LÀM SAO HIỂU ĐƯỢC THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU?
(Lc 1, 5-25)
Trong cuộc sống kitô hữu, nhiều người đang gặp đau khổ. Họ chưa cảm nghiệm được Thiên Chúa yêu thương họ. Làm thế nào và khi nào, người kitô hữu mới có thể cảm nghiệm được rằng “Thiên Chúa là Tình yêu”?
Những câu mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay miêu tả hoàn cảnh không mong muốn của gia đình Giacaria: Hai ông bà đã cao niên nhưng lại không có con. Tuổi già hiếm muộn, niềm hy vọng có tiếng trẻ thơ nói cười trong gia đình ngày càng tắt dần. Điều làm người ta thắc mắc liên quan đến sự tốt lành, công chính của gia đình Giacaria: “Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì.” Thiên Chúa là tình thương mà sao một gia đình công chính lại mang lấy một nổi buồn cô quạnh của sự hiếm muộn gần như cả một đời người? Và rồi, hoàn cảnh khó khăn của gia đình này cũng được Thiên Chúa đoái thương nhìn đến. Chúa sai sứ thần đến báo tin vui: “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan.” Niềm vui chưa đến thì thử thách ập tới: “Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” Một thời gian sau, Isave mang thai, nhìn lại câu chuyện một đời người, Bà đã nhận ra tình thương Thiên Chúa dành cho vợ chồng bà. “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.” Sau khi Gioan chào đời, cảm nhận sâu xa tình yêu Thiên Chúa ở phạm vi mở rộng, dành cho gia đình ông và cả nhân loại, Dacaria cất lên lời kinh Bénédictus chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa. “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người…”.
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu này dễ dàng được cảm nghiệm trong những thời điểm may mắn, thành công của cuộc đời: mua một miếng đất, cất một cái nhà, lãnh một bằng cấp, …Trong đau khổ, khó khăn, không phải Thiên Chúa không yêu thương chúng ta mà Ngài đang muốn trao ban một món quà tình thương khác có giá trị hơn. Cả cuộc đời chỉ nhận những món quà tình thương mang tính chất tạm thời, vật chất có khi lại uổng phí cho cả một đời. Thói quen cảm thấy hài lòng về những thành công chóng qua dễ làm chúng ta bị tổn thương trước thử thách, đau khổ có giá trị thanh luyện đức tin. Trong thử thách, đừng vội chán nản buồn phiền, thậm chí trách Chúa. Như gia đình Giacaria, hãy dành cả một quãng đường dài, thậm chí cả cuộc đời để đọc tình thương Chúa trong một tổng thể. Chúng ta sẽ dễ nhận ra mỗi một biến cố trong đời là một mắc xích của sợi dây tình thương Thiên Chúa, buộc chặt giữa ta và Người. Như một cuộn phim chiếu lại một đời người, thiếu một thử thách, có thể hỏng một cuộc tình. Thiếu một đau khổ, có thể không cứu được một linh hồn. Cơ hội chứa đựng trong đau khổ là dấu chỉ của mầu nhiệm tình yêu. Trong đời sống kitô hữu, không phải ai cũng biết phương pháp để đọc sứ điệp tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu này không chỉ dành riêng cho bạn mà còn liên hệ đến nhiều người trong chương trình của Ngài vì đó là tình yêu cứu độ. Sau biến cố Gioan được sinh ra, Giacaria đã hiểu được tầm rộng của Tình yêu Thiên Chúa dành cho cả dân tộc mà gia đình Giacaria được mời gọi hy sinh để cộng tác. Với cái nhìn đức tin, trong đau khổ, hãy kiên trì sống công chính vì hiểu rằng đau khổ của bạn luôn có giá trị trong chương trình cứu độ. Chúa cần bạn đau khổ để Ngài cứu dân của Ngài.
Sống những ngày gần kề đại lễ Giáng sinh, xin cho mỗi người chúng con biết dành thời gian để đọc lại lịch sử đời mình, để cất lên lời cảm ơn Thiên Chúa vì qua những thăng trầm, chúng con nhận ra tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho bản thân, gia đình, họ đạo, Giáo hội và cả nhân loại mà trong đó có sự góp phần của riêng con, một sự hy sinh âm thầm qua những thử thách mà Ngài trao gởi. Amen.
Tác giả: Lm. Phaolô Phạm
403 19-12-2023