![]() |
PHÚC ÂM: Lc 6, 17. 20-26
Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế. "Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả".
SUY NIỆM
ĐỈNH CAO TOÀN THIỆN
“Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa!”.
Năm 1924, sau thất bại thám hiểm Everest, nhiều người chết. Phát biểu tại một cuộc họp, một người đã mô tả cuộc phiêu lưu xấu số. Sau đó, quay sang một bức ảnh khổng lồ đỉnh Everest, anh kêu lên, “Everest! Chúng tôi đã cố chinh phục bạn một lần, nhưng bạn đã áp đảo chúng tôi. Chúng tôi đã cố gắng lần hai; một lần nữa, bạn đã quá sức chúng tôi. Nhưng, Everest, bạn hãy biết rằng, chúng tôi sẽ chinh phục bạn, vì bạn không thể lớn hơn nữa; còn chúng tôi, có thể!”
Kính thưa Anh Chị em,
“Chúng tôi, có thể!”. Đó cũng là những gì Chúa muốn chúng ta khẳng định với ‘đỉnh cao toàn thiện’ như vận động viên kia! Thật thú vị, Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói lên một sự thật, Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để trở nên tầm thường; Ngài mời chúng ta đạt đến đỉnh cao qua việc sống các Mối Phúc. Phúc cho ai nghèo khó, đói khát, khóc lóc, và bị thù ghét vì Ngài!
Đó đúng là những gì thế gian ghê sợ; và chúng ta đừng quên, Thiên Chúa cũng gớm ghiếc! Thế nhưng, lạ lùng thay, chính khi sống những nghịch lý Tin Mừng đó, những tầm cao đó, tâm hồn người môn đệ Chúa Giêsu lại tìm được cho mình một phần thưởng lớn lao nhất, chính Thiên Chúa, “Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.
Giêrêmia trong bài đọc thứ nhất cũng đồng tình, “Khốn cho ai tin tưởng người đời; phúc thay người tin tưởng nơi Chúa!”, Đấng mà vì Ngài, họ dám trở nên nghèo khó, đói khát, khóc lóc, và bị thù ghét. Vậy tại sao được gọi là phúc? Được gọi là phúc, vì lẽ, Thiên Chúa, Đấng liên tục lôi kéo chúng ta đến gần Ngài, dẫn chúng ta đi trên con đường Giêsu, đường cứu độ. Trên đó, Ngài thanh luyện chúng ta; đồng thời, củng cố, đổ đầy niềm tin, tình yêu và hy vọng; Ngài đưa chúng ta đến một mức độ thánh thiện ngày càng tăng. Vì thế, đừng bao giờ an phận với một cuộc sống tầm thường; thay vào đó, chúng ta quyết tâm đạt tới ‘đỉnh cao toàn thiện’, để Thiên Chúa trở thành trung tâm của tất cả, không chỉ đời này nhưng cả đời sau! Thánh Phaolô thật chí lý qua xác tín trong thư Côrintô hôm nay, “Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô ở đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ”.
Trong cuốn “Bí Mật của Đời Sống Nội Tâm”, “Secrets of the Interior Life”, Đức Cha Luis María Martínez viết, “Với ánh sáng của Thiên Chúa, linh hồn tiến bộ vững chắc khi nhìn thấy sự khốn cùng của mình. Chúng ta luôn có thể chìm sâu hơn trong đau khổ; nhưng theo mức độ mà chúng ta đi xuống, chúng ta sẽ đi lên; vì như vậy, đến gần Thiên Chúa hơn. Người ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa rõ hơn từ bên dưới; qua đó, thưởng thức những vuốt ve của Ngài cách ngọt ngào hơn, cảm nghiệm sâu sắc hơn sự quyến rũ từ sự hiện diện thiêng liêng của Ngài”.
Trong Tin Mừng hôm nay, khi ngước mắt nhìn đám đông, ánh mắt Chúa Giêsu xuyên thấu những pháo đài bên trong họ, trái tim, nơi diễn ra trận chiến mỗi ngày giữa sự giằng co ‘tôi thuộc về Chúa hay thuộc về thế gian’. Trái tim được tạo ra cho tình yêu, nhưng bên trong, một cuộc chiến đã bùng phát giữa tình yêu Thiên Chúa hay tình yêu các tạo vật, mà thực sự là yêu bản thân. Ở đó, trận chiến giành lấy ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa phải được phát động không ngừng; bởi lẽ, sự sống và sự vĩnh cửu là “của dành, của để”. Như vậy, không ai có thể đạt tới ‘đỉnh cao toàn thiện’ mà không từ bỏ những gì họ sở hữu, khi tâm hồn chưa được giải phóng khỏi chúng. Nói cách khác, Thiên Chúa sẽ không chiếm hữu hoàn toàn trái tim chúng ta cho đến khi mọi thứ khác đã bị loại bỏ. Chừng nào cội rễ của những tình cảm ngổn ngang sau cùng còn đó, những gì không bị triệt tiêu… tình yêu của Thiên Chúa vẫn không thể toàn trị!
Anh Chị em,
“Chúng tôi, có thể!” Chúng ta có thực sự khát khao một đời sống thánh thiện không; hay chúng ta chỉ bằng lòng với việc trở thành một Kitô hữu vốn chỉ cần không phải gây ô nhục, cũng không cần ngợi khen? Nghĩa là chúng ta tin Chúa, biết quý trọng người khác, nhưng cũng không cần phải nhấn mạnh quá mức. Như thế, hoặc là thánh thiện hoặc là tầm thường! Và nếu chấp nhận một lối sống cầm chừng với những gì tối thiểu, chúng ta không bao giờ đạt đến ‘đỉnh cao toàn thiện’ như Thiên Chúa kỳ vọng!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con can đảm loại bỏ tận gốc những chấp trước, khiến con không thể đạt đến ‘đỉnh cao toàn thiện’, tức là trở nên một vị thánh mà Chúa mời gọi con trở thành!”, Amen.
Tác giả: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế