Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Suy niệm: Hãy làm chủ chính mình

peterandthesword


Thánh Gioan đã ghi lại trong Phúc Âm của mình phản ứng đầu tiên của Phêrô khi Chúa Giêsu bị bắt tại vườn Giếtsêmani rằng: “Ông Simon Phêrô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Mankhô. Đức Giêsu nói với ông Phêrô: Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,10-11; x. Mt 26,51-54; Mc 14,47; Lc 22,49-51). Cả bốn Phúc Âm đều ghi lại biến cố này, nhưng chỉ có Phúc Âm theo thánh Gioan, thì nói rõ chính Phêrô là người đã chém đứt tai của tên đầy tớ vị Thượng tế.

Phêrô đã hành động thật sự. Ông đã dùng gươm để bênh vực Chúa Giêsu, đã chém đứt tai một người trong nhóm đến bắt Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã ra lệnh cho Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11). Trong mệnh lệnh đó, Chúa Giêsu đã đề cập đến “chén đắng” để chỉ cuộc thương khó mà Người phải trải qua theo thánh ý Chúa Cha. Phêrô, một trong ba môn đệ được Chúa Giêsu tách ra và đưa đến gần nơi Người phủ phục cầu nguyện, chắc hẳn cũng hiểu được ý nghĩa “chén đắng” mà Chúa Giêsu phải uống qua lời cầu nguyện của Người với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thực hiện.” (Mt 26,42) Thế nhưng, vì chưa được Thánh Thần của Chúa Phục Sinh thanh luyện, nên lòng nhiệt thành của Phêrô đã thúc giục ông hành động theo cảm tính tự nhiên. Phêrô đã dùng gươm, dùng sức mạnh tự nhiên của con người, dùng vũ lực để bảo vệ Thầy mình, như ông đã thề hứa: “Con sẽ thí mạng con vì Thầy.” (Ga 13,37) Chúa Giêsu muốn Phêrô liều mạng vì Người, hy sinh mạng sống mình cho Người, nhưng trong một cách thức khác, cách thức của Thiên Chúa, chứ không phải cách thức của bạo lực trần gian. Sứ mạng mà Chúa Giêsu phải chu toàn là sứ mạng mang ơn cứu độ, và sứ mạng đó tuyệt đối loại bỏ mọi hình thức gian manh và bạo tàn.

Quả thật, hành xử như Thiên Chúa không phải dễ dàng, vì cư xử như những gì Chúa Giêsu đã nêu gương đều nghịch với phản ứng tự nhiên của con người là muốn trả thù, là muốn dùng vũ lực. Vũ lực luôn luôn đi ngược lại với tinh thần yêu thương và hoà bình của Phúc Âm: Làm sao chúng ta có thể tha thứ và chúc lành cho kẻ bách hại mình? Người Kitô hữu được mời gọi sử dụng nghị lực và sức mạnh tinh thần để chiến đấu chống lại sự dữ, tật xấu nơi chính mình, chứ không sử dụng nghị lực, tài năng và trí tuệ để thực thi bạo lực.

Lạy Chúa, chúng con luôn cần ơn Chúa trợ giúp để thanh luyện và đổi mới tâm thức nơi chính mình, để từ đó chúng con có thể mặc lấy những tâm tình của Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức để sống đời phó thác và xin hãy dùng chúng con để thực hiện chương trình cứu rỗi của Chúa. Amen.

Tác giả: Phêrô Nguyễn Hữu Phúc

883    10-04-2022