương thực.

Tôi muốn đưa ra 4 lĩnh vực cần hành động khẩn cấp: trên đồng ruộng, ngoài biển khơi, nơi bàn ăn và trong việc lãng phí thực phẩm. Lối sống và cách tiêu dùng hàng ngày của chúng ta ảnh hưởng đến các động lực môi trường và toàn cầu, nhưng nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi, chúng ta phải khuyến khích các nhà sản xuất và người tiêu dùng đưa ra các lựa chọn có đạo đức và bền vững, đồng thời nâng cao nhận thức của các thế hệ trẻ về vai trò quan trọng của họ trong việc hiện thực hóa một thế giới không còn nạn đói. Mỗi chúng ta đều có thể góp phần mình vào sự nghiệp cao cả này, bắt đầu từ cuộc sống hàng ngày và bằng những hành vi đơn giản nhất. Hiểu biết về Ngôi nhà chung của chúng ta, bảo vệ nó và nhận thức được tầm quan trọng của nó là bước đầu tiên để trở thành những người quảnvà ủng hộ môi trường.

Đại dịch cho chúng ta cơ hội để thay đổi hướng đi và đầu tư vào hệ thống lương thực toàn cầu để có thể đối phó cách hợp lý và có trách nhiệm đối với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Về mặt này, sự đóng góp quý báu của các hộ sản xuất quy mô nhỏ là rất quan trọng, cần tạo điều kiện cho họ tiếp cận với sự đổi mới mà khi áp dụng vào lĩnh vực nông sản thực phẩm, có thể tăng cường khả năng chống lại biến đổi khí hậu, tăng sản lượng lương thực và hỗ trợ những người làm việc trong chuỗi giá trị thực phẩm.

Cuộc chiến chống lại nạn đói đòi hỏi chúng ta lướt thắng luận lý cảm của thị trường, vốn chỉ đơn thuần tập trung vào lợi nhuận kinh tế và giảm thiểu lương thực thành một mặt hàng khác, và gia tăng luận lý của tình liên đới.

Thưa ngài Tổng Giám đốc, Tòa thánh và Giáo hội Công giáo luôn sát cánh với Tổ chức Nông Lương, với các tổ chức và những người đang nỗ lực hết sức để đảm bảo không một người nào thấy các quyền cơ bản của mình bị suy yếu hoặc bị xem thường. Cầu mong những người gieo hạt giống hy vọng và hòa hợp có thể cảm nhận được sự nâng đỡ qua lời cầu nguyện của tôi, để những sáng kiến và dự án của họ ngày càng có hiệu quả và và thành công hơn. Với tâm tình này, nguyện xin phúc lành của Thiên Chúa Toàn năng xuống trên ngài và trên tất cả những ai, với lòng kiên trì và quảng đại, chiến đấu chống lại sự đói nghèo trên thế giới.


Từ Vatican, ngày 15 tháng 10 năm 2021

Giáo
Hoàng Phanxicô

 

Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP (Dòng Đa Minh Thánh Tâm)
Nguồn: press.vatican.va (15/10/2021)

282    20-10-2021