Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Suy niệm: Tháng ngày ẩn cư

zechariahpriest4c40f779696c497186dc2470790ab87resize750


PHÚC ÂM: Lc 1, 67-79

Khi ấy, Dacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: "Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Đavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. "Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".  


SUY NIỆM

THÁNG NGÀY ẨN CƯ

 

“Này đây, ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra!”


Richard Wurmbrand, mục sư Rumani gốc Do Thái, sau 14 năm ở tù, đã chia sẻ trong cuốn “Mes Prisons Avec Dieu”, “Ở Tù Với Chúa”. Rằng, có lúc ông đã quá tuyệt vọng đến nỗi mất đức tin và muốn tự tử, vì dường như Thiên Chúa đã quên ông! Cho đến một ngày, qua khe hở trên trần nhà, ông chợt nhìn thấy một tổ chim, chim mẹ đang bón mồi cho chim con. Ông chợt tỉnh để nhận ra, những ‘tháng ngày ẩn cư’ của ông là những tháng ngày hồng phúc, Chúa không bao giờ bỏ ông!

Kính thưa Anh Chị em,

Như kinh nghiệm của Richard Wurmbrand, những ‘khoảng lặng’ trong cuộc sống của chúng ta cũng thật cần thiết để mỗi người có cơ hội ở gần Thiên Chúa hơn. Lời Chúa sáng 24/12 cho thấy những ‘tháng ngày ẩn cư’ trong chín tuần trăng của Zacharia đã đem đến cho ông cơ hội này.

Zacharia đã ở trong im lặng, một sự im lặng do Thiên Chúa áp đặt. Có lẽ, thoạt đầu, ông cảm thấy bực bội, khó chịu. Theo thời gian, thất vọng biến thành cam phận và chấp nhận miễn cưỡng; thế nhưng, nhờ kiên trì và gia tăng cầu nguyện, Zacharia đã bắt đầu yêu thích sự thử thách Thiên Chúa muốn ông trải qua, khi ông sẵn sàng ôm lấy nó. Cũng thế, đau khổ của chúng ta chỉ có thể có một ý nghĩa tích cực, một giá trị cứu chuộc, nếu nó được hiệp nhất với đau khổ của Chúa Kitô!

Chính lời cầu nguyện và sự im lặng đã đưa Zacharia đến với sự hiểu biết sâu sắc hơn về Thiên Chúa, điều này đã biến ông thành một chứng tá những mong muốn chia sẻ trải nghiệm này với những người khác. Vì thời gian chờ đợi của Elisabeth, vợ ông, dẫn đến việc bà sẽ sinh hạ một tiên tri, cho nên, thời kỳ ‘ủ bệnh’ của Zacharia cũng sẽ biến ông thành một tiên tri; ông sẽ tiên báo cứu rỗi cho dân tộc mình sắp đến gần. Im lặng là phương tiện để đạt được sự thân mật với Thiên Chúa khi chúng ta khám phá ra cách thức ở lại với Ngài trong sâu thẳm của trái tim mình!

Và cuối cùng, im lặng là để ngợi khen. Trong cơn hoạn nạn, vào một thời điểm nào đó, Zacharia hẳn đã nhớ lại lời thiên sứ, “Này đây, ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra!”. Và như thế, hy vọng xâm chiếm trái tim ông, vì sẽ đến ngày lưỡi ông được tháo cởi! Zacharia có chín tháng để chuẩn bị cho ‘bài phát biểu’ Benedictus bất hủ của mình. Tuyệt vời thay, lời đầu tiên ông thốt ra khi lưỡi được buông lỏng không phải là một lời nguyền rủa Thiên Chúa, Đấng khiến ông đau khổ, mà là một bài thánh ca ngợi khen lòng thương xót của Ngài; không chỉ với ông, gia đình ông, con trai ông, nhưng với cả nhân loại tội lỗi, “Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người”; “Từ dòng dõi trung thần Đavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta”. Lời ca ngợi đó ứng với những gì Thiên Chúa hứa ban cho Đavít qua miệng ngôn sứ Nathan trong bài đọc Samuel hôm nay, “Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta”. Tâm tình của Zacharia, một lần nữa, hoà quyện với tâm tình của Đavít qua Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng!”.

Anh Chị em,

Tối hôm nay, Mừng Chúa Giáng Sinh, chúng ta mừng giây phút Con Thiên Chúa sẵn lòng ôm lấy những ‘tháng ngày ẩn cư’ của Ngài. Vì vâng lời Cha và vì yêu thương nhân loại, Ngài đã xuống thế trở thành một người như chúng ta. Không chỉ ẩn cư, Ngài còn trở nên vô danh, thành người rốt hết, chấp nhận cái chết tủi nhục trên thập giá do những kẻ Ngài yêu thương; vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài. Bao thử thách đã xảy ra với Richard Wurmbrand, với Zacharia và ngay cả với Con Thiên Chúa trong những ‘tháng ngày ẩn cư’, “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con!”. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã vượt qua, những con người này đã vượt qua; niềm hy vọng nơi họ lớn hơn những thử thách. Điều tương tự cũng phải xảy ra với mỗi người chúng ta. Cứ trông chờ vào lòng trung thành của Thiên Chúa và khi thời gian đến, chúng ta cũng sẽ cất lên bài ca đẹp đẽ Benedictus.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng và niềm tin, để như Zacharia, con cũng vượt qua những ‘tháng ngày ẩn cư’ Chúa muốn, hầu có thể mở miệng ca khen mãi mãi thánh danh Ngài”, Amen.


Tác giả: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

460    24-12-2021