Sidebar

Thứ Sáu
11.10.2024

Sự hiện diện của các thiên thần trong Bí tích Thánh Thể

theangels
 By © Ralph Hammann – Wikimedia Commons


Các thiên thần hiện diện cách đặc biệt trong Hy
tế Thánh Thể. Thật ra, Thánh lễ là một sự tham dự mang tính bí tích vào phụng vụ trên trời, lòng sùng kính (cult)[1] được chính thức dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi bởi toàn thể đông đảo tạo vật thiêng liêng. Sự hiện diện của các thiên thần mở đường cho Bí tích Thánh Thể tiến vào thiên đàng. Các ngài vây quanh Bí tích này qua một mầu nhiệm thánh thiêng.

Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Các thiên thần vây quanh linh mục. Toàn bộ cung thánh và không gian trước bàn thờ tràn ngập các bậc thần thánh trên trời đến để tôn vinh Đấng hiện diện trên bàn thờ.” Và chỗ khác, thánh nhân viết: “Bây giờ hãy nghĩ xem bạn sẽ tham dự vào dàn hợp xướng nào. Mặc dù được khoác lên mình một thân xác, nhưng bạn vẫn được coi là xứng đáng để cùng với các bậc thần thánh trên trời hát lên những lời ca ngợi Đấng là Chúa của muôn loài.” “Hãy nhìn ngắm bàn tiệc cao sang. Các thiên thần đang phục vụ nơi đó. Chính Chúa đang hiện diện.”

Chỉ có một sự hoạt động duy nhất nơi con người linh mục, đó là hoạt động của Chúa Giêsu Kitô. Nhờ đó toàn thể tạo vật tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây cũng chính là hoạt động được các thiên thần trên trời và các thánh nhân dưới đất thực hiện. Sự tham dự này xuất hiện trong Tân Ước, trong đó phụng vụ của Giáo Hội được trình bày như một sự tham dự của các thiên thần. Vì vậy, trong thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta đọc thấy rằng: “Nhưng anh em đã đến Núi Sion, tới thành của Thiên Chúa hằng sống, Giêrusalem trên trời, với muôn ngàn thiên thần, và đến với Giáo Hội của con cái đầu lòng được ghi tên trên trời, và đến với Thiên Chúa, Đấng phán xét mọi người, và đến với linh hồn của những người công chính đã được nên hoàn thiện, và đến với Chúa Giêsu, Đấng Trung Gian của một giao ước mới, và đến với sự rảy xuống của thứ máu với lời kêu thấu mạnh thế hơn cả máu Abel.” (Dt 12,22)

Vì đến ngày tận thế, cảnh sự thờ phượng ngày Chúa Nhật của Kitô giáo sẽ được nhận thấy như sự nối dài nơi chính phụng vụ thiên đàng.

Phụng vụ thiên đàng

Các thiên thần được liên kết với các phần khác nhau của Hy tế. Theodore thành Mopsuestia cho thấy các ngài được biểu trưng bởi các thừa tác viên đang chuẩn bị lễ vật trên bàn thờ: “Nhờ các phó tế thi hành những gì được truyền dạy, con mắt tinh thần của chúng ta có thể nhìn thấy các thiên thần vô hình đang thi hành phận sự khi diện diện trong buổi phụng vụ khôn tả này.”

Hơn nữa, ông còn nói thêm, “Bạn phải nhận ra sự hiện diện của các thiên thần vô hình trong việc phục vụ mà các phó tế hiện đang đảm nhận, khi các ngài đem lễ vật đến để hiến tế... Và khi lễ vật được mang đến, chúng được các thiên thần đặt trên bàn thờ thánh để làm cho cuộc Khổ Nạn nên trọn hảo. Các phó tế trải khăn trên bàn thờ gợi lại tắm khăn liệm xưa; và những người, khi Mình Thánh đã được nâng lên, đứng hai bên và khuấy động bầu khíchung quanh, tượng trưng cho các thiên thần vẫn ở bên Chúa Kitô trong suốt thời gian Người chịu chết, để tôn vinh Người cho đến khi nhìn thấy sự Phục Sinh của Người.”

Thật dễ dàng nhận thấy sự biểu lộ nơi phụng vụ trần thế là một sự phản ánh hữu hình, một biểu tượng hữu hiệu về phụng vụ trên trời của các thiên thần. Sự thống nhất này nơi hai lòng sùng kính này được thể hiện qua chính phụng vụ trong phần Kinh Tiền Tụng, trong đó Giáo Hội mời gọi cộng đoàn hiệp nhất với các Bệ thần và Quản thần, các Cherubim và Seraphim, để hát lên bài ca ngợi của thiên thần, “Thánh, Thánh, Thánh” (Sanctus):

“Hãy nghĩ xem bạn đang ở gần ai và bạn sắp cầu khẩn Chúa cùng với ai - là các Cherubim. Hãy nghĩ đến dàn hợp xướng mà bạn sắp tham dự vào. Đừng ai còn có ý nghĩ nào thuộc về thế gian (sursum corda - Hãy nâng tâm hồn lên), nhưng hãy bỏ lại mọi thứ nơi trần thế và đem trọn con người mình vào thiên đàng. Hãy hiện diện ở đó bên cạnh ngai vinh quang, hãy bay lượn cùng với các Seraphim và cất lên bài ca chí thánh về Thiên Chúa vinh quang và uy nghi.”

Ở nơi khác, Thánh Gioan Kim Khẩu nhận xét rằng Kinh Vinh Danh (Gloria in Excelsis) còn là bài thánh ca của các thiên thần cấp thấp. Ngay cả những người dự tòng cũng được phép tham dự vào đó. Nhưng Sanctus là bài thánh ca của Seraphim; nó dẫn vào chính cung thánh của Thiên Chúa Ba Ngôi, và do đó “nó được dành riêng cho những người đã được được khai tâm, đã được rửa tội”.

Thánh, Thánh, Thánh

Theodore thành Mopsuestia cũng nhấn mạnh việc tham dự vào phụng vụ thiên thần trong Trisagion (Ba lần Thánh). Điểm này đặc biệt được truyền thống của Antiôkia yêu thích.

“Ở đây, vị linh mục nhắc đến việc tất cả các Seraphim cùng cất lên bài hát này để ca ngợi Thiên Chúa, đó cũng chính là bài hát mà ngôn sứ Isaia đã được nghe qua một mạc khải của Thiên Chúa và được truyền lại trong Kinh Thánh. Đây là lời ca ngợi mà tất cả chúng ta hợp nhau để cất cao giọng, để cùng hát lên những bài thánh ca giống như những tạo vật vô hình... Bằng cách này, chúng ta biểu lộ sự vĩ đại từ lòng thương xót mà Người đã ban cho chúng ta một cách nhưng không. Một nỗi sợ thành kính tràn ngập trong lương tâm của chúng ta, trước hoặc sau khi chúng ta kêu lên: ‘Thánh!’”

Bài thánh ca này của các Seraphim thể hiện một nỗi sợ thánh thiện. Nó diển tả sự kinh ngạc của ngay cả những tạo vật cao nhất trước sự hiện diện siêu việt của Thiên Chúa. Và điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự thánh thiện của Bí tích Thánh Thể, vốn dẫn đưa chúng ta, cùng với Seraphim, vào sự hiện diện của Thiên Chúa chí thánh, nhưng lại ẩn mình dưới những hình bánh và rượu mỏng manh.

Sự dâng tiến

Cuối cùng, sự hiện diện của các thiên thần trong Bí tích Thánh Thể thể hiện ngay trong hành động dâng tiến Hy lễ. Chính phụng vụ Rôma đã chứng minh điều này khi cầu xin Thiên Chúa “sai sứ thần dâng lễ vật này lên bàn thờ cao sang trước tôn nhan uy linh Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể I - Lễ quy Rôma). Sách Khải Huyền còn cho thấy các thiên thần, trong phụng vụ trên trời, dâng lên “những lời cầu nguyện của các thánh” dưới hình thức “chén vàng đầy hương thơm” (x. Kh 5,8). Vai trò chuyển cầu này xuất hiện trong mọi lời cầu nguyện, mọi hành vi thờ phượng trung tâm, mọi hoạt động nơi linh mục của Chúa Kitô.

Vì thế, Thánh Gioan Kim Khẩu còn viết rằng,

“Không chỉ con người cất lên tiếng kêu đầy sự kính sợ thánh thiện này, mà cả các thiên thần cũng phủ phục trước Chúa, các tổng lãnh thiên thần cầu nguyện với Người. Giống như con người chặt những cành cọ và vẫy chúng trước mặt các vua chúa của mình để khiến họ nghĩ đến tình yêu và lòng nhân từ, thì vào lúc này đây, các thiên thần cũng trao dâng chính mình như những cành cọ cho Mình Thánh Chúa để cầu nguyện với Người cho tất cả nhân loại.”

Truyền Tin và Phục Sinh

Sự tham dự này của các thiên thần kéo dài đến toàn bộ đời sống phụng vụ và đặc biệt là việc cử hành các ngày lễ Kitô giáo. Các mầu nhiệm của Chúa Kitô được các bậc thần thánh trên trời cử hành đồng thời cùng với Giáo Hội dưới trần. Do đó, Thánh Grêgôriô Nazianzênô đã viết về lễ Hiển Linh rằng: “Cùng với các mục đồng tôn vinh Thiên Chúa; hát lên lời ca ngợi Người với các thiên thần; tham dự vào dàn hợp xướng của các tổng lãnh thiên thần. Hãy để cuộc lễ này kết hợp sức mạnh của những vị trên trời và những người dưới đất. Vì tôi chắc chắn rằng hôm nay họ cũng vui mừng và cử hành lễ này cùng với chúng ta, vì họ là bạn hữu của Thiên Chúa và con người, giống như những người mà Đavít cho chúng ta thấy đã cùng chỗi dậy với Chúa Kitô sau cuộc khổ nạn, đã đi trước Người và thi nhau để nâng cao cửa đền.”

Câu cuối cùng ám chỉ đến Thánh vịnh 24, trong đó truyền thống cho thấy các bậc thần thánh cùng lên trời với Chúa Kitô trong cuộc thăng thiên khi ra lệnh cho những vị canh giữ cổng thiên đàng hãy nâng dầm cửa để Vua vinh quang bước vào. Cũng như đã tham dự vào các mầu nhiệm của Người vào thời điểm hoàn thành lịch sử, các thiên thần tiếp tục được liên kết với Người qua cuộc tưởng niệm phụng vụ của các ngài.

Nhưng chính Gioan Kim Khẩu là người đã khai triển ý tưởng này ở mức độ cao nhất. Ngài giải thích rằng, để thêm phần huy hoàng cho cuộc thăng thiên, ngài đã mời gọi các tín hữu cử hành lễ này tại đền thờ Martyrium (vị tử đạo) ở Rôma:

“Các thiên thần đang hiện diện nơi đây. Hôm nay các thiên thần và các vị tử đạo gặp nhau. Nếu bạn muốn nhìn thấy các thiên thần và các vị tử đạo, hãy mở con mắt đức tin ra và nhìn vào cảnh tượng này. Vì nếu bầu khí tràn ngập các thiên thần thì Giáo Hội còn hơn thế biết bao! Và nếu Giáo Hội tràn đầy các thiên thần thì điều đó hôm nay càng đúng biết bao khi Chúa của các ngài đã thăng thiên! Toàn bộ bầu khí xung quanh chúng ta tràn ngập các thiên thần. Hãy nghe tông đồ [Phaolô] dạy điều này khi ngài bảo các phụ nữ hãy dùng khăn che đầu vì sự hiện diện của các thiên thần.”

Và một lần nữa, về Lễ Phục Sinh, ngài viết: “Không chỉ đất mà cả trời cũng dự phần vào ngày lễ hôm nay... Các thiên thần hân hoan, các tổng lãnh thiên thần vui mừng, các Cherubim và Seraphim cùng tham dự với chúng ta trong cử hành lễ hôm nay... Còn có nơi nào để dành cho nỗi buồn?”

 

Tác giả: Đức Hồng Y Jean Daniélou[2] - Nguồn: Catholic Exchange (18/11/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

--------------------------------

[1] Ghi chú của biên tập viên: thuật ngữ “lòng sùng kính” (cult) ở đây được sử dụng theo nghĩa cũ hơn, như một hệ thống thờ cúng và sùng kính đối với một đối tượng cụ thể.

[2] Đức Hồng Y Jean Daniélou là một nhà thần học, sử gia và tác giả người Pháp. Được thụ phong linh mục thuộc Dòng Tên vào năm 1938, Cha Daniélou tiếp tục nổi tiếng là một học giả, đặc biệt trong lĩnh vực Giáo Phụ. Ngoài việc nghiên cứu và viết lách mang tính học thuật, Cha Daniélou còn viết nhiều cuốn sách, làm cho những ý tưởng thần học của mình - về cầu nguyện, thờ phượng, Giáo Hội sơ khai, sự tự mặc khải đầy yêu thương của Thiên Chúa qua lịch sử nhân loại - có thể tiếp cận được với độc giả là giáo dân. Bài viết này dựa trên một chương trong cuốn Các thiên thần và sứ mệnh của các ngài, được ấn hành bởi Sophia Institute Press.

610    05-02-2024