Sidebar

Chúa Nhật

15.12.2024

Sự Phục Sinh của Đức Giêsu, Đấng Chịu Chết và Chịu Đóng Đinh

Sự Phục Sinh của Đức Giêsu, Đấng Chịu Chết và Chịu Đóng Đinh


      

Ảnh: Đức Kitô Phục Sinh, của Hendrik de Klerck (1560/1570–1630)

SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CHỊU CHẾT VÀ CHỊU ĐÓNG ĐINH

 

 

Sau cú sốc đóng đinh, các môn đệ của Đức Giêsu lại phải kinh nghiệm thêm một điều còn hoang mang hơn: sự phục sinh. Sự biến đổi của hữu thể là một thực tại siêu vượt, khó tả bằng lời và đôi khi bị những người tin hiểu nhầm, dù đây là nền tảng của đức tin Kitô giáo. Để làm sáng tỏ vấn đề này, Christiane Cloutier Dupuis vạch lại những dấu vết của niềm tin này trong Cựu Ước, lưu ý đến ý nghĩa của nó đối với người Do Thái thời Đức Giêsu và kết luận với một suy tư về ý nghĩa của nó đối với chúng ta hiện nay. (Người dịch)
Chỉ cần đọc năm chương đầu tiên của sách Tông đồ công vụ đủ để nhận thấy tầm quan trọng của sự phục sinh Đức Giêsu đối với những cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi. Chính ở đây ta tìm thấy Tin mừng tiên khởi (kérygme), nghĩa là sự tuyên xưng đức tin ở đầu nguồn Kitô giáo: “Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em […] anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi […] Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại” (Cv 2, 22-24). Khẳng định này, đặc biệt nói về cuộc đóng đinh và sống lại của Đức Giêsu, cũng được tìm thấy trong Cv 2, 31-33; 3, 13-15; 4, 10-11; 5, 30-31. Như thế, đủ để thấy tầm quan trọng của nó.

 

Nguồn gốc và tiến triển.

Để hiểu rõ hơn về sự phục sinh, phải ngược dòng lên đến tận nguồn của niềm tin này trong Do Thái giáo, bởi vì Đức Giêsu, các môn đệ và tông đồ của Ngài, các thành viên của cộng đoàn Giêrusalem đầu tiên, họ đều là người Do Thái tự huyết thống, với tôn giáo và văn hóa của họ. Vì thế chúng ta phải đặt sự phục sinh trong bối cảnh này. Nếu các tông đồ cũng như các môn đệ đã tin thì chính là vì sự phục sinh những kẻ chết là một phần trong niềm tin tôn giáo của họ. Niềm tin vào sự phục sinh đã xuất hiện vào thế kỷ II trước Công nguyên, với sự bách hại của Antiochus IV Épiphane, người muốn Hy Lạp hóa dân tộc Do Thái, bắt buộc họ phải thay đổi tôn giáo và ngôn ngữ của mình. Lúc ấy, người Do Thái nổi loạn lên để giữ trung thành với Thiên Chúa và rồi sau đó là cuộc chiến đẫm máu. Biến cố này đã mở ra một suy tư thần học quan trọng: nếu Thiên Chúa là công bình và khi người ta chết vì lòng trung thành với Ngài, thì điều gì xảy ra với những người trẻ tuổi đã bị giết vì lòng tin của họ? Câu trả lời thần học cho câu hỏi này được diễn tả trong sách II Macabê 7, 9 : “Vua [Antiochus Épiphane] là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” và trong sách Đanien 12, 2: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời”.

Vào thời Đức Giêsu

Vào thế kỷ I của kỷ nguyên chúng ta, người ta đọc lại và giải thích những bản văn Cựu Ước dưới ánh sáng của văn chương cận Kinh Thánh (parabiblique), những bản văn Do Thái giáo và Kitô giáo được soạn thảo bên ngoài Kinh Thánh, nhưng không được xem như là được linh hứng. Chẳng hạn, người Pharisiêu tin rằng sự phục sinh sẽ xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế (Messie) đến và đó sẽ là sự sống được biến đổi với Thiên Chúa như diễn tả của sách Đanien, sách Các dụ ngôn (phần thứ hai của sách Hênốc được soạn thảo vào khoảng năm 100 trước Công nguyên) và Các thánh vịnh Salômon (63-50 trước Công nguyên): “Những ai kính sợ Thiên Chúa sẽ được sống lại để sống đời đời và sự sống của họ trong ánh sáng của Đức Chúa sẽ không bao giờ ngừng” (33, 16). Trong Mc 12, 18-27, khi những người Sađucêô hỏi Đức Giêsu về vấn đề phục sinh, câu trả lời đã thể hiện quan niệm của Ngài: “Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (12, 25). Đây là ảnh hưởng trực tiếp của sách Hênốc: “Tất cả những người công chính sẽ trở nên như thiên thần trên trời” (51, 4). Nhưng ví dụ quyết định để thấy sự khai triển này là sự đọc lại của ngôn sứ Hôsê 6, 2 (thế kỷ VIII trước Công nguyên): “Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người”. Vào thời Đức Giêsu, câu này được đọc lại trong sách Targum (bản dịch Sách Thánh từ tiếng Hípri sang tiếng Aram, ngôn ngữ của Đức Giêsu): “Ngài sẽ làm cho chúng ta sống lại vào ngày an ủi sẽ xảy đến; ngày mà Ngài sẽ cho những kẻ chết sống lại, Ngài sẽ cho chúng ta trỗi dậy và chúng ta sẽ sống trước sự hiện diện của Ngài”. Câu này chuyển từ một thời gian có tính niên đại (chronologique) sang thời gian có tính biểu tượng (symbolique); ngày thứ ba đồng nghĩa với ngày sống lại. Ta thấy cùng một giải thích như trên trong sách Midrash Rabbah về sách Sáng Thế Ký 22, 4[1]: “Ngày thứ ba, đó là ngày sống lại của những kẻ chết”.

Ta lại thấy ý nghĩa này trong các trình thuật của Tân Ước. Tân Ước không gợi lên điều gì về sự hồi sinh một xác chết nhưng là sự đi vào một sự sống mới mà ta có thể hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trong một hiện hữu được biến bình, như diễn tả của văn chương Do Thái vào thời ấy. Chứng nhân tuyệt vời xác nhận cách hiểu này chính là tông đồ Phaolô, người đã viết các thư của mình trước cả các tin mừng. Đây là điều mà ngài giải thích cho các tín hữu Côrintô khi họ đặt vấn nạn về vấn đề này: “Nhưng có người sẽ nói: kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! […] Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1 Cr 15, 35-44). Đó là tình trạng được ở với Thiên Chúa, một hữu thể hoàn toàn thiêng liêng. Cũng nên lưu ý rằng từ soma trong tiếng Hy Lạp, thường được dịch là “thân xác”, tuy nhiên nó cũng có nghĩa là “ngôi vị” (personne) trong ngôn ngữ phổ thông của những người thuộc thế kỷ I của kỷ nguyên chúng ta. Như thế, đối với Thánh Phaolô, chính ngôi vị phục sinh. […]

Hiểu các trình thuật phục sinh như thế nào?

So sánh các trình thuật phục sinh ta thấy nhiều khác biệt và lệch nhau đến độ có thể mất đức tin! Chính vì thế nên thật quan trọng để nắm bắt điều chính yếu trong những trình thuật này mà thoạt nhìn xem ra có vẻ mâu thuẫn. Daniel Marguerat[2] giải thích rằng kinh nghiệm sống của một người không phải là bản sao của người khác, thế nên có sự rời rạc rõ ràng. Có tính chủ quan và tính cá biệt trong đó vì nó luôn là một kinh nghiệm cực kỳ cá nhân.

Câu hỏi lớn được đặt ra vào thời đại ấy là: làm sao thuật lại một sự kiện tương tự nhau? Làm sao diễn tả một kinh nghiệm thiêng liêng liên quan đến điều khó nói và khó tả? Các nhân chứng của sự phục sinh đều là người Sêmít. Vì thế, họ diễn tả theo nền văn hóa của họ có khuynh hướng nại đến các hình ảnh trước hết. Họ có cảm hứng dồi dào từ ngôn ngữ của Cựu Ước mà theo đó thì nhìn thấy Thiên Chúa không có nghĩa là thấy được mặt Ngài nhưng nghe Lời Ngài. Đó là một thành ngữ Hípri, một lối nói Sêmít. Vì thế, khi các môn đệ và tông đồ muốn thuật lại rằng Đức Giêsu vẫn luôn luôn sống, họ đã kín mức từ trong nền văn hóa tôn giáo của mình. Các tác giả đã chọn những động từ phù hợp trong tiếng Hy Lạp: “thấy” với nghĩa là “nghe” hoặc “hiểu” và “làm cho thấy” có nghĩa là “tỏ mình”. Điều này giải thích tại sao trong các bản văn nói về sự hiện ra của Đức Giêsu phục sinh, người ta không mô tả nó mà chỉ nói rằng đã nhận ra Ngài nhờ lời và các cử chỉ của Ngài. Và khi người ta dịch rằng: “Ngài đã hiện ra”, thì phải đọc theo ý nghĩa Sêmít của động từ Hy Lạp: “Ngài đã tỏ mình”. Những thế hệ Kitô hữu đầu tiên đã hiểu rõ ý nghĩa của phục sinh. Có lẽ vì thế mà nó thật đáng tin dưới mắt họ và kém đi dưới mắt chúng ta.

Ngày nay, làm sao hiểu về sự phục sinh?

Các thành viên của thế hệ Kitô hữu đầu tiên đã kinh nghiệm về Đức Giêsu chịu chết vì đóng đinh, nhưng vẫn luôn luôn sống. Họ hoàn toàn bị xáo trộn về điều đó. Vì thế buộc họ phải đọc lại căn tính và hành động của Ngài: Ngài thật sự là ai và sứ mệnh Ngài là gì, một sứ mệnh rất quan trọng dưới mắt Thiên Chúa? Trong những chương đầu của sách Tông đồ công vụ, chính kinh nghiệm về sự phục sinh của Ngài đã mở tâm thức của họ về hai vấn đề này. Diễn từ của Thánh Phêrô trong Cv 2, 22-24 rất rõ ràng về vấn đề này: “Thưa đồng bào Ítraen, xin nghe những lời sau đây. Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi”. Họ đã nhận ra Ngài đích thị là Đấng Cứu Thế và sứ mệnh của Ngài đến từ Thiên Chúa. Họ đã hiểu tầm quan trọng của sứ mệnh Ngài vì sự phục sinh là lời đáp trả của Thiên Chúa đối với sự trung thành của Đức Giêsu. Chính vào thời khắc này mà họ ý thức được mọi trọng trách của tình trạng làm môn đệ của mình. Nếu thực tế họ đã gặp gỡ Ngài, đã tin vào Ngài, đã đi theo Ngài và đã chấp nhận được Ngài chọn lựa, thì chính vì thế mà họ phải tiếp tục sứ mệnh của Ngài khi loan báo sứ điệp Ngài và làm lại những cử chỉ của Ngài.

Chúng ta không thể hỏi các môn đệ đầu tiên về kinh nghiệm này và tại sao họ tin chắc như thế. Nhưng sự thay đổi thái độ của họ giữa cuộc khổ nạn và sau phục sinh là dấu hiệu rõ ràng nhất cho sự phục sinh. Trong trình thuật khổ nạn, Phêrô đã chối Ngài và tất cả họ đều trốn hết vì sợ. Trong Công vụ, họ đã trở nên cam đảm và kiên quyết; không gì có thể làm họ thinh lặng hay ngăn cản họ nói về Ngài. Chúng ta cũng phải nắm vững về sự phục sinh. Sự vững vàng của đức tin chúng ta dựa vào đó. Chúng ta cũng phải suy nghĩ lại về hiện trạng làm môn đệ của chúng ta như là các chứng nhân cho sự phục sinh đã làm. Đâu là sứ mệnh của chúng ta ở đây và bây giờ? Chúng ta có thể nói về Đức Kitô phục sinh một cách có hiểu biết và có ý nghĩa không? Chúng ta sống sứ điệp mà Ngài đã loan báo đến đâu và như thế nào? Đó là chất liệu để suy tư trong mùa Phục Sinh này!
Tác giả: Christiane Cloutier Dupuis
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Từ: Parabole, Mars 2021, Vol. XXXVII, No 1, tr. 7-9

 


[1] Stk 22, 4: “Sang ngày thứ ba, ông Ápraham ngước mắt lên, thấy nơi đó ở đàng xa”.

[2] Trong Résurrection, une histoire de vie, Poliez-le-Grand, Editions du Moulin, 2001, tr. 57-69.

1135    05-04-2021