Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Suy niệm: Từ cây lúa, hướng tâm tình về Thiên Chúa

                         bb1

Việt Nam là một nước nông nghiệp, do vậy việc sản suất lúa là chính, thế nên đối với nhiều người, hạt thóc hay cây lúa không xa lạ. Tuy vậy, không phải ai cũng quan tâm, hay hiểu biết nhiều về cây lúa: Vòng đời của nó diễn ra khoảng trên sáu tháng đối với lúa mùa và khoảng hơn ba tháng đối với lúa cao sản hay còn gọi là “lúa thần nông”. Có ba giai đoạn chính là: Thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng. Thời kỳ sinh trưởng sinh thực và thời kỳ trổ đòng kết trái. Thời kỳ này rất quan trọng vì nếu thời tiết thuận hoà, đủ nắng ấm thì năng suất sẽ đạt được cao, giai đoạn này bông lúa sẽ trổ vào buổi sáng từ khoảng 8g đến 10g giờ, tùy theo điều kiện thời tiết, nếu trời có nắng hạt lúa non sẽ phơi mầu sớm, ngược lại sẽ muộn hơn một chút, thời gian phơi mầu diễn ra khoảng 60 phút, phơi mầu là hiện tượng hai vỏ của hạt lúa non sẽ mở ra, nhuỵ bên trong thò ra bên ngoài để thụ phấn, sau đó nó khép lại. Những ngày kế tiếp chất dinh dưỡng đã tích luỹ được từ đất và nước, qua quá trình quang hợp sẽ tạo ra một chất bột mầu trắng, từ từ làm đầy dần hạt lúa, /gọi là ngậm sữa/ cho đến khi hạt được no tròn và chín vàng. Gạo xay xát từ hạt lúa; còn gọi là “ hạt ngọc trời”, nó trở thành lương thực chính nuôi sống hơn phân nửa dân số thế giới.

Trong suốt đời sống của cây lúa, thì ngoài việc cho ra những hạt lúa vàng như trình bày ở trên, nó còn góp phần vào việc tạo ra bầu không khí trong lành. Các nhà khoa học chỉ ra rằng; mọi loài thực vật, trong đó có cây lúa đều mang trong mình khả năng quang hợp, trong quá trình này diệp lục tố ở thân và lá cây lúa sẽ đón nhận ánh sáng từ mặt trời để hô hấp, rồi biến đổi thán khí Carbonic /Co2/ có trong không khí rồi thải ra dưỡng khí tức là Oxy /O2/ một loại khí rất cần cho sự sống của con người cũng như các loài động, thực vật khác. Nhưng nếu khi không có ánh sáng thì điều ngược lại sẽ xảy ra; lúc đó, thay vì hút thán khí và thải ra dưỡng khí thì cây cối, nói chung và cây lúa, nói riêng lại hút Oxy và thải ra khí Carbonic/ là một loại khí độc  hại/.Chính vì thế cho nên khi ngủ đêm trong rừng hoặc dưới tàn cây to, sau khi thức dậy người ta sẽ cảm thấy thân thể ê ẩm và mệt mỏi. Ngoài ra, cây lúa còn tiết ra một mùi hương thơm đặc trưng /nhất là các loại lúa nếp/ ngay cả sau khi thóc đã xay xát ra gạo, nấu thành cơm nó vẩn tỏa ra một mùi thơm dễ chịu.

 Sau khi lúa đã được thu hoạch thì phần rơm rạ còn lại vẫn được nông dân tận dụng vào việc làm chất đốt, thức ăn cho trâu bò… hoặc làm nguyên liệu để trồng nấm rơm. Trong dân gian có bài đồng dao như sau:

                                          Lạy trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống.

                                 Lấy ruộng tôi cầy.  Lấy đầy bát cơm. Lấy rơm đun bếp…

Người xưa đã nhân cách hoá cây lúa như “con người” qua câu chuyện được lưu truyền trong dân gian sau đây: “ Vợ chồng nhà kia có vay nợ của ông phú hộ nọ, một hôm ông này đến nhà để đòi, nhưng không thấy con nợ đâu, nên ông ta hỏi đứa bé giữ nhà rằng; bố mẹ đi đâu? Nó đáp: “Bố con thì đi giết người, còn má con thì đi cứu người”. Nghe vậy ông phú hộ ngạc nhiên, muốn biết ý nghĩa của câu nói trên nên đã đồng ý là sẽ xoá nợ cho bố mẹ nó nếu giải thích câu nói ấy cho ông ta nghe. Bấy giờ cậu bé đó đã trả lời như sau: “ Bố con đi nhổ mạ chả là đi giết người là gì? Còn mẹ con đi cấy lúa chả phải là đi cứu người đó sao?”  Về sau như lời đã hứa, ông nhà giầu kia đã phải xoá hết nợ cho bố mẹ của cậu bé”.

Thuở xưa, trong khi rao giảng Tin Mừng. Đức Giê-su thường hay dùng hạt lúa hoặc cây lúa để bày tỏ tấm lòng của Thiên Chúa cho dân chúng biết. Lần đầu Đức Giê-su dùng: “Dụ ngôn người gieo giống”/ x. Mt 13, 4-8/ Mc 4, 3-9// Lc 8, 3-8/. “Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên”/ Mc 4, 28-29/. Trong các dụ ngôn này, Đức Giê-su ngụ ý rằng: Thiên Chúa rất nhân từ và hào phóng nên đã gieo vào thế gian hạt giống Lời Ngài, điều quan trọng còn lại là con người có biết trân quý đón nhận Lời mang lại sự sống đời đời của Ngài hay không? Thứ đến, Đức Giê-su đã đồng hoá hạt lúa với chính bản thân mình, để nói lên sứ mạng cao cả của Ngài /và của những ai chấp nhận bước đi theo Ngài/: “ Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác. /Ga 12, 24/.Trong “Dụ ngôn cây lúa và cỏ lùng” /x. Mt 13, 24- 30/ thì Thiên Chúa bày tỏ một tấm lòng khoan dung độ lượng của Ngài đối với những kẻ tội lỗi, luôn muốn cho họ có thời gian, có cơ hội để quay trở về cùng Ngài. Trong dụ ngôn này: Cỏ lùng là tượng trưng cho kẻ gian ác, còn cây lúa chính là hiện thân của những người sống chính trực, công minh. Sau nữa, khi nhìn thấy đám đông lầm than vất vưởng không người chăn dắt, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương xót, nên nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” /Mt 9, 37-38// Lc 10, 2/ Như vậy; lúa chín ở đây; chính là dân chúng, cụ thể là những người thành tâm thiện chí đang khát khao đến với sự thật, tìm về chân lý.

Thuở xa xưa, khi người ta muốn loại trừ tạp chất và những hạt gạo bị gẫy hay bị sứt mẻ để giữ lại toàn hạt gạo nguyên vẹn thì họ phải dùng đến một dụng cụ; gọi là cái sàng để làm việc này. Mượn hình ảnh đó Đức Giê-su  nói cho các môn đệ ngày xưa, cũng như cho chúng ta ngày hôm nay biết; Đức tin của những kẻ tin vào Ngài cần phải được thanh luyện, thử thách để đức tin ấy ngày càng thêm vững vàng và tinh tuyền: “ Simon, Simon ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” /Mt 22, 31/ /x Am 9,9/

Tóm lại, có thể nói: Cả cuộc đời của một cây lúa nó chỉ biết cho đi, là cống hiến cho đời và cho người. Chúng ta là những người Ky-tô hữu, phải luôn biết đón nhận Ánh Sáng chiếu toả ra từ Mặt Trời Công Chính: Đó là Ánh Sáng của Đức Giê-su / Ga 8, 12/. Để từ Ánh Sáng của Ngài, chúng ta nhận được ân sủng và sức mạnh để rồi chúng ta mới có thể mang đến cho mọi người những điều thiện ích, tốt đẹp, niềm vui và sự bình an.

Bằng đời sống cùng nhau cố gắng thực thi các giới răn của Chúa và của Hội Thánh, kết hợp với lời cầu nguyện, chúng ta sẽ trở nên những người đem Tin Mừng, toả hương thơm đến với tha nhân, như lời bài thánh ca mang tựa đề; “Đẹp Thay” /của linh mục Mi Trầm/. Và thành quả của việc cùng nhau hiệp hành đó, cũng sẽ trở nên của lễ để dâng lên Thiên Chúa những bông lúa chín vàng; tượng trưng cho các hối nhân, những người đã nhận biết và trở về cùng Ngài. Đó chính là niềm vui thánh thiện và cũng là hạnh phúc của mỗi chúng ta:

                   /Đẹp thay/ Ôi đẹp thay, những bước chân gieo mầm cứu rỗi.

                   /Đẹp thay/ Ôi đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đường…

                 / Ai gieo trong lệ sầu/ sẽ gặt trong vui sướng. /Ai đi trong nước mắt/ sẽ về giữa tiếng cười. Ôi đẹp thay những bước chân tiến vào giữa lòng thế giới. Loan tình thương, tình thương Chúa trời. Loan niềm vui, niềm vui cứu đời, cho mọi người và mọi nơi.

          Ôi. Đồng lúa mênh mông phơi mình dưới nắng hồng, lúa đã trổ bông dâng ngàn sức sống. Người đi trong nước mắt và người về trong câu ca, tay ôm bó lúa lòng mừng bao la…

 Tác giả: Đaminh. Trần Văn Chính.                                           

486    15-09-2023