Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Sứ mạng: chìa khóa để hiểu đời sống thánh hiến hôm nay - tt & hết

Tính chất “đoàn sủng”: Đoàn sủng cho thế giới và Hội Thánh

Mỗi cộng đoàn tu sĩ tham gia một cách rất độc đáo vào sứ mạng của Hội Thánh cho thế giới. Chúa Thánh Thần hành động một cách lạ lùng qua một Tu Hội và các cộng đoàn của Tu Hội.

Một điều rất quan trọng là các Hội dòng đời sống thánh hiến nên hãm bớt sự hăng say trong việc lập kế hoạch cho sứ mạng “riêng” của Tu Hội mình, nhưng hãy hăng say hơn trong việc khám phá xem Thần Khí đang dẫn đưa họ đi đâu để làm những khí cụ đích thực của Thần Khí cho sứ mạng. Khi một tu hội ý thức mình được đặt và đưa vào trong sứ mạng của Thần Khí, thì tu hội ấy hiểu được rằng:

• Sứ mạng đoàn sủng của một tu hội không cần phải đáp ứng cái nhìn riêng của một bề trên nào đó, nhưng cần đáp ứng sự phân định nghiêm túc của cộng đoàn về việc Thần Khí muốn gì. Sứ mạng được phân định khi chúng ta suy tư sâu về thế giới mình đang sống, về thực tại và bằng cách lắng nghe những tiếng kêu của Thần Khí. Có thể xảy ra trường hợp một Tu Hội đang thực thi một sứ mạng không tương ứng với tiếng kêu của Thánh Thần. Có thể là tu hội ấy đang đáp lại một số nhu cầu của xã hội và của thời đại mình đang sống, nhưng không thực sự thi hành sứ mạng đoàn sủng mà Thần Khí Chúa đang dẫn đến. Cần nhiều sự từ bỏ mình và khả năng nhận ra những quan tâm của Thiên Chúa. Chỉ khi biết lắng nghe Tin Mừng và để cho Lời Tin Mừng soi sáng thực tại, chúng ta mới có thể đạt được sự phân định đúng.

• Sứ mạng đoàn sủng không thể gạt bỏ các tính chất khải huyền của nó. Trong suốt chiều dài lịch sử của nó, đời sống thánh hiến luôn luôn bén nhạy với các nhu cầu lớn của loài người, đặc biệt những người nghèo, những người cô thế cô thân, những người vô tội, những nạn nhân của bạo lực. Nhiều con cái của Thiên Chúa đang hoàn toàn không được bảo vệ. Đời thánh hiến phải được Thần Khí hướng dẫn để là Người Samaria Nhân Hậu đến cứu giúp tất cả những ai đang cần được cứu giúp. Trong những hoàn cảnh có sự đàn áp và lạm dụng các quyền con người, đời sống thánh hiến khám phá ra bản chất khải huyền của mình. Trong hoàn cảnh này, đời thánh hiến được kêu gọi đem đến niềm an ủi và hi vọng, công bố ngày tàn của những kẻ áp bức và ngày xét xử họ đã đến gần, cùng với sự cứu thoát trọn vẹn cho mọi con cái Thiên Chúa đang bị áp bức. Kinh nguyện truyền giáo của đời sống thánh hiến cũng phải mang đậm tính khải huyền này: ước muốn nồng cháy về sự đến của Chúa và của Triều Đại Thiên Chúa phải được diễn tả trong kinh nguyện này.

• Là điều bình thường khi đời sống thánh hiến khám phá ra một mối liên kết đặc biệt với tất cả các nhóm người dấn thân cho sứ mạng giải phóng và cứu rỗi, và mối liên kết này với những nhóm dấn thân cho “missio creationis” [sứ mạng tạo dựng] sẽ không mạnh bằng.

• Nét đặc trưng quan trọng nhất của vai trò đời sống thánh hiến trong sứ mạng là thi hành chức năng làm dấu chỉ và dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Đời sống tu trì không phải là một đoàn sủng của Thánh Thần để giải quyết các vấn đề của các Giáo Hội hay các xã hội tại địa phương; đúng hơn, ơn gọi đời tu là sự tỏ lộ hình ảnh lý tưởng của Triều Đại Thiên Chúa và làm chứng rằng Triều Đại Thiên Chúa không phải là kết quả của các cố gắng nhân loại của chúng ta, nhưng là một hồng ân.

Khi sứ mạng được đặt ở tâm điểm của đời sống thánh hiến, mọi sự trở nên tốt đẹp

Khi sứ mạng được đặt ở tâm điểm của đời sống thánh hiến, nó ảnh hưởng sâu xa đến linh đạo, đời sống cộng đoàn và cả các cơ cấu.

• Linh đạo: ý thức về sứ mạng làm phát sinh linh đạo. Ai cảm thấy được kêu gọi tham gia vào “missio Dei” thì ý thức rằng đây là hồng ân cao cả nhất mà con người có thể nhận được: là con cái Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đến thế giới để công bố và lưu truyền tình yêu của Người, lòng thương xót của Người, sức mạnh của Người. “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì,” Đức Giêsu nói. Sự hiệp thông với Đức Giêsu, Thừa Sai của Abba, là điều thiết yếu cho người truyền giáo. Một sự hiệp thông khiến người ta có thể nhận ra Đức Giêsu nơi người truyền giáo. Mặt khác, sứ mạng là sự sống trong Thần Khí và là tham dự vào sứ mạng của Thần Khí. Người truyền giáo là người được Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ. “Chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy.” Tất cả những gì xuất phát từ trải nghiệm sinh động này đều là linh đạo thuần tuý. Giống như các ngôn sứ, người truyền giáo cảm thấy nơi mình niềm say mê của Thiên Chúa đối với dân của Người, lòng xót thương của Thiên Chúa đối với họ. Lời Thiên Chúa giống như ngọn lửa cháy bừng trong trái tim người truyền giáo. Đây là linh đạo đích thực! Đây là gốc rễ của mọi hoạt động và mọi sáng kiến của người truyền giáo! Từ tinh thần đến thân xác, từ lý trí tới trí thông minh và trí tưởng tượng, mọi sự nơi người truyền giáo trở thành một bí tích và một dụng cụ của hành động của Lời và Thần Khí của Thiên Chúa. Khi bà Êlisabét tiếp đón Đức Maria đến thăm, bà được đầy Thánh Thần và lớn tiếng kêu lên lời ca ngợi Đức Maria và tiết lộ điều đang xảy ra nơi bà. Bà trở thành một người phụ nữ loan báo Tin Mừng. Điều này cũng xảy ra tương tự cho mọi người truyền giáo khi họ lãnh nhận ơn gọi truyền giáo đến từ Thiên Chúa.

• Đời sống cộng đoàn: Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của sứ mạng là tạo lập sự hiệp thông: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, điều tay chúng tôi đã chạm vào về Lời sự sống, đó là điều chúng tôi loan báo cho anh em để anh em được hiệp thông với chúng tôi. Và chúng ta được hiệp thông với Cha và Con.” Có một mô hình cộng đoàn phát sinh từ sứ mạng, và cộng đoàn là truyền giáo do bẩm sinh. Một cộng đoàn truyền giáo là cộng đoàn có mục tiêu mở rộng sự hiệp thông, và là sự hiệp thông bắt nguồn từ Cha và Con. Rao giảng có mục tiêu chính là tạo dựng sự hiệp thông. Ở đâu không có niềm say mê hiệp thông truyền giáo với Thiên Chúa, làm sao một cộng đoàn có thể thực sự là nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị ? Vì lý do này, cộng đoàn được nuôi dưỡng bởi trải nghiệm Lời Sự Sống. Khi trải nghiệm này diễn ra, có một nhu cầu nóng bỏng phải truyền đạt và thông tri nó cho người khác. Khi có trải nghiệm này, sự hiệp thông được mở rộng. Không cộng đoàn nào là một mục đích tự thân; đúng hơn, cộng đoàn phải luôn luôn ở trong một tiến trình mở rộng thường xuyên.

• Các dấu chỉ thời đại và tiếng kêu của Thần Khí: Một người và một cộng đoàn cảm thấy mình quan tâm và say mê với sứ mạng thì trở thành những người lính gác khải huyền. Họ luôn luôn tỉnh táo và nhạy bén trước ý muốn của Thiên Chúa được tỏ lộ qua các sự kiện lịch sử. Họ có một sức mạnh lớn hơn sức mạnh của các cơ chế, các tập tục và các truyền thống. Người truyền giáo đích thực luôn luôn sẵn sàng thay đổi, đến phục vụ ở một nơi mới, nơi mà missio Dei trở thành cấp bách và cần có những người cộng tác. Để có thể làm điều này, chúng ta không được đứng ngoài các vấn đề của xã hội, nhưng phải dấn mình vào các vấn đề ấy. Cần mẫn và chăm chú nghiên cứu và phân định bất cứ điều gì xảy ra xung quanh chúng ta là sức mạnh có khả năng kéo chúng ta ra khỏi những thói quen hằng ngày, giúp chúng ta sẵn sàng phục vụ sứ mạng đang ngày càng trở nên thúc bách hơn (x. Evangelii Nuntiandi, số 14).

• Khi chúng ta đáp ứng các dấu chỉ của thời đại và tiếng kêu của Thần Khí, thì không có hoạt động nào là riêng tư hay cá nhân: Có những lúc mà để vâng lời Thần Khí, chúng ta cần bất tuân bất cứ điều gì đi ngược lại ơn gọi truyền giáo chân chính của chúng ta. Không còn được phép dung dưỡng trong đời sống tu trì tình trạng những người chỉ lo làm việc, làm việc mà không có tinh thần truyền giáo, làm việc mà không ý thức mình đang thi hành sứ mạng của Thiên Chúa. Lắm khi điều chúng ta nhận thức được chỉ là thái độ cam chịu và vâng phục đối với công việc được giao cho chúng ta, nhưng không thấy có khả năng sáng tạo nơi những người cảm thấy mình được Thiên Chúa sai đi làm điều gì đó cho sự mặc khải và thể hiện Triều Đại Thiên Chúa.

Khi sứ mạng được đặt vào tâm điểm của đời sống thánh hiến, thì việc cai quản hay phục vụ của quyền bính, việc đào luyện và thần học có cùng những chân trời rộng mở của sứ mạng Thiên Chúa: Đấng cai quản là Cha, Đấng đào tạo và uốn nắn người truyền giáo là Thánh Thần, và Đấng soi sáng cho đời sống truyền giáo này bằng Lời của Người là Chúa Con.

• Cai quản và quyền bính: Nét đặc trưng quan trọng nhất của một bề trên tu sĩ là được cuốn hút bởi niềm say mê truyền giáo của Thiên Chúa cho thế giới. Chúng ta không cần những nhà quản lý của các tổ chức hay các doanh nghiệp, nhưng cần những ngôn sứ đích thực cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa đối với dân của Người. Một việc phục vụ quyền bính của người tu sĩ mà thấm nhuần tinh thần truyền giáo này thì sẽ có khả năng làm bùng cháy niềm phấn khởi cho mọi thành viên của cộng đoàn. Thái độ lãnh đạo - phục vụ này sẽ là thái độ cảm thương và thông cảm đối với những người yếu, nhưng đồng thời cũng ý thức rằng phương thuốc hiệu quả nhất là chạm tới trái tim của các tu sĩ bằng một tinh thần truyền giáo nóng bỏng. Việc phục vụ của quyền bính trong cộng đoàn tu sĩ phải kiến tạo nên sự ý thức và hiểu biết rằng chúng ta là những đối tác của Đức Giêsu trong giấc mơ của Người cho tương lai của thế giới. Như Evangelii Nuntiandi nói, các nguồn lực và các tổ chức tu sĩ mà trong đó chúng ta không thấy có sự cảm hứng truyền giáo mạnh thì không có lý do để tồn tại (x. các số 14-15). Một việc phục vụ của quyền bính theo viễn tượng truyền giáo này thì không sợ hãi, nó dám mạo hiểm để nghiên cứu và tìm kiếm những đường lối truyền giáo mới mẻ. Khi sự phục vụ của quyền bính không được sinh động hoá bởi việc truyền giáo, sự phục vụ của nó trở thành phục vụ sự chết.

• Đào luyện: Thầy Gabriel Đức Mẹ Sầu Bi, một tập sinh và tu sĩ khấn tạm dòng Chúa Chịu Nạn, qua đời năm 24 tuổi. Thầy được phú bẩm nhiều tính tốt và năng khiếu: dễ thương, thông minh, nghệ sĩ. Nhưng trên hết, thầy có một tinh thần truyền giáo. Thầy là lãnh tụ giới trẻ tại một trường dòng Lasan, và tại học viện Atênêô của các cha Dòng Tên. Thầy vào tập viện năm 18 tuổi. Thầy thường nói về “niềm vui thích lớn thầy cảm thấy trong các bức tường tập viện”. Khi làm bất cứ hoạt động gì: học tập, cầu nguyện, thể dục, thầy luôn nghĩ rằng hàng trăm người xung quanh thầy đang nói: “Anh Gabriel, một ngày kia anh sẽ là thừa sai, người rao giảng Tin Mừng, linh mục của chúng tôi. Anh hãy chuẩn bị tốt, đắc thủ một linh đạo mạnh mẽ, một niềm say mê lớn đối với Đức Giêsu và Mẹ Maria. Anh hãy nghiêm túc trong việc đào luyện. Chúng tôi cần anh.” Bằng suy nghĩ như thế, thầy không bao giờ cảm thấy mình cô độc trong việc đào luyện, nhưng coi nó là một sự chuẩn bị tốt đẹp cho một sứ mạng tuyệt vời. Tôi đã đọc tiểu sử Thánh Gabriel khi tôi còn là một tập sinh và tôi bị ấn tượng bởi câu truyện của thầy. Tôi đã cố gắng bắt chước thầy. Tôi không hề biết rằng giữa những người yêu cầu tôi chuẩn bị mình cho thật tốt lại là tất cả các anh chị em đang có mặt ở đây hôm nay. Tôi tin rằng ví dụ này đã đủ để hiểu rằng không có gì diễn ra trong Nhà Đào Luyện mà không tuỳ thuộc vào sứ mạng. Tương lai phải biến đổi hiện tại và tạo nghị lực để lướt thắng mọi thách thức. Một người trong thời kỳ đào luyện ban đầu không phải là một người có vấn đề, có khiếm khuyết tâm lý, nhưng là một người truyền giáo ý thức rằng mình phải cố gắng sẵn sàng cho sứ mạng mà một ngày kia mình phải thực hiện và mình không cô độc. Họ luôn luôn cậy dựa vào Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, họ phải được đào luyện cho sứ mạng này, luôn luôn mở lòng ra cho sự hướng dẫn của Nhà Đào Luyện Nội Tâm siêu vời này.

• Thần học: Sau cùng, tôi muốn nói rằng thần học về đời sống thánh hiến và về mọi hình thức đời tu, chiêm niệm và tông đồ, phải bắt đầu từ sứ mạng như là nguồn gốc lý do hiện hữu của nó. Đây là dự án tôi đã đang làm trong nhiều năm nay. Tôi đã đang viết một thần học về đời tu, về các lời khấn, về cộng đoàn, từ viễn tượng sứ mạng này. Dự án này sẽ được trao vào tay anh em trong một thời gian ngắn nữa, với sự hợp tác của ICLA. Tôi hi vọng việc đào luyện trong tương lai cho các tu sĩ trẻ của chúng ta sẽ được hình thành theo con đường này. Và tôi thực sự tin rằng các thế hệ các nhà thần học trẻ nên tiếp tục khai triển thần học đời tu từ viễn tượng sứ mạng này.

Kết luận

Thần Khí là Đấng đã từng thúc đẩy các Ngôn Sứ, các Tông Đồ và các Thừa Sai vĩ đại, Người đã không bị dập tắt. Người tiếp tục hiện diện giữa chúng ta. Thần Khí này chỉ cần một điều là chúng ta dễ dạy, sẵn sàng để được Người lay động và tạo nghị lực cho chúng ta. Thần Khí đang mời gọi chúng ta cộng tác vào sứ mạng của Người.

Thần Khí thì âm thầm và khiêm tốn. Người luôn hành động một cách dịu dàng và tinh tế; tuy nhiên, Người tìm cách biểu lộ và hành động qua chúng ta, nhờ đoàn sủng Người ban cho chúng ta. Khi một tu hội, một cộng đoàn, một người suy phục Thần Khí và được Thần Khí chạm vào, mọi sự phát triển và nảy nở. Khuôn mặt Hội Thánh được Người làm cho tươi trẻ và sáng tạo, và thế giới cảm nhận được bước chân của Thiên Chúa đi qua.

Một người thừa sai chân chính thì không bao giờ tự mãn, nhưng ý thức mình chỉ là một trung gian, nối kết mọi khía cạnh của sứ mạng lại với nhau. Thay vì ra vẻ mình là người thừa sai duy nhất, người thừa sai giúp mọi người khác ý thức rằng họ cũng là những người thừa sai của Nước Chúa. Giống như ông Gioan Tẩy Giả, người thừa sai chân chính luôn luôn sẵn sàng trở nên nhỏ bé đi, để sứ mạng chung được lớn lên. Người thừa sai chân chính chăm lo để sứ mạng được xuất hiện trong tất cả các khía cạnh đẹp đẽ của nó: tạo dựng, cứu chuộc, Thần Khí, khải huyền.

Cám ơn anh em đã chú ý nghe. Và tôi cầu xin Chúa Thánh Thần, để cũng như Người đã thấm nhập Đức Maria, Thánh Giuse, Thánh Êlisabét, Chúa Giêsu và các Đấng Sáng Lập các Tu Hội chúng ta thế nào, thì cũng xin Người thấm nhập cuộc đời chúng ta và biến đổi cuộc đời chúng ta thành một biểu hiện sống động của Sứ Mạng.

Linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên chuyển ngữ từ sgfp.wordpress.com và tham khảo: Religious Life Asia, n. 1, vol. 6, 2004.

1020    13-02-2020