Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Suy niệm: Học cách tận hưởng sự hiện diện của Thiên Chúa

studying-to-enjoy-gods-presence


PHÚC ÂM: Mt 14, 22-36

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa" và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ". Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến". Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con". Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!" Khi đã sang qua biển hồ, các ngài lên bộ và ghé vào Ghênêsarét. Nhận ra Ngài, dân địa phương liền loan tin đi khắp cả vùng xung quanh, và người ta đem đến cho Ngài hết mọi kẻ ốm đau. Họ nài xin Ngài cho họ rờ đến tua áo choàng của Ngài thôi, và ai đã rờ đến thì đều được chữa lành.

 

SUY NIỆM
HỌC CÁCH TẬN HƯỞNG SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA

“Giải tán họ xong, Ngài lên núi cầu nguyện một mình”.

Theo Mark Twain, “‘Nửa đầu’ cuộc đời bao gồm khả năng tận hưởng mà không có cơ hội; ‘nửa cuối’ cuộc đời bao gồm cơ hội mà không có khả năng tận hưởng!”. Nhưng theo một nhà tu đức, “Tốt nhất, dù là ‘nửa đầu’ hay ‘nửa cuối’, bạn hãy ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa!’”. 

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến việc ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa’; nói cách khác, học cách cầu nguyện, “dù là ‘nửa đầu’ hay ‘nửa cuối’ cuộc đời!”. Nhưng thật thú vị, bên cạnh đó, Lời Chúa còn nói đến cô đơn! Cô đơn và cầu nguyện thường đi liền nhau. Ai biết ở lại trong Thiên Chúa, phó mình cho Ngài, người ấy không bao giờ cô đơn, bởi luôn có Chúa đồng hành.

Tin Mừng tiết lộ, sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu một mình lên núi để cầu nguyện. Ngài sẵn sàng rời bỏ sự phấn khích, thán phục của dân chúng dành cho ‘người đãi bánh’ thần kỳ; Ngài tìm nơi cô tịch hầu có thể một mình tâm sự với Cha. Ở trong im lặng mà không có người khác, có thể nhanh chóng dẫn đến một sự cô đơn nhất định và nội tâmthì trống rỗng; và người ta có thể cảm thấy bị thôi thúc muốn tìm bất cứ một ai đó, bất cứ một thứ gì đó để gây mê cho bản thân khỏi cảm giác đau đớn khi phải ở một mình! Nếu đó là điều xảy ra cho bạn và tôi, thì chúng ta cần kiên trì cầu nguyện nhiều hơn; và biết rằng, nỗi đau từ sự im lặng này vẫn có thể ‘hoá lành’ khi bạn và tôi tập ở lại trong Chúa học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa’.

Tin Mừng cho biết, Chúa Giêsu đi cầu nguyện từ chiều đến suốt đêm; và rạng sáng, các môn đệ gặp sóng gió trên biển hồ. Ngài hiện đến trấn an họ, họ tưởng là ma; Ngài lên tiếng, “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”. Phêrô đáp,Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Đôi khi, nỗi sợ về việc phải im lặng khi cầu nguyện của chúng ta lại còn lớn hơn nỗi sợ của Phêrô khi thấy Thầy đi trên nước. Tại sao? Chúng ta đã quá quen với việc bầu bạn với người khác, gặp gỡ, trò chuyện, ăn uống… chúng ta không có ‘khả năng’ ở một mình, chúng ta sợ phải rời xa ‘những tiện nghi này dù chỉ trong thời gian rất ngắn để đi cầu nguyện. Vậy hãy tập từ bỏ những tiện nghi’ vốn có thể đã ‘thành nếp’; hay buồn hơn, phát xuất từ một lối sống ‘văn hoá nhàn rỗi!’. Hãy bắt đầu từ hôm nay, học lại cầu nguyện, học làm rỗng tâm hồn, để Chúa Kitô có thể đổ đầy vào đó tình yêu và sức mạnh của Ngài!

Tin Mừng còn cho biết, “Khi cả hai đã lên thuyền thì gió yên biển lặng”. Một khi cùng Chúa Giêsu “lên thuyền”, tức là một khi quyết tâm ôm lấy việc cầu nguyện im lặng, tập trung, thì nỗi sợ hãi của chúng ta cũng sẽ lặng yên như gió biển. Bài đọc Giêrêmia hôm nay cũng nói lên điều tương tự: Israel trở về với Chúa, và Ngài làm lại tất cả; Ngài tha thứ, trấn an; Ngài ở cùng, “Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi”. Thánh Vịnh đáp ca cũng nói lên niềm vui có Chúa hiện diện đó, “Chúa sẽ xây dựng lại Sion, sẽ xuất hiện quang vinh rực rỡ!”.

Anh Chị em,

“Giải tán họ xong, Ngài lên núi cầu nguyện một mình”. Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta, hãy biết tìm đến Chúa Cha sau một ngày sống. Và ngay những giây phút chăm chú trò chuyện với Cha trong tĩnh mịch của canh khuya, ánh mắt và con tim của Chúa Giêsu vẫn không rời các môn đệ. Thấu cảm nỗi khổ chống chọi với biển giả của họ, Ngài đến cứu giúp. Cũng thế, Chúa Giêsu không bao giờ ‘thôi nhìn’ chúng ta, Ngài hiện diện với chúng ta qua người thân, qua gia đình, bạn bè, qua những người nghèo và cả những người chúng ta không thích. Thế nên, ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa’ trong thinh lặng và ngay cả trong sự ồn ào phải là một điều gì đó thường xuyên nơi chúng ta. Thi thoảng, bạn và tôi cần trầm mình, ngỏ lời mời Chúa Giêsu bước lên ‘thuyền lòng’ mình, bình an và niềm vui sẽ ùa vào. Và như thế, chúng ta sẽ hưởng nếm hạnh phúc thiên đàng ngay tại chốn này; vì lẽ, ở đâu có Giêsu, ở đó có thiên đàng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con sẽ bước đi vững vàng trên con đường Chúa chỉ cho, dù là ‘đi trên nước’; con không lệch sang phải, không quẹo sang trái, vì con tin, có Chúa đồng hành bên con!”, Amen.

 


Tác giả: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

302    02-08-2022