Sidebar

Thứ Ba
16.04.2024

Suy nghĩ về Năm Truyền giáo

truyengiao11
Sáng nay, khi ngồi suy niệm tại nhà nguyện của cộng đoàn, tôi chia trí quá! Tôi nhớ về cuộc điện thoại với mẹ chiều hôm Chúa Nhật. Mẹ kể với tôi nhiều chuyện lắm, nhưng chỉ có một việc làm tôi day dứt cho đến lúc này, mẹ nói: “…Thằng Đức với thằng Duy bị công an bắt hôm qua, con ạ!”, tôi trả lời nhạt nhẽo: “Chắc lại đánh nhau! Mấy đứa ấy cứ để công an dạy!” Tôi biết rõ chúng, bởi hai đứa là “học trò” của tôi ngày tôi còn đứng lớp giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu của giáo xứ. Chúng bướng, hư, hỗn láo từ nhỏ! Tôi đã đóng kín chúng vào một cái khung mang tên “Đồ bị loại bỏ”.

Nhưng hôm nay, trước thánh giá của nhà nguyện, khi suy niệm đoạn Tin Mừng về người mục tử đi tìm con chiên lạc. Với người mục tử nhân lành không có chuyện con chiên bị loại bỏ vì tách biệt khỏi đàn; ngược lại con chiên nào cũng đáng nhận được tình yêu, sự chăm sóc, tình yêu ấy càng mãnh liệt hơn để ‘tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất’ (Lc 19,10).

Hậu quả hôm nay của chúng có phần nào trách nhiệm của con không?”– tôi hỏi Chúa. Bởi vì tôi đã chẳng “đi tìm” chúng về, thay vào đó là sự loại bỏ cùng với những hình phạt. Ngay cả sau này tôi cũng chưa hề từng thử một lần bắt chuyện với chúng, những lúc chúng cùng lũ bạn tụ tập ở ngã tư lối vào nhà thờ, trên tay còn phì phèo điếu thuốc, tóc tai thì nhuộm xanh nhuộm đỏ…tất cả những thứ ấy chỉ khiến tôi thêm “ngứa mắt” và bức xúc để rồi nhanh chóng bước qua. Nhưng “bức xúc không làm chúng ta vô can!”; rõ ràng việc tỏ ra nóng nảy bức xúc hay giận giữ, la lối không thể khiến chúng ta “vô can” đối với những linh hồn có vẻ tội lỗi ấy, chúng ta có một phần trách nhiệm vì nếu đã như Philatô “rửa tay” để nói “tôi vô can trong việc đổ máu này” (Mt 27, 24).  Chúng ta có lỗi vì đã “tránh qua một bên mà đi” (Lc 10, 32) như những thầy tư tế Lêvi “bỏ mặc người Samari nửa sống nửa chết” (Lc 10, 30).

Và như thế, chúng ta sẽ không thể thấy được Giêrusalem Thiên Quốc, cũng chẳng thể nào tiến lên núi Chúa nếu chúng ta bỏ rơi hay loại bỏ những linh hồn mà chính Đức Giêsu đã đổ Máu Châu Báu để chuộc lại.

Mấy hôm trước có người tặng tôi cuốn lịch phụng vụ của Tổng Giáo phận Hà Nội, ở mặt sau của cuốn lịch đó có ghi: “CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN là lời mời gọi của Chúa Giêsu. Lời mời gọi này trải dài trong nội dung giáo huấn của Người. Đây cũng là sứ mạng chính yếu của Giáo Hội qua mọi thời đại… Mọi thành phần Dân Chúa của Tổng Giáo Phận tạ ơn Chúa và mong ước dấn thân hơn nữa, đem lại những giá trị Tin Mừng tại mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến và các tỉnh thành khác thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội… Để trung thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng, một điều kiện tiên quyết là mỗi thành viên của Giáo Hội phải Canh Tân Đời Sống Đức Tin, thay đổi phương thức sống Đạo” – Trích lời Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên nói về Công Nghị Tổng Giáo phận Hà Nội.

Thật thế, Đức tin thì không phải canh tân vì nó là ơn Thiên Chúa ban, nhưng điều cần canh tân và đổi mới là thái độ sống đức tin ấy, chính là việc làm mới đời sống đức tin, là thay đổi phương thức sống Đạo của mỗi một tín hữu.

Chúng ta không thể để những lời mời gọi của Đức Tổng bị giản lược thành một khẩu hiệu chỉ để hô hào, hay trở nên những chữ viết chết cứng trong các pano, áp-phích. Đã đến lúc mọi người phải thay đổi, tôi nghĩ vậy khi nhớ đến bản thân, đã từng tỏ ra “bề trên” thế nào với những bạn mới đến tìm hiểu ơn gọi, tôi không hề mở lòng đón nhận để đi đến với họ. Tôi nhớ ngày tôi còn nằm trong ban điều hành giới trẻ giáo xứ, để tham gia giới trẻ, các bạn phải viết đơn đề nghị kiểu “xin xỏ”, như thế khiến những người trẻ ấy cần chúng tôi, chứ chúng tôi không cần họ. Thật nực cười phải không! Như thế, dần dần đã tạo nên một ngăn cách giữa những người có vẻ công chính cùng chơi riêng với nhau một nhóm và những kẻ dường như bị loại ra khi không chịu tham gia với chúng tôi. Và cứ như thế chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải đến mời một bạn trẻ nào đó tham gia nhóm chúng tôi, vậy là chúng tôi không có khái niệm lên đường để đến với, để kiếm tìm những người trẻ! Nghĩ lại tôi thấy thật xấu hổ vì chẳng hề có tinh thần truyền giáo chút nào cả.

Còn nữa, những lần được nghỉ hè, tôi có gặp một vài anh chị trong giáo xứ nhưng không thấy tham gia một hội đoàn nào cả. Quan sát kĩ tôi thấy họ không phải những người quá lam lũ vất vả đến cái độ không có thời gian tham gia công việc hội đoàn. Giờ thì tôi biết tại sao, vì họ không cảm thấy được “thuộc về” hội đoàn nào, họ như những người bị tách biệt, bị loại ra. Chắc chắn những anh chị ấy sẽ khó để mở miệng xin gia nhập hội đoàn, có thể họ ngại ngùng vì không quen với các hoạt động của nhà thờ, hoặc họ e sợ vì bị tiếng là bấy lâu chỉ ‘lao đầu’ vào việc làm ăn không lo chuyện ‘nhà thờ nhà thánh…Nếu họ không thể đến thì tại sao chúng ta lại không đi đến với họ. Nhưng sự thật là không có ai đến tìm và mời họ tham gia cả, giả như có thì rồi sau đó cũng chẳng có người tiếp tục đồng hành với họ trong một thời gian.

Làm sao có thể có một Giáo Hội truyền giáo, một giáo phận hướng đến mục vụ truyền giáo nếu mỗi chúng ta không tích cực canh tân đời sống đức tin cùng đổi mới phương thức “giữ Đạo” của mỗi chúng ta. Nhất định phải mở lòng, phải đi ra mới có thể tìm thấy những con chiên lạc; phải đi đến mới có thể đón nhận được những linh hồn mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Hãy đồng cảm với Giáo Hội bằng hành động, nếu không những tâm tình của các vị chủ chăn sẽ mãi chỉ là lý thuyết, là lời hô hào với chính mỗi chúng ta.

Chúc bạn bước vào một năm mục vụ truyền giáo với nhiều ‘niềm vui hoan lạc và bình an’ của Thánh Thần để bạn và tôi có sức sáng tạo trong việc truyền giáo tại chính cộng đoàn, nơi môi trường học tập và làm việc của mình. Chính chúng ta phải thưa lên như những người Do Thái trong Tin Mừng Chúa Nhật III mùa Vọng: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10), nhưng hãy thưa với Chúa Thánh Thần, tác nhân của việc truyền giáo nhé!


Tác giả: Chiara - Nguồn: Tổng Giáo Phận Hà Nội (18/12/2021)

516    19-12-2021