Phố đi bộ Nguyễn Huệ, một đường phố trung tâm Quận 1, được biết đến là một trong những con đường sạch đẹp nhất Sài Gòn. Khiến nhiều người nhìn thấy phải nói lời khen ngợi. Thế nhưng, trước sự xa hoa tráng lệ đó, ít ai biết rằng phía sau đó là bao nhiêu vất vả cực nhọc của những người phu quét rác. Hằng ngày, khi màn đêm buông xuống, dòng người và xe cộ trở nên thưa thớt, người ta lại thấy xuất hiện những công nhân cặm cụi đi ra quét dọn các ngã đường. Niềm vui của họ là nhìn thấy những con đường sạch bóng cho mọi người đi qua.
Thánh Gioan Tiền Hô, vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước và là cầu nối đến Tân Ước, đã dùng lời tiên tri Isaia khuyên bảo dân chúng sửa đổi đời sống: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải sang cho bằng.” (Lc 3,4-5) Chính Gioan là hình ảnh của người phu dọn đường, đã khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn và giới hạn nơi chính mình: “Sẽ có Người đến sau tôi nhưng có trước tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1,27)
Mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi hãy là những người phu quét lá, hãy dọn lại con đường trong tâm hồn để chờ đón Chúa đến. Chúa đến cách bất ngờ. Do đó, chúng ta phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng chờ đón Chúa đến. Chúng ta sẽ dọn con đường tâm hồn của mình như thế nào đây?
Suốt hành trình trần thế là con đường dẫn ta tiến về phía ánh sáng và đời sống vĩnh cửu mai sau. Thế nhưng, trên con đường ấy, nhiều khi có những bụi bặm, có những chiếc lá rơi không đúng chỗ giữa những ồn ào, lo toan trong cuộc sống mà chúng ta phải quét dọn hằng ngày. Có những con đường cong queo của sự hơn thua gian dối phải uốn cho ngay thẳng. Những lũng sâu chất chứa những thù hận và ngăn cách phải lấp cho đầy. Những đồi núi cao của tham vọng và ích kỷ phải sang cho bằng. Muốn sửa lại những con đường đó, chúng ta phải biết quay trở về cõi lòng mình, quay trở về với Thiên Chúa bằng đời sống hoán cải nội tâm một cách sâu xa.
Để đạt đến Thiên Chúa và ơn cứu độ của Người, chúng ta phải biết vượt qua những chướng ngại, những cám dỗ làm cản trở hành trình của ta. Việc này ví như công khó của vận động viên mà Thánh Phaolô từng đề cập: “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đánh vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.” (1Cr 9,24-27)
Cũng vậy, người Kitô hữu muốn theo Chúa và trung tín với Người, phải biết chấp nhận những hy sinh gian khó trong cuộc sống, biết từ bỏ những đam mê, những quyến luyến không cần thiết để thanh luyện tâm hồn sẵn sàng đón chờ Đấng Cứu Thế đến. Tôi có sẵn sàng để cộng tác với Chúa hay chưa?
Lạy Chúa, con cũng được mời gọi hãy sám hối để dọn đường cho Chúa và trở nên người tiền hô loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Xin cho con dám chấp nhận hy sinh, dám dứt khoát từ bỏ những những ganh ghét, đố kỵ, gian dối… hầu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón chờ ngày trở lại đầy bất ngờ của Chúa, như lời Thánh Phaolô đã dạy: “Anh em hãy sống sao cho tinh truyền thánh thiện, không có gì đáng trách, trong khi chờ đợi Đức Kitô quang lâm. Như thế anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là một đời sống công chính nhờ Đức Kitô, để ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa.” (Pl 1,9-11) Amen.
Tác giả: Step. Phạm Ngọc Duy