Sidebar

Thứ Bảy
05.10.2024

Sứ mạng truyền giáo

dauchantruyengiao
Như chúng ta đã biết: Người lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy được gọi là người Kitô hữu (người có Chúa Kitô) và dự phần vào ba chức vụ là: Vương đế, Tư tế và Ngôn sứ của Đức Giêsu.

Vương Đế là: Chúa Kitô làm vua: Người Kitô hữu thi hành chức vụ này khi thánh hoá thế gian; nghĩa là đem tài năng, sở trường, chuyên môn của mình vào công cuộc tìm kiếm và xây dựng trần thế (x. HCGH số 36).

Tư Tế là: Người Kitô hữu thánh hoá đời sống hằng ngày trong mọi hoạt động; như kinh nguyện, tham dự thánh lễ, tông đồ bác ái, công việc làm ăn sinh sống, cả đến việc kiên trì đón nhận những thử thách trong đời sống để tất cả trở thành của lễ thiêng liêng dâng lên làm đẹp lòng Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi các linh hồn (x. HCGH số 34).

Chức vụ Ngôn Sứ là: Giới thiệu Chúa cho người khác bằng cách sống đời chứng tá đức tin và đức ái trong lời nói, việc làm của mình khi làm việc, trong nghề nghiệp và nhất là trong đời sống gia đình (x. HCGH số 35). Tóm lại: Ngôn sứ là rao giảng về Chúa đến cho mọi người.

Căn tính của mọi người Kitô hữu là phải truyền giáo, trong nghi thức Bí Tích Rửa Tội thì người lãnh nhận Bí Tích được trao cho một chiếc áo trắng và một cây nến cháy sáng, lấy lửa từ cây nến Phục Sinh; hành vi này nói lên ý nghĩa là họ đã được thanh tẩy sạch mọi tội lỗi, phải luôn giữ mình thanh sạch và từ nay cuộc đời của người lãnh Bí Tích này sẽ được Ánh Sáng Chúa Kitô Phục sinh soi chiếu, dẫn đường và đồng thời chính bản thân họ cũng phải trở thành ánh sáng đem Tin Mừng Cứu độ đến cho mọi người sống chung quanh.

Tất nhiên, trong sứ mạng rao giảng, người tín hữu âm thầm thực hiện qua đời sống gương mẫu, phấn đấu, hy sinh của mình.

Chúng ta ai cũng biết, trong đời sống gia đình và xã hội, mọi người liên đới với nhau và có thể gây ảnh hưởng tốt hoặc xấu cho nhau. Cha ông ta đã nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”  thế nên chúng ta, những người tín hũu phải dùng đời sống của mình mà gây ảnh hưởng tốt đến cho mọi người.

Hai câu chuyện sau đây chứng minh điều nói trên: Một em bé kia, được cha mẹ dạy bảo là phải đọc kinh tạ ơn Chúa trước khi đi ngủ. Em luôn vâng lời cha mẹ, và việc làm đó trở thành thói quen ăn sâu vào đời sống thường ngày của em. Thế rồi, chẳng may em mắc bệnh, phải nhập viện. Ở đây các bác sỹ khám và đưa ra quyết định là em phải phẫu thuật. Trước khi tiến hành ca mổ, vị bác sỹ nói với em rằng:

- Để chữa trị cho em được khỏi bệnh, bây giờ bác sẽ phải cho em ngủ một giấc nhé.

- Em bé liền nói với vị bác sỹ rằng: “Xin bác sỹ hãy cho con đôi phút để con đọc kinh, cầu nguyện trước đã.” Thế rồi em ngồi dậy và làm dấu Thánh Giá. Chính hành động này đã khiến cho vị bác sỹ hồi tâm trở lại, bởi vì trước đây ông là người có đạo, nhưng ông đã từ bỏ Chúa lâu rồi!

Câu chuyện thứ hai: Một câu nói của thánh Inhaxiô nói với học trò của mình là Phanxicô Saviê rằng: “Được lời lãi cả và thế gian nhưng mất linh hồn nào có ích gì?” (Mt, 16, 26). Câu nó này đã thay đổi toàn bộ cuộc đời của Phaxicô, câu nói đã trở thành động lực, thúc đẩy khiến Phanxicô trở thành một vị thánh nổi tiếng trong Giáo Hội.

Để rao giảng về Chúa, không phải là chúng ta cứ phải lên bục giảng hoặc nói trước đám đông mới là “giảng đạo”. Người giáo dân vẫn có thể âm thầm “giảng thuyết” về Chúa bằng chính đời sống chứng tá, nêu gương tốt của mình: Hãy nhìn tấm gương của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Cả cuộc đời của ngài chỉ diễn ra trong tu viện kín, thế thì làm sao mà truyền giáo được đây? Không phải ngẫu nhiên mà Thánh nhân được Hội Thánh đặt lên làm Bổn Mạng các xứ truyền giáo, sánh ngang hàng với thánh Phanxicô Saviê, một vị thánh đã phải bôn ba, vất vả đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi.

Chỉ với tình yêu Thiên Chúa nồng nàn thiết tha và lòng mong muốn cho các linh hồn được cứu rỗi. Thánh nhân đã làm những việc cho dù nhỏ mọn, (như rửa chén, lau nhà,…) nhưng với một tâm tình đơn sơ, khiêm tốn, kết hợp với sự hy sinh, hãm mình, để dâng lên Thiên Chúa với mong ước sẽ đem về cho Chúa thật nhiều linh hồn, và thánh nhân đã thành công. Ngài đã nên thánh bằng con đường nhỏ; với lòng đơn sơ, khiêm tốn, phó thác, yêu mến Chúa hết lòng và mong muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi.

Noi gương thánh nhân, chúng ta cũng sẽ có thể trở thành những “nhà truyền giáo thầm lặng”: Bằng những việc làm nhỏ song với tâm tình yêu mến Chúa và tha nhân nồng nàn, thiết tha: “Chính anh em ánh sáng cho trần gian” và “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,14-16)

Chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để trở thành ánh sáng cho trần gian, ngày nay giữa một xã hội còn nhiều người chưa nhận biết Chúa, còn nhiều tối tăm, u mê, chúng ta phải trở thành gương sáng như lời thánh Phao lô nhắn nhủ: “Giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” (Pl 2, 15)


Tác giả: Đaminh Trần Văn Chính
(Bài viết được CTV gởi về BBT Website GPVL)

48    16-09-2024