Unknown artist, Public domain, via Wikimedia Commons. |
Tất cả chúng ta đều biết thuật ngữ này. “John là một người Công giáo thực hành.” “Susan thực hành đức tin.” Nhưng chúng ta có ý gì khi nói “thực hành”? Và nó dạy chúng ta điều gì về đức tin của mình?
“Thực hành” là một hành động có hai ý nghĩa. Đầu tiên là để “thể hiện” hay “thực hiện” theo thói quen, chẳng hạn như bác sĩ hành nghề y hay người rộng lượng làm việc từ thiện. Thứ hai là “huấn luyện” hoặc “chuẩn bị”, chẳng hạn như các vận động viên luyện tập cho một trận đấu hoặc các nhạc công luyện tập cho một buổi hòa nhạc.
Thông thường, chúng ta sử dụng “thực hành đức tin” theo nghĩa đầu tiên. Chúng ta thực hiện những nét chính yếu của đạo Công giáo: tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, tuân giữ các Điều răn, làm việc bác ái, xưng tội, ăn chay và quyên góp tiền ủng hộ Giáo Hội. Những “thực hành” này minh họa bản chất liên tục của đời sống Công giáo: chúng ta không bao giờ được nghỉ ngơi, ngay cả khi ngồi suy niệm hàng giờ đồng hồ trong thinh lặng. “Là người Công giáo” không chỉ đơn thuần là một trạng thái hiện hữu; nó đòi hỏi hành động - nó đòi hỏi sự thực hành.
Việc nhận thức về đạo Công giáo như một hành động, bên cạnh một tập hợp niềm tin, nhắc nhở chúng ta rằng tôn giáo này không chỉ là thứ bất chợt đến với chúng ta. Nó là điều gì đó ở nơi chúng ta, để chúng ta trở thành một phần của chính mình khi thực hiện các hành động cần thiết. Thực hành là từ đồng nghĩa với thói quen. Đối với người Công giáo, “thói quen” gợi nhớ đến “nhân đức”, đó là một thói quen tốt. Chúng ta phát triển các nhân đức như khôn ngoan hoặc can đảm bằng cách thực hiện các hành động cách khôn ngoan hoặc can đảm đến mức chúng ta biến chúng thành những gì của chính mình.
Thực hành đạo Công giáo là thực hành nhân đức, như Thánh Tôma Aquinô giải thích, vì “việc bày tỏ lòng tôn kính xứng đáng đối với một Đấng nào đó, tức là đối với Thiên Chúa, là điều hiển nhiên cho thấy tôn giáo là một nhân đức”.
Mục đích của việc “thực hành đức tin là gì?” Bác sĩ hành nghề y để chữa bệnh; một người rộng lượng thực hành từ thiện để giúp đỡ người nghèo. Như vậy, việc thực hiện những hành động này tự chúng không phải là mục đích mà là phương tiện để đạt đến mục đích.
Mục đích của việc thực hành đức tin là kết hợp với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, Đấng đã ban sự sống cho chúng ta, và là Đấng mong muốn chúng ta kết hợp sâu sắc hơn với Người mỗi ngày. Sự kết hợp với Thiên Chúa không khởi đi cái chết - cái chết là sự hoàn hảo của sự kết hợp này. Đúng hơn, sự kết hợp này bắt đầu từ lúc chúng ta chịu Bí tích Rửa tội và phát triển trong suốt cuộc đời chúng ta, hiếm khi nó tiến tới như một đường thẳng nhưng dễ thấy là nó khởi đầu tương ứng với sự đáp trả của chúng ta đối với ân sủng của Thiên Chúa và việc chúng ta chiều theo tội lỗi.
Sự kết hợp với Thiên Chúa là Sự Sống vĩnh cửu, như Đức Hồng y Joseph Ratzinger (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI) cho thấy, “không chỉ đơn giản là những gì diễn ra sau đó”. Đúng hơn, đó là “một phẩm chất mới của sự hiện hữu, trong đó mọi thứ đều chảy vào ‘hiện tại’ của tình yêu.”
Để giúp chúng ta đạt được sự hiện hữu mới này, việc thực hành đức tin của chúng ta có hai loại. Một là chuẩn bị cho chúng ta kết hợp với Thiên Chúa. Trong đó, hai ý nghĩa của việc thực hành - thể hiện và huấn luyện cho một cuộc thi - đan xen vào nhau. Việc chúng ta thực hành ăn chay và bố thí trong Mùa Chay, cũng như tuân giữ các Điều răn và thực hiện các việc bác ái, rèn luyện ý chí và trau dồi tâm hồn để chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa sâu đậm hơn.
Theo cách nói thông thường, những thực hành này khiến chúng ta trở thành “những con người tốt hơn” bằng cách giúp chúng ta chết đi chính mình để có thể được đong đầy bởi ân sủng của Thiên Chúa hơn là giữ lại cái tôi của chính mình.
Loại thực hành thứ hai tạo ra sự kết hợp với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Mỗi khi chúng ta làm Dấu Thánh giá, mỗi khi chúng ta cầu nguyện, mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ hoặc lãnh nhận ơn tha tội, là chúng ta trở nên thân thiết với Người. Và tất nhiên, mỗi khi chúng ta rước Chúa trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta bước vào sự kết hợp sâu sắc nhất có thể được với Thiên Chúa ở cõi đời đời. Theo lời của Đức Hồng y Joseph Ratzinger, “Sự sống vĩnh cửu hiện diện ở đó, giữa trung tâm thời gian, bất cứ khi nào chúng ta giáp mặt với Thiên Chúa.”
Mặc dù sự kết hợp này với Thiên Chúa thì rất vẻ vang, nhưng chúng ta lại bị ngăn cách với Người bởi bức màn vĩnh cửu, việc thực hành đức tin của chúng ta có thể cũng giống như việc luyện tập cho những cuộc thi tài khác. Thực hành vốn khó khăn. Nó có thể tẻ nhạt. Nó có thể nhàm chán. Có những ngày, thậm chí nhiều ngày, chúng ta chẳng muốn bận tâm đến.
Giống như các vận động viên và nhạc công cần đến sự động viên của huấn luyện viên và nhạc trưởng để họ có thể tập trung lại vào mục tiêu của mình, thì người Công giáo chúng ta cũng có những huấn luyện viên - các mục tử, bạn bè, gia đình của chúng ta, và trên hết là các thánh - để thúc giục chúng ta thoát khỏi nỗi sầu khổ thiêng liêng của mình và quay trở lại con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa.
Việc nhận thức về thực hành đức tin theo cách này - như một nhân đức, như việc thực hiện những hành động dẫn đến sự kết hợp với Thiên Chúa - có thể đổi mới chúng ta trong việc “trở nên người Công giáo” hàng ngày của mình. Nó cũng có thể giúp người Mỹ lấy lại cái nhìn thiện cảm hơn về tôn giáo. Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy những người “Nones”, những người không theo tôn giáo nào, hiện chiếm 28% dân số nước Mỹ, lớn hơn bất kỳ nhóm tôn giáo nào khác. 43% người “Nones” tin rằng “tôn giáo” gây hại nhiều hơn là có lợi cho xã hội; họ đổ lỗi cho tôn giáo vì đã dung dưỡng cho sự không khoan dung, mê tín và chia rẽ.
Chắc chắn, khi nói đến Công giáo, chúng ta không hề hối tiếc về những chân lý mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Giáo Hội của Người. Những gì chúng ta có thể làm là chỉ cho những người hoài nghi về tôn giáo thấy được những chân lý đó hướng cuộc sống của chúng ta vào những thực hành cụ thể có lợi như thế nào cho mọi khối óc, trái tim và tâm hồn, và nói rộng ra là cho cả xã hội. Bởi lẽ, câu châm ngôn nổi tiếng của thế giới trần tục cũng đúng đối với thế giới siêu nhiên: thực tạo nên sự hoàn hảo.
Tác giả: David G. Bonagura Jr. - Nguồn: Catholic Education Resource Center
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên