Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Suy niệm về việc Chúa chịu đội mão gai

suyniemveviecchuachiudoimaogai
 Martin van Heemskerck, “Chúa Kitô đội mão gai,” c. 1550,
Bảo tàng Frans Hals, Haarlem, Hà Lan (ảnh: Public Domain)


SUY NIỆM VỀ VIỆC CHÚA CHỊU ĐỘI MÃO GAI
Kinh Mân côi: Ngắm thứ ba Mùa Thương

Theo Tin mừng Mt 27:27-31; Mc 15:16-20; Ga 19:2-6

Đánh đòn là một hình phạt được Rôma công nhận. Đội vương miện bằng gai là một trò chơi tàn bạo.

Động cơ thực sự của Tòa Công luận Do thái khi cố giết Chúa Giêsu là việc Ngài tuyên bố mình có thần tính, điều mà họ cho là phạm thượng. Họ cũng coi Chúa Giêsu là mối đe dọa đối với sự thống trị tôn giáo của họ và sự ổn định của mối quan hệ “Đền thờ / nhà nước” ở Israel bị chiếm đóng. Nhưng Philatô sẽ không quan tâm đến các cuộc tranh luận tôn giáo nội bộ của người Do Thái. Ông ta đã có thành tích về việc chọc thẳng vào mắt giới lãnh đạo Do Thái. Giới lãnh đạo Do Thái cần một cáo buộc khiến Philatô quan tâm. Cáo buộc Chúa Giêsu thách thức sự cai trị của La Mã sẽ khiến Philatô quan tâm.

Vào thời Chúa Giêsu, Giuđê đã nằm dưới sự cai trị của Rôma gần 100 năm rồi nhưng người dân vẫn thường xuyên tức giận về điều đó. Giuđê nổi tiếng là một tỉnh nổi loạn. Chủ trương độc thần của Giuđê làm phức tạp thêm bối cảnh: các dân tộc bị chinh phục khác có thể chấp nhận các vị thần của Rôma bên cạnh các vị thần của họ, vì dù sao thì những vị thần đó thường trùng lặp về “chức năng”, ví dụ: “thần biển”. Giuđê cũng có thể bị áp đặt như vậy nhưng họ không chấp nhận. Vào thời Chúa Giêsu, đã có những phong trào cách mạng và thậm chí có cả một nhóm được gọi là Sicarii, được đặt tên theo những con dao găm ngắn mà họ mang theo bên mình để thanh toán những người Rôma bị họ vây lại và bắt giữ trong một đám đông.

Philatô sẽ quan tâm đến bất cứ vấn đề nào về sự cai trị của La Mã.

Ông ta đã ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu, một hình phạt có thể biến sự cuồng nhiệt của đám đông chống lại Chúa Giêsu thành sự cảm thông. Dù sao đi nữa, việc ngăn cản Chúa Giêsu, hoặc bất cứ ai khác, có những ý tưởng chống lại sự cai trị của Rôma cũng không có hại gì. Còn việc đội mạo gai hoàn toàn là phát minh của bọn lính, nhằm hạ nhục Chúa Giêsu.  

Phục vụ trong đơn vị đồn trú của Rôma ở Giêrusalem không phải là một công việc nhẹ nhàng. Đó là một nhiệm vụ nguy hiểm ở một đất nước giống như một ao tù nước đọng hôi hám và nổi loạn, có những người dân địa phương thù địch, gồm những người cuồng tín tôn giáo, những người không coi sự cai trị của Rôma là chính đáng và không chấp nhận nó. Và ở đây, lúc này, Chúa Giêsu là một người Do Thái mà họ nói rằng: tay này nghĩ mình là “vua” của những tên hèn hạ này.

Đúng vậy, một vị vua cần phải có một chiếc vương miện!

Sử dụng những cây gai ở địa phương, bọn lính đã tạo ra một chiếc “vương miện” giống như chiếc vòng nguyệt quế. Khi chế tác chiếc vòng nguyệt quế sao cho có vẻ nghệ thuật, bọn lính thường thực hiện bằng cách sử dụng kìm hoặc một số loại công cụ khác, bởi vì những cây gai cứng sẽ gây thương tích cho những người làm ra chiếc mạo gai đó. Sau khi thi hành lệnh đánh đòn nhân vật thảm hại này, bọn lính nghĩ ra trò: hắn xứng đáng được đội “vương miện” đăng quang đàng hoàng!

Các đại đội trưởng Rôma mặc áo choàng màu đỏ. Một chiếc áo choàng màu đỏ cũ bạc màu sẽ có màu tím hoàng gia. Một cây sậy sẽ đóng vai trò thay thế một vương trượng. “Bây giờ tất cả những gì chúng ta cần làm là đâm thẳng chiếc vương miện đầy gai này vào hộp sọ của hắn. Vạn tuế Đức Vua dân Do thái!”

Trò chơi tàn bạo của bọn lính cho phép chúng trút bỏ nỗi thất vọng về việc bị phân công đến đây trong khi chế nhạo những kỳ vọng được cho là của tù nhân này. Và hãy nhớ rằng, trán của Chúa Giêsu vốn đã trở nên rất nhạy cảm, không chỉ vì cuộc bắt bớ đêm vừa qua mà còn vì đổ mồ hôi máu.

Mátthêu và Máccô đều nói đến việc đội vương miện bằng gai. Luca thì không. Gioan cũng nói đến việc đội vương miện bằng gai, nhưng bổ sung thêm một yếu tố quan trọng thích hợp cho việc suy niệm của chúng ta.

Sau khi được mặc lại áo của mình, thì Chúa Giêsu, vốn trước đó đã bị đòn roi, bị đánh đập, đổ máu và đội mão gai, được đưa trở lại Philatô nơi công đường. Chắc hẳn Ngài đã trở thành một kẻ nửa sống nửa chết rồi. Philatô có ngạc nhiên về mức độ binh lính của ông “trừng phạt” Ngài không? Dù sao đi nữa, Philatô thực hiện động thái cuối cùng để cứu Ngài. “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy” (Ga 19:4).

Philatô có thể đã nghĩ rằng khi nhìn thấy thân hình dập nát của người này thì đám đông sẽ nghĩ lại. Ông gọi Chúa Giêsu ra, nhưng cách nói của ông về Chúa Kitô lại là: “Đây là người!” (Ga 19:5).

Philatô nói ra một sự thật mà có thể chính ông cũng không nhận ra. Ecce homo! Đây là người! Vâng, đây chính là người. Đây là kiều người mà Thiên Chúa đã định cho con người trở thành. Đây là con người, như Công Đồng Vaticanô II và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngừng dạy chúng ta, “mặc khải con người một cách trọn vẹn”. Đây là con người đúng như Thiên Chúa đã tạo dựng ra.

Nhưng đây cũng là con người bị biến dạng, bị thương tích và bị mất danh giá vì tội lỗi. Đây là điều mà tội lỗi gây ra cho con người ấy, dù con người này vô tội!

Mọi hy vọng của Philatô về số phận của Chúa Giêsu đều nhanh chóng tiêu tan. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu chỉ khiến các thượng tế và đám đông theo họ nổi giận bừng bừng hơn. “Đóng đinh nó vào thập giá!”

Trong ba câu chuyện Tin Mừng đề cập đến việc đội mão gai, kể từ lúc này Philatô từ bỏ mọi nỗ lực để trì hoãn việc xử tử Chúa Giêsu. Ông ta nhượng bộ đám đông và đưa Chúa Giêsu lên thập tự giá.

Giống như trường hợp đánh đòn, thần học cũng thấy ý nghĩa sâu xa hơn của việc đội mão gai của Chúa Giêsu. Nếu việc đánh đòn phản ảnh sự trừng phạt vì tội lỗi xác thịt, thì việc đội mão gai ám chỉ tội lỗi về tư tưởng và tâm trí. Nếu tội lỗi bắt đầu trong tâm trí, bên trong con người, trước khi nó bộc lộ ra bên ngoài, thì cuộc tra tấn giáng trên đầu thánh thiện của Chúa Giêsu có thể được hiểu là nhằm chỉ ra điều đó. Chúng ta có thể phạm tội trong suy nghĩ. Chúng ta mắc tội khi quyết phạm tội. Chúng ta vẫn là những tên trộm, ngay cả khi chiếc xe dùng để chuẩn bị trốn chạy bị hỏng hóc đang khi trên đường đến ngân hàng hoặc hôm đó là ngày lễ nghỉ toàn quốc và ngân hàng đóng cửa.

(Có một nhà thần bí đã tuyên bố rằng cái chết của Chúa Giêsu là không thể thay đổi được, bắt đầu bằng việc đội mão gai: một trong những chiếc gai đâm vào hộp sọ của Ngài, xuyên qua vùng não, gây tử vong.)

Vậy thì tôi quan tâm thế nào đến tư tưởng của mình? Tâm trí tôi trong sạch đến mức nào? Tôi đã phạm bao nhiêu tội “trong tư tưởng?” Tôi phải chịu trách nhiệm về bao nhiêu cái gai vốn là các tội tư tưởng đó?

Nói về mầu nhiệm thứ ba Mùa Thương được miêu tả trong nghệ thuật bởi họa sĩ người Hà Lan, Maarten van Heemskerck. Bức tranh “Chúa chịu đội mão gai” có niên đại vào khoảng năm 1550 và được lưu giữ tại một bảo tàng Hà Lan.

Tôi chọn bức tranh này vì nó thể hiện sự bại hoại hoàn toàn của hành động này. Không như Chúa Giêsu, vốn tỏ ra một sự điềm tĩnh nhất định, ba thủ phạm của hành động này thể hiện sự điên cuồng gần giống như những con vật, theo dáng vẻ bên ngoài và việc họ đang làm. Hai người ở hai bên Chúa Giêsu sử dụng nhiều công cụ khác nhau để đặt mão gai này lên đầu Chúa Giêsu ngay cả khi họ tự gây thương tích cho mình để thực hiện một hành động mà không ai yêu cầu họ, ngoại trừ những xúi dục từ địa ngục. Thủ phạm thứ ba, đối mặt với Chúa Giêsu, lè lưỡi chế nhạo Ngài. Nhân vật có râu nhìn thẳng vào mắt chúng ta, đưa chúng ta vào trong bức tranh, có lẽ là một chức sắc Do Thái. Ngón tay trỏ của ông ta như bắt chước câu nói của Philatô: Ecce homo! Không giống như những kẻ tra tấn, trang phục của ông ta dường như pha trộn cả trang phục của thế giới xưa kia và trang phục Hà Lan thời Heemskerck.

Chúa Giêsu xuất hiện trong tư thế “Con Người đau khổ” theo truyền thống, rất điển hình trong cảnh này, thân hình Ngài trắng nhợt. Vấn đề duy nhất mà tôi gặp phải với bức tranh này là tôi muốn thấy Chúa Kitô bị hành hạ nhiều hơn, trên thân thể của Ngài phải có nhiều vết roi hơn, vì theo trình tự các sự kiện trong Kinh thánh thì việc Chúa Giêsu chịu đội mạo gai diễn ra sau khi Ngài bị đánh đòn.

Thế nhưng, chúng ta hành hạ Chúa Kitô như vậy chưa đủ sao?


Tác giả: John Grondelski - Nguồn: National Catholic Register (28/02/2024)
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung - Nguồn: Hội đồng Giám mục Việt Nam (03/3/2024)

111    04-03-2024