Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Suy niệm: Để Chúa không cô đơn

ac1

 

Chúa nhật hôm nay, Giáo Hội mở cửa dẫn đưa ta bước vào Tuần Thánh, một tuần lễ trọng đại nhất trong năm phụng vụ, nó khởi đầu cho cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu với đỉnh điểm là Tam Nhật Thánh.

Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã cảm nhận cách sâu sắc về thân phận con người của Chúa Giêsu: “Người đã tự khiêm tự hạ, đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập tự.” (Pl 2,8) Chúa Giêsu trong thân phận con người, Ngài cũng cảm thấy đau khổ và bị bỏ rơi, bị chống đối. Nhưng Ngài bằng lòng đón nhận tất cả vì Ngài hiểu và cảm thông với thân phận yếu đuối mỏng dòn của con người. Ngài biết lòng người dễ đổi thay và tình đời mau thay đổi. Nhưng Ngài vẫn trung thành mãi với tình yêu đã chọn từ ban đầu, đã yêu thì yêu cho đến cùng, tôi nhớ có ai đó đã từng nói: “Đức Giêsu còn hấp hối cho đến tận thế, ta không thể để Người cô đơn được.

Ta không thể để Người cô đơn được”, lời nói ấy như một sự khẳng định cho lòng trung thành của con người. Thế nhưng nhìn vào thực tế đời sống, con người đã sống như thế nào?

Một Phêrô tự tin, tự hào tuyên bố: “Ai bỏ Thầy chứ con đây không đời nào bỏ Thầy.” (Lc 22,33) Nhưng lời nói ấy “chưa kịp vang hết âm thanh”, khi Chúa Giêsu bị bắt ông đã bấn loạn, lo sợ bị ảnh hưởng đến mình, đã thẳng thừng chối bỏ mối quan hệ thân tình với Thầy mình (x. Lc 22,58-60). Hay như Giuđa, một người mà Chúa Giêsu thừa biết sẽ phản bội, nên đã hết lòng nhắc bảo cho ông có cơ hội hoán cải: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48). Thay vì hối cải, ông vẫn kiên định trong suy nghĩ sai lỗi của mình. Còn đó một Philatô thừa biết Chúa Giêsu vô tội (x. Lc 23,4), nhưng vì áp lực đám đông, vì lo sợ mất chức, mất quyền, đã để mặc Chúa Giêsu bị kết án. Và cả đám đông dân chúng, mới ngày nào tung hô Người: “Vạn - vạn tuế!”, mà nay lại quay sang phỉ báng, mỉa mai, hô hào đòi đóng đinh Chúa cho bằng được.

Nhìn lại chính cuộc sống của mỗi người ngày nay, vẫn còn đó biết bao Giêsu vô tội đang bị sỉ nhục, bị vu khống, bị kết án cách bất công bởi những “búa rìu dư luận” từ những “kinh sư và Pharisêu của thời đại mới”. Ai trong chúng ta nếu một lần cho mình có cơ hội thật lòng chiêm ngắm lại những chặng đường khổ giá Chúa đã đi qua, tôi tin, bạn và tôi, chúng ta sẽ thấy mình không phải là người vô tội đứng ngoài cuộc đâu.

Bạn có thấy mình giống như Phêrô không? Khi “trời yên biển lặng” thì hùng hổ, tự hào tuyên bố tình yêu của mình đối với Thầy là “bất tử”, không bao giờ có chuyện thay lòng đổi dạ. Nhưng rồi tình yêu ấy vội mau tan vỡ khi gặp phải khó khăn, thử thách. Thể rồi chính nhờ bắt gặp ánh mắt thân tình của Chúa Giêsu, Phêrô đã kịp hối cải. Ánh mắt nhân từ, tha thứ ấy vẫn dành cho bạn và tôi hôm nay.

Bạn có thấy bóng dáng Philatô trong con người mình không? Luôn bị trói buộc bởi sợ hãi, bởi chức quyền, danh vọng. Ông đã đánh mất sự tự do để sống con người thật của mình. Liệu đó có phải là hình ảnh đại diện cho những ai vì chức quyền, danh vọng mà không dám thừa nhận mình là người Công Giáo hay không?

Và rồi, bạn và tôi, ta có thấy mình giống những tên lính, đang trút xuống thân mình Chúa Giêsu những đòn roi, những vòng gai, những tiếng búa tiếng đinh một cách vô tội vạ không? Tôi thiết nghĩ đã bao lần chúng ta ý thức rằng, mỗi lần mình phạm tội là mỗi lần ta làm cho những vết thương trên thân thể Người càng nặng thêm, những cái gai trên đầu Người càng sâu hơn. Chúng ta đang cần lắm một sự quyết tâm thay đổi con người mình, một sự thay đổi tận căn từ tận thâm sâu cõi lòng của bạn và tôi.

Để Người không cô đơn, vẫn còn đó một Simon vác đỡ thánh giá cho Chúa, vẫn thấp thoáng đâu đó trong đám đông hình ảnh những người phụ nữ nhân đức, đang âm thầm an ủi và than khóc cho số phận của Chúa Giêsu. Phần chúng ta, bạn và tôi, nếu không muốn Chúa cô đơn, hãy hướng nhìn lên Thánh Giá Chúa, hãy thật lòng chạy đến bên Người, chính vòng tay yêu thương, chính ánh mắt nhân từ của Người luôn sẵn sàng chờ đón và tha thứ cho ta. 

Tác giả: Step. Phạm Ngọc Duy

888    09-04-2022