Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Sự khiêm nhường giúp ta nhận ra ơn Chúa

kn1
Nguồn ảnh: Shutterstock


Khiêm nhường được đặt nền tảng trên sự thật, nhưng cái sự thật mà khiêm nhường đặt nền tảng trên đó thì chỉ có một. Do đó, khiêm nhường đích thựccó sơ sở phải được đặt nền tảng trên hay phải xuất phát từ sự thật trọn vẹn. Và sự thật trọn vẹn về bất cứ người nào chính là việc Thiên Chúa đã ban cho người đó những ơn huệ, khả năng và tài năng không thể phủ nhận, cả về tự nhiên lẫn ân sủng (of nature and of grace).

Như vậy, khiêm nhường không có nghĩa là tự hạ thấp bản thân. Khiêm nhường cũng không có nghĩa là chúng ta phải từ chối những khả năng thuộc về tự nhiên hay ân sủng mà Thiên Chúa Toàn Năng đã ban cho chúng ta. Nếu Thiên Chúa đã ban cho ai đó có một giọng hát tuyệt vời, thì chẳng phải là khiêm nhường khi cô ấy cứ giả vờ rằng mình hát như một con ếch hay bằng mọi cách từ chối món quà mà Thiên Chúa đã ban cho cô ấy. Khiêm nhường được đặt nền tảng trên sự thật, và sự thật là Thiên Chúa đã ban cho cô ấy một giọng hát thực sự tuyệt vời. Vì vậy, cô ta không nên phủ nhận điều đó mà hãy quy về cho Thiên Chúa, đó là sự khiêm nhường tích cực.

Chính Thiên Chúa của chúng ta - là Đấng vô cùng hoàn thiện - đã nói với những kẻ theo Người: Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29) Nhưng Người cũng nói với những kẻ nghịch cùng mình rằng: "Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?" (Ga 8,46) Qua đó Người đã tuyên bố sự vô tội độc nhất của mình.

Đức Mẹ của chúng ta đã không phủ nhận những đặc ân tuyệt vời mà Thiên Chúa Toàn Năng đã ban cho Mẹ. Mẹ đã hát lên rằng, Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. (Lc 1,49) Đây có phải là Đức Trinh Nữ khiêm nhường nhất hay không? Hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.” (Lc 1,48) Không còn nghi ngờ gì nữa về tương lai, lời chúc phúc đời đời chính là một món quà mà Thiên Chúa Toàn Năng đã ban cho Mẹ, "Người đã đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn.” (Lc 1,48) Nhưng hãy lưu ý những gì Mẹ nói: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.” (Lc 1,49) Mẹ chẳng đòi hỏi lời tán dương dành cho sự cao quý của mình; thay vào đó, Mẹ đặt lời ngợi khen về những ân huệ của mình ở nơi chúng thuộc về - cụ thể là nơi Thiên Chúa.

Thánh Phaolô tự gọi mình là “người hèn mọn nhất trong số các tông đồ” (x. 1Cr 15,9). Đó là những gì chính ngài có được. Nhưng ngài cũng nói, "Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác." (1Cr 15,10) Trong thực tế, Thánh Phaolô đang nói rằng: “Tôi đã làm việc nhiều hơn Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên, người mà Đức Kitô đã đặt làm đầu Giáo Hội của Người; nhiều hơn cả Giacôbê và Gioan, những người đã lên núi với Người; nhiều hơn cả Philipphê và tất cả các tông đồ khác. Tôi, Phaolô, đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị đó." Những lời khoe khoang ư! Không! Không hề, vì ngài đã giải thích, “Nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.” (x. 1Cr 15,10) Ngài đã trao lời khen ngợi về lại nơi mà nó xứng đáng.

Tương tự như vậy, Thánh Tôma Aquinô cũng thừa nhận là ngài có được ơn huệ về việc hoàn toàn hiểu và luôn luôn ghi nhớ tất cả những gì ngài đọc được, nhưng ngài không quy ân huệ này về cho mình; ngài quy nó về cho Thiên Chúa, nơi nó thuộc về.

Sự khác biệt giữa Đức Mẹ, Thánh Phaolô, Thánh Tôma cùng tất cả những người khiêm nhường, và chính chúng ta là các ngài đã quy các ơn huệ và đặc ân của mình về cho cội nguồn đích thực, đó là Thiên Chúa Toàn Năng, Cha của chúng ta.

Mặt khác, chúng ta thường quy các ơn huệ và tài năng về cho bản thân một cách ấu trĩ. “Có thấy những tấm huy chương của tôi không? Tôi mà lại không xuất chúng sao?” Làm sao chúng ta có thể trở nên dại khờ dạy như thế được?

Chúng ta giống như một người đàn ông lái một chiếc xe tải tốc hành bọc thép, vận chuyển vàng và chứng khoán từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Chẳng lẽ anh ta lại dại khờ đến mức lái xe đến nhà bạn gái và giả vờ rằng tất cả số vàng trong xe tải là của riêng anh ta? Đúng hơn, chúng là của vị chủ tịch ngân hàng, chứ chẳng phải là của anh ta. Vậy thì, chẳng lẽ anh ta lại ngu ngốc đến mức giả vờ rằng, vì anh ta lái một chiếc xe tải chở đầy vàng, nên anh ta tốt hơn người đàn ông lái xe chở rác cho thành phố? Rất có thể vào cuối tuần người lái xe tải chở rác sẽ nhận được một khoản tiền lương lớn hơn nhiều so với người lái xe tải ngân hàng, mặc dù trong suốt cả tuần người đó đã mang theo bên mình một kiện hàng ít được thèm muốn hơn.

Trên thiêng đàng cũng vậy. Những người có ít ân huệ, thấp kém về tài năng, ngoại hình, khả năng, hay thành tích có thể nhận được phần thưởng lớn hơn nhiều, bởi vì họ đã khiêm nhường làm công việc của mình cho Thiên Chúa với những gì họ có, so với những người có đủ mọi tài năng, ngoại hình, và khả năng, nhưng lại quy về cho mình những ân huệ đó theo một cách thật ngu ngốc, để rồi tìm kiếm và đắm chìm trong vinh quang của chính mình.

Vì vậy, khiêm nhường hoàn toàn không có nghĩa là từ chối những ơn huệ, khả năng, tài năng và thuộc tính mà Thiên Chúa Toàn Năng đã ban cho chúng ta; nhưng khiêm nhường có nghĩa là chúng ta không quy những điều đó về cho chính chúng ta, nhưng là về cho Thiên Chúa. Việc này đòi hỏi chúng ta phải sử dụng chúng, không phải để phô trương cho riêng mình, không phải để nhận được lời khen ngợi của người khác, nhưng là để sinh ích lợi cho bản thân và người khác, và qua đó, đem vinh quang về cho Thiên Chúa. Nếu chúng ta khiêm nhường, thì chúng ta sẽ sử dụng những món quà thuộc về tự nhiên và ân sủng của mình để làm điều tốt đẹp; chúng ta sẽ sử dụng chúng để rao truyền nước Thiên Chúa và vinh quang của Người. Chúng ta làm theo lời khuyên của Thiên Chúa chúng ta: "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời." (Mt 5,16) Người dạy bảo chúng ta rằng, hãy để ánh sáng của chúng ta chiếu giãi trước mặt thiên hạ. Điều đó có nghĩa là, đừng thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng (x. Mt 5,15); đừng che giấu tài năng và khả năng mà bạn có. Hãy sử dụng chúng, nhưng hãy sử dụng chúng cho vinh quang Thiên Chúa.

Nếu kết quả của việc này làm người khác khen ngợi chúng ta, thì chúng ta hãy quy lời ngợi khen về cho Thiên Chúa thay vì tự hào về nó. Để đáp lại một lời khen ngợi, chúng ta có thể nói, "Ôi, Chúa thật tốt lành biết bao." Hoặc, nếu chúng ta bị cám dỗ để cảm thấy tự hào về bất cứ điều gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta hay đã làm qua chúng ta, thì chúng ta nên cố gắng gia tăng thói quen cầu nguyện cách âm thầm rằng, “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ,” (Tv 115,1) như tác giả thánh vịnh đã nói.

Việc quy những gì chúng ta có về cho Thiên Chúa, nơi những lời ca tụng thuộc về; việc nói lên rằng, "Chúa thật tốt lành biết bao," khi chúng ta được khen ngợi; việc sử dụng tài năng và khả năng của chúng ta không phải vì vinh quang của riêng mình mà vì vinh quang của Thiên Chúa: đó mới là thực hành tích cực của đức khiêm nhường.


Ghi chú từ người biên tập: Bài viết này là một trích đoạn từ cuốn 'The Handbook of Spiritual Perfection' của Cha Dion, từ Sophia Institute Press.


Tác giả: Lm. Philip Dion - Nguồn: Catholic Exchange (16/9/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

337    18-09-2021