Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Sự Thinh Lặng của Thánh Giuse

1. Thánh Giuse – Thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa

thanhgiuse

Một thoáng ngẫm nghĩ về sự thinh lặng của cha, sự thinh lặng vượt xa những gì mà triết gia Kierkegaard khắc khoải sẽ giúp hóa giải muộn phiền, con nhận ra sự thinh lặng ấy chất chứa những ý nghĩa thật đẹp.

Tin Mừng của Đức Giêsu – Con nuôi của cha nói về cha. Lạ một nỗi, các thánh sử chỉ nhắc đến cha khi họ tường thuật sự kiện mà chẳng bao giờ trích lại lời nào cha nói. Sao lại như thế? Có lẽ vì cha đã chẳng nói lời nào. Còn nhớ ngày cha biết Mẹ mang thai, cha “định tâm bỏ bà cách kín đáo” để bảo vệ Mẹ và để giữ trọn đức công chính cho mình (x. Mt 1,18-25). Trong sự kín đáo riêng tư ấy, Thiên Chúa qua sứ thần đến ngỏ lời cùng cha, mời cha tham dự vào kế hoạch cứu độ. Khi nguy hiểm ập tới với Hài Nhi, một lần nữa thần sứ đến với cha trong giấc mơ, bảo cha hãy đưa gia đình sang Ai Cập lánh thân.

Hình ảnh “giấc mơ”, trong khi gợi nhớ câu chuyện ông Giuse giải mộng trong Cựu Ước ngày nào (x. St, chương 37, 40) cũng hàm chứa ý nghĩa thú vị. “Giấc mơ” cách nào đó diễn tả sự thụ động tích cực của việc đợi chờ. Quả thật, với tư cách chủ nhân của mạc khải, Thiên Chúa hoàn toàn tự do để ngỏ lời với ai Ngài muốn. Về phần mình, con người phải luôn ở trong sự thinh lặng, kèm theo đó là một sự đợi chờ thụ động tích cực. Thụ động vì người ta không biết khi nào Chúa sẽ mở lời. Tích cực vì hy vọng và biết chắc Ngài sẽ lên tiếng. Và trước lời mở ra dành cho cha, trong sự thinh lặng, cha đón nhận ý Chúa mà không mảy may phản đối hay thắc mắc. Có lẽ thánh Bờ-noa đã nhớ về cha khi đặt thinh lặng và lắng nghe liền kề nhau, vì thinh lặng hỗ trợ cho lắng nghe, giúp tập chú hơn vào lời của Chúa[1].

Ngẫm suy về cha, con xét đến mình. Đúng thật, nếu không thinh lặng, làm sao con có thể nghe được dù chỉ là tiếng sóng, tiếng suối reo, tiếng gà gáy trưa, tiếng đồng hồ tích tắc…? Chúa dựng nên con với một cái miệng và hai cái tai, khốn nỗi con lại luôn ưu ái dành phần hơn cho cái miệng. Thế nên, con sẽ chẳng nghe được người khác nói gì khi miệng hoài lải nhải hay tâm trí mãi rộn ràng với đủ thứ chuyện trên đời. Thú thật những khi ấy, con chỉ còn nghe tiếng nói của mình, ồn ào và náo động.

Cũng vì thiếu vắng sự thinh lặng để lắng nghe nhau, người đời đã gây ra biết bao đổ vỡ. Con cái lạc đường hư hỏng vì để lời cha mẹ ngoài tai. Vợ chồng hiểu lầm, lục đục vì thiếu sự lắng nghe và thấu hiểu. Thôn xóm, phố phường xích mích, chia rẽ vì không ai chịu nghe ai. Vì thiếu thinh lặng xét như điều kiện cần thiết để lắng nghe, mọi thứ có nguy cơ rơi vào cảnh bát nháo.

Trong sự thinh lặng đợi chờ, tiếng Chúa đã vang lên trong cuộc đời cha. Nhưng tiếng Chúa sẽ vang lên cho con ở đâu và khi nào? Có lẽ thật khó để trả lời thỏa đáng, nhưng chắc hẳn Ngài sẽ mở lời trong chính cuộc sống thực tại này của con. Những âm thanh và cảnh sắc của tự nhiên, những lời động viên, cổ vũ, bảo ban hay thậm chí quở trách, sửa dạy đều có thể là phương tiện để Thiên Chúa gửi trao lời Ngài. Và quan trọng hơn cả, từ kinh nghiệm của cha, chắc rằng Chúa sẽ nói với con qua “giấc mơ” nội tâm, tức là những chuyển động của lòng mình, hay những cung bậc cảm xúc. Điều cần thiết đối với con là thinh lặng và đợi chờ.

Nếu ông Giuse trong Cựu Ước tìm kiếm ý nghĩa giấc mơ để áp dụng vào cuộc sống thực tại, thì nơi giấc mơ riêng tư, cha cũng tìm biết ý Chúa trong thinh lặng và lắng nghe. Và một khi đã nghe được tiếng Chúa, cha mau mắn đáp lời Ngài trong thinh lặng. Mau mắn hành động, “trỗi dậy”, “làm như lời sứ thần truyền” là tiếng thưa vâng thầm lặng nhưng dứt khoát của cha. Rồi vào ngày Giêsu ở lại Đền Thờ, gặp lại Con yêu sau ba ngày lạc mất, cha cũng vẫn im lặng. Cha biết rằng đã đến lúc cha thinh lặng để tiếng Con vang lên.

2. Thánh Giuse: Thinh lặng để tiếng Con vang lên

e64f39f630d641547d740c72f47c9031

Cha đã sống thinh lặng trọn vẹn cả một đời để có thể nghe được tiếng Chúa và thi hành thánh ý Ngài. Thế nhưng, sự thinh lặng của cha không chỉ để nghe, đó còn là cơ hội để tiếng Đức Giêsu, Con nuôi của cha vang lên.

Nhớ lại hôm Giêsu được sinh hạ, cha âm thầm bên Mẹ nơi hang đá (x. Lc 2,16). Cha thinh lặng để nghe tiếng khóc chào đời của Hài Nhi. Đó quả là giây phút ngỡ ngàng. Cha được nghe tiếng Thiên Chúa Ngôi Hai vẳng khóc trong xác phàm nhân loại. Chắc cha cũng mường tượng được nếu không có tiếng khóc ấy, thế gian sẽ cứ hoài khóc than. Ngày Giêsu tròn 12 tuổi, độ tuổi trưởng thành đối với người Do Thái, nơi Đền Thánh Giêrusalem, cha nhận ra rõ hơn sứ mạng thinh lặng của mình. Từ đó trở đi, chẳng còn ai nhắc đến cha như thể cha là một nhân vật chính của câu chuyện nữa. Cha rút vào khoảng vắng để Con cha lớn lên. Thế nhưng tên cha vẫn đôi lần được những kẻ tiếp cận Con cha nhắc đến. Họ bảo nhau: “Ông Giêsu này chẳng phải là con ông Giuse đó sao?” (x. Ga 6,42, Lc 3,23). Thật ra, tên cha luôn được xướng lên cùng Con của cha. Điều này nhắc nhớ về bản tính nhân loại của Đức Giêsu. Nhưng dầu người ta có nhắc đến tên cha trên nẻo đường Con cha dấn bước, thì quan trọng hơn cả, điều cha mong là Lời Con cha được vang lên giữa đời, vọng lại trong lòng những kẻ lắng nghe. Xem ra cha đã sống qua kinh nghiệm của thánh Gioan Tẩy Giả trước khi ngài thừa nhận: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).

Cha đã thinh lặng để nghe tiếng Chúa, và có lẽ Chúa muốn cha thinh lặng để nhường lời cho Con nuôi của cha. Vị thế của cha trong kế hoạch cứu độ của Đức Giêsu không hề nhỏ, nhưng cha biết Đức Giêsu mới là nhân tố thiết yếu duy nhất của công trình cứu độ. Cha biết mình là ai. Cha khiêm tốn đặt mình vào địa vị dành cho cha. Địa vị đó không gì khác hơn là sự thinh lặng.

Cha cho con một bài học thấm thía: Thinh lặng không chỉ để nghe, thinh lặng còn để người khác có cơ hội cất lời. Thú thật, con cảm thấy không thoải mái khi đi cùng người nói nhiều. Họ cứ nói và nói, họ không cho con cơ hội diễn tả mình. Oái ăm thay, chính con lại trở thành kẻ nói nhiều. Con không ý thức anh em con cũng chẳng vui gì khi con dành hết phần nói của họ. Sự thường ai cũng có chính kiến riêng mình và muốn thể hiện chính kiến đó trước người khác. Nhu cầu được nói là một thực tế ít ai phủ nhận. Thế nên giữ thinh lặng để người khác được nói là một điều không dễ chút nào. Đó là cả một sự hạ mình, khiêm tốn và rộng lượng.

Khốn cho một thể chế, một quốc gia không cho công dân của mình nói lên tiếng nói tìm kiếm công lý. Nếu một tiếng nói là đơn độc và chủ quan, tiếng nói thứ hai sẽ góp phần dung hòa và cân bằng tình thế. Vấn đề sẽ được khách quan hóa nhiều hơn. Quả thật, không ai tự mình và một mình cầm giữ chân lý. Tiếng nói phê phán tuy không dễ đón nhận nhưng lại vô cùng giá trị trong việc tìm kiếm và tiến gần đến chân lý. Điều này cần đến sự khiêm tốn của tập thể, của ý thức hệ dám mở ra và đón nhận ý kiến trái chiều.

Cám ơn cha vì sự thinh lặng của cha, một sự thinh lặng trọn hảo để tiếng Chúa Giêsu vang lên giữa đời. Sự thinh lặng của cha cách nào đó đã thông dự vào tiếng nói cứu độ của Đức Giêsu. Không chỉ bằng công lao dưỡng dục và bảo vệ, cha đã cộng tác vào công trình cứu độ bằng sự thinh lặng của cha. Và sự thinh lặng ấy cũng giúp cha hòa vào cõi thinh lặng vô biên của Thiên Chúa.

3. Thánh Giuse – Thinh lặng để hòa vào cõi thinh lặng vô biên của Thiên Chúa
thedeathofsaintjosephmiguelparra

Sự thinh lặng của cha là điều kiện để lắng nghe tiếng Chúa, và cũng là bước lùi để tiếng Đức Giêsu vang lên. Có lẽ hai giá trị cao quý này đã quá đủ để con tự hào và nhất tâm học hỏi sự thinh lặng của cha. Dầu vậy, sự thinh lặng của cha còn chất chứa một ý nghĩa khác mang tính chung cuộc: Thinh lặng để hòa vào cõi thinh lặng vô biên của Thiên Chúa.

 

Chẳng ai biết gì về ngày cha ra đi. Tin Mừng cũng chỉ nhắc đến cha khi tên cha có chút liên hệ nào đó với Đức Giêsu. Và tất cả chỉ có thế. Cái chết của cha là một điều tất yếu, và dường như sự im lìm của nó cũng được tiếp nối một cách tất yếu từ cuộc đời thinh lặng của cha. Vốn dĩ đã luôn thinh lặng, nay cha bước vào một cõi thinh lặng thâm uyên bất diệt. Cha trở về cùng Thiên Chúa, Đấng Thinh Lặng. Trên cõi vĩnh hằng, cha tiếp tục thinh lặng vì cha “bắt chước sự thinh lặng của Chúa”, sự im lặng của cha đồng vọng với sự im lặng của Ngài[2]. Cha đang tham dự vào sự sống viên mãn của Thiên Chúa, của tình yêu vô biên Ngài; vì thế tình yêu và cuộc sống của cha không còn đóng khung trong những ranh giới chật hẹp là cuộc đời và tình yêu của chúng con đây. Như thế, sự thinh lặng vĩnh hằng của cha mời gọi loài người vượt qua những ồn ào dương thế, vượt qua kiếp “sống dở chết dở – prolixitas mortis” để nhờ ơn Chúa, cùng cha bước vào sự sống đời đời, một sự sống chẳng còn can dự gì đến cái chết.

Nhưng phải chăng chỉ khi nhắm mắt lìa đời con mới có cơ hội hòa vào cõi thinh lặng vô biên của Thiên Chúa như cha? Xem ra không hẳn là thế. Chính khi thinh lặng, cha đã phần nào hòa làm một với Thiên Chúa thinh lặng. Con ngẫm nghĩ, khi bước vào một khu rừng lặng gió, tiếng nói cất lên chỉ khiến con và khu rừng thêm xa. Tiếng nói của con tạo ra một ngăn cách phân biệt con và khu rừng. Chỉ trong thinh lặng, khoảng cách giữa con và khu rừng mới được xóa nhòa. Cả hai được hòa vào nhau. Con trở thành một phần trong sự hòa điệu với khu rừng bao la lặng gió.

Cũng thế, hai người bạn tâm giao ngồi bên nhau. Họ chẳng nói một lời. Họ hiểu nhau trong sự thân mật thâm sâu. Sự thinh lặng diễn tả sự cảm thông và đón nhận mà họ dành cho nhau. Cuộc gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa cũng vậy. Trong phương pháp cầu nguyện Lectio Divina, chiêm ngắm gần như là bước cao nhất. Đến bước này, mọi lời lẽ suy tư đều trở nên thừa thãi. Duy chỉ sự hiện diện là đủ. Chúa và người hòa làm một trong sự hiện diện thinh lặng. Ở đây, thinh lặng không chỉ là điều kiện của sự hòa điệu, nó còn là điểm tới của sự hòa điệu ấy.

Chắc rằng với cuộc đời thinh lặng của mình, cha đã bước vào sự hòa điệu với vị Thiên Chúa thầm lặng. Và sự hòa điệu ấy đã thành toàn khi cha được đem về cùng Ngài sau cuộc đời dương thế.

Sự thinh lặng trọn hảo của cha Giuse mang nhiều ý nghĩa và giá trị thật đẹp. Đó là lời khích lệ để con biết sống thinh lặng hơn mỗi ngày. Nhưng trong thực tế, thật không dễ để sống thinh lặng. Chắc hẳn thinh lặng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Và nếu là ơn nhưng không thì con người phải tha thiết xin ơn. Thinh lặng vừa là ơn, nhưng cũng là nỗ lực sống của mỗi người. Điều này đòi hỏi nơi từng người lòng yêu mến sự thinh lặng và chuyên chăm luyện tập thinh lặng mỗi ngày. Thực tế cho thấy, mọi hoa trái tốt đẹp chỉ trổ sinh với thật nhiều mồ hôi và nước mắt.

Cám ơn cha về bài học thinh lặng. Ví được, đời cha tựa nốt lặng tinh tế và tuyệt đẹp trong bản hòa âm mang tên cứu độ mà Thiên Chúa đã cất công soạn nên. Bản hòa âm ấy đã được Đức Giêsu, Con nuôi của cha trình tấu một cách ngoạn mục và vẻ vang. Về phần mình, nhờ sự thinh lặng, cha đã nghe được tiếng Chúa để tham dự vào kế hoạch cứu độ, đã rút lui để tiếng Đức Giêsu vang lên, và đã tan hòa vào cõi thinh lặng vô biên của Thiên Chúa để nên một với Người. Sự thinh lặng của cha hướng lên Thiên Chúa, và cũng hướng về những kẻ Con cha hằng yêu thương

 

Jos. Nguyễn Minh Vương
Nguồn: dongten.net

[1] Anselm Grun, Học sống thinh lặng (Antôn & Đuốcsáng, San Diego, 2007), 66.
[2]
Karl Rahner, Réo gọi vị Thiên Chúa thầm lặng, Paul Vũ Văn Thiện dịch (NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2003), 110.

 
1089    16-09-2021