Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Suy niệm: "Ai khiêm nhường, người ấy tự do!"

children


PHÚC ÂM: Lc 14, 1. 7-11

Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng: "Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này', bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên', bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. "Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".


SUY NIỆM


“AI KHIÊM NHƯỜNG, NGƯỜI ẤY TỰ DO!”

 


“Xin ông nhường chỗ cho người này!”


William Temple, Tổng giám mục Canterbury đã từng nói, “Khiêm nhường không có nghĩa là suy nghĩ về bản thân mình kém hơn người khác; cũng không có nghĩa là đánh giá thấp về những quà tặng của riêng mình. Nó có nghĩa là tự do không nghĩ về bản thân theo cách này hay cách khác. ‘Ai khiêm nhường, người ấy tự do!’”

Kính thưa Anh Chị em,

“Ai khiêm nhường, người ấy tự do!”, câu nói của Đức Cha William Temple sẽ được Chúa Giêsu và thánh Phaolô khai triển một cách tài tình trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Từ đó, chúng ta có thể rút ra được những bài học bổ ích đầy lý thú.

Được mời dùng bữa, Chúa Giêsu thấy nhiều người chọn cỗ nhất, Ngài khéo dạy họ đừng làm thế, vì chủ nhà có thể mời họ xuống cỗ dưới, và họ xấu hổ! Sẽ rất thú vị khi chúng ta biết rằng, một vị thánh chân chính sẽ không cảm thấy hổ ngươi trước sự sỉ nhục khi nghe những lời ấy, “Xin ông nhường chỗ cho người này!”; thay vào đó, họ sẽ vui vẻ nhường ghế danh dự của mình cho người khác. Thực tế, rất có thể những vị thánh này đã ‘chiếm chỗ’ “thấp nhất”; bởi lẽ, vinh dự bên ngoài của thế gian chẳng nghĩa lý gì đối với họ. Thế nhưng, ở đây, Chúa Giêsu không nói với các ‘thánh sống’; Ngài nói với những con người đang giành giật cho mình những vinh dự phù phiếm thế gian. Điều này, cách nào đó, cho thấy bên trong họ, đang rất bất an và thiếu tự trọng.

Điều thú vị ở đây là, những đối tượng đang nghe Chúa Giêsu là những người đang chiếm cứ những cỗ bàn chông chênh đó. Ngài nhẹ nhàng chia sẻ với họ một sự thật rằng, niềm vui và danh dự thực sự chỉ được tìm thấy ở chỗ hạ mình và nâng cao người khác. Đây quả là bài học không dễ! Bởi lẽ, hầu hết chúng ta thường hay so sánh; “Cô ấy xinh hơn!”, “Anh ấy thành công hơn!”, hoặc “Họ rất học thức!”… Xu hướng phổ biến này phát xuất từ việc cá nhân chúng ta cảm thấy một điều gì đó bất ổn. Trẻ em luôn luôn tự do và cảm thấy rất an toàn vì trẻ em không so sánh! Vậy mà, khi chúng ta biết yêu bản thân theo cách Thiên Chúa yêu chúng ta, chúng ta có thể hoàn toàn bình an với con người mình, và sẽ tự do hơn rất nhiều khi chúng ta yêu người khác; chúng ta khiêm tốn trân trọng phẩm giá tha nhân, thậm chí vui mừng vì sự thành công và hoa lệ của họ. Và như thế, rõ ràng, ‘Ai khiêm nhường, người ấy tự do!’.

Cũng một chủ đề, qua thư Rôma hôm nay, Phaolô xác định “Chúa không ruồng rẫy dân Ngài!” như Thánh Vịnh đáp ca xác tín, cho dù xem ra Ngài quay sang ủng hộ dân ngoại. Bằng chứng là chính Phaolô, một người Do Thái thuần huyết, dòng dõi Abraham, chi tộc Bengiamin, đã nghe và khiêm tốn đáp lại lời cứu độ của Ngài. Sự không tin của người Do Thái chỉ là bước đầu Thiên Chúa cho xảy ra với mục đích khiến họ “ghen tị” với những người ngoại; thế nhưng, làm sao Ngài bỏ họ được! Trước đó, qua thư Rôma, Phaolô đã trích dẫn lời Môisen, “Ta sẽ làm cho các ngươi ganh tị với một dân không đáng gọi là dân, tức giận một dân được coi là ngu đần”. Từ bài học đó, người Do Thái biết ăn năn, khiêm tốn đón nhận Chúa Kitô và sứ điệp của Ngài, và họ sẽ được lại tự do của con cái Chúa; và như thế, đúng với sự thật, ‘Ai khiêm nhường, người ấy tự do!’

Anh Chị em,

“Xin ông nhường chỗ cho người này!” Chúa Giêsu không muốn ai trong chúng ta phải nghe những lời bất tiện ấy; Ngài muốn ngay từ đầu, chúng ta nhường ‘chỗ tốt’ cho người khác. Noi gương Ngài, chúng ta chiếm chỗ “rốt hết”, thật tự do, an toàn; chỗ của phục vụ, của hạ mình, của yêu thương! Trong thư Philipphê, Phaolô nói, “Phận là phận của một vì Thiên Chúa, Ngài đã trút bỏ hết mọi vinh quang”, chọn chỗ rốt hết trên thập giá; và “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài!”. Nhờ đó “Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Ngài”. Cũng thế, với chúng ta, khiêm tốn, đơn giản là nhìn thấy chính mình dưới ánh sáng theo cách Thiên Chúa nhìn mình; không cần sự khen ngợi và quý trọng của người khác; chỉ tình yêu Ngài dành cho chúng ta là đủ. Vì thế, như Chúa Giêsu, người khiêm nhường được tự do để hoàn toàn chú ý đến lợi ích của người khác. Tình yêu này thật trong sáng, và chỉ có được khi mỗi người biết sống khiêm nhường cách trọn vẹn. Như vậy, rõ ràng, ‘Ai khiêm nhường, người ấy tự do!’

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con oằn vai vì gánh nặng ham muốn méo mó về danh dự trần thế và sự quý trọng của thế gian; con muốn được tự do, vì thế, xin dạy con sống khiêm nhường!”, Amen.


Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 

390    30-10-2021