Trong Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu cho biết vai trò Gioan Tẩy Giả như một Ê-li-a với sứ vụ dọn đường cho Đấng Mê-si-a mà cựu ước đã tiên báo. Thế nhưng, những người Do Thái không chấp nhận Gioan Tẩy Giả. Ở đây, vấn đề gây thắc mắc là tại sao trong đoạn Tin Mừng này, các môn đệ đặt câu hỏi về Êlia và nguyên nhân vì sao mà những người Do Thái không đón nhận Gioan như một Ê-li-a dọn đường cho Đấng Cứu Thế?
Tại sao các môn đệ lại hỏi về Ê-li-a?
Chúng ta biết rằng đoạn Tin Mừng vừa nghe nằm trong bối cảnh các môn đệ vừa chứng kiến cảnh Chúa biến hình trên núi Tabor. Khi biến hình, dung mạo Chúa đầy vinh quang sáng láng, và có Môsê, Ê-li-a đến đàm đạo với Người. Vì mới vừa nhìn thấy Ê-li-a nên từ trên núi xuống, các môn đệ thắc mắc: tại sao Ê-li-a chỉ xuất hiện trong chốc lát rồi biến mất, trong khi các kinh sư lại nói ông sẽ đến trước Chúa Giêsu để dọn đường cho Ngài. Người Do Thái tin rằng xưa kia Ê-li-a được đưa lên trời, để rồi sẽ trở xuống trần thế lần nữa để dọn đường trước khi đấng Mê-si-a tới theo lời sách Malakhi 3, 23-24. “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ÐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt.”
Tại sao người Do Thái không đón nhận Gioan Tẩy Giả như một Ê-li-a dọn đường cho đấng cứu thế?
Người Do Thái từ từ tin rằng chẳng những Ê-li-a đến mà còn khôi phục mọi sự trước khi Đấng Cứu Thế đến. Ông sẽ chuẩn bị một thế giới sẵn sàng trước khi Đấng Mê-si-a ngự vào. Theo ý đó, Ê-li-a sẽ là một nhà cải cách vĩ đại, phi thường. Ông sẽ đi khắp nơi để tiêu diệt điều ác, sửa sang mọi sự lại cho ngay chính. Người ta chỉ nghĩ đến nhà tiền phong và đấng Mê-si-a theo nghĩa quyền lực. Vì cách sống và lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả không theo kiểu người tiền phong mà họ mong đợi nên họ không đón nhận Gioan và đối xử với ông theo cách họ muốn.
Đọc Kinh Thánh và hiểu biết đúng Kinh Thánh là hai chuyện khác nhau. Người Do Thái đọc Kinh Thánh nhưng không hiểu đúng sứ vụ của Gioan Tiền Hô và đặc biệt của Đấng Mê-si-a. Các môn đệ của Chúa Giê-su hiểu được sứ vụ này vì họ sống với Chúa Giê-su, gắn bó khăng khít với Người. Nhiều lần Chúa Giê-su đã dạy cho các môn đệ về sứ vụ của Đấng Mê-si-a với con đường khổ nạn. Dần dà, các môn đệ hiểu, tin, và chấp nhận Đấng Cứu Thế với con đường thập giá. Sau này, các môn đệ cũng đi con đường thập giá mà chính thầy mình đã đi để mang tin vui cứu độ cho khắp thế giới. Gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su trong đời sống thường ngày là phương cách hữu hiệu để nâng sự hiểu biết Kinh Thánh của chúng ta lên một tầm cao mới.
Sống mùa vọng, xin Chúa cho con biết khám phá ra ý nghĩa thật sự của Lời Chúa trong Kinh Thánh nhờ việc nổ lực sống gắn bó với Chúa Giê-su mỗi ngày trong đời sống con. Amen.
Tác giả: Lm. Phaolô Phạm
297 16-12-2023