Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Tại sao Đức Gioan Phaolô I lại từ chối một buổi lễ đăng quang giáo hoàng?

pope12
 Anefo / Nationaal Archief / Wikimedia Commons / CC0 1.0


Đức Gioan Phaolô I là vị giáo hoàng đầu tiên từ chối một buổi lễ đăng quang giáo hoàng, thay vào đó ngài đã tạo ra một buổi lễ “nhậm chức”.

Kể từ thế kỷ thứ IX, Đức Giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo Rôma đã được đội vương miện trong một buổi lễ đăng quang đặc biệt. Theo tài liệu từ Vatican, “Vương miện ba tầng (Papal Tiara) được hình thành bởi ba chiếc vương miện tượng trưng cho quyền lực về ba phương diện của Đức Giáo hoàng: cha của các vua, thống lĩnh của thế giới và Đại diện của Chúa Kitô.”

Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhận vương miện trong một buổi lễ đăng quang đặc biệt, nhưng là vị giáo hoàng cuối cùng đội chiếc vương miện này.

Vào ngày 13 tháng 11 năm 1964, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã trao tặng chiếc vương miện ba tầng bằng vàng và bạc được đính ngọc của mình cho người nghèo trong một buổi lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Người ta nói rằng ngài đã được truyền cảm hứng sau khi nghe biết về người nghèo trên khắp thế giới trong Công đồng Vaticanô II.

Khi Đức Gioan Phaolô I được bầu làm giáo hoàng, ngài cũng sẽ được trao vương miện, vì không có nghi lễ nào khác. Tuy nhiên, ngài đã yêu cầu vị chủ lễ của mình triển khai một “Thánh lễ nhậm chức” mà không bao gồm một buổi lễ đăng quang.

Hành động này phù hợp với khẩu hiệu chính thức của Đức Gioan Phaolô I là Khiêm nhường.

Ngài giải thích trong bài giảng thứ hai và cũng là bài giảng cuối cùng của mình, tại Thánh lễ Đón nhận Sứ vụ Giám mục Rôma, rằng ngài muốn cai quản Giáo Hội theo gương của Thánh Grêgôriô Cả.

Tại Rôma, tôi sẽ đặt mình theo đường hướng của Thánh Grêgôriô Cả, người đã từng viết rằng: “(Vị mục tử), với lòng trắc ẩn, nên gần gũi với từng người dưới quyền của mình; với việc quên đi cấp bậc của mình, nên xem mình ngang hàng với những con người lành thánh, nhưng không nên sợ hãi khi thi hành quyền bính đối với cái ác. Hãy nhớ rằng: mặc dù mọi người được nâng lên thiên đàng vì mình đã làm điều tốt, nhưng không ai dám phủ nhận về những điều xấu mà mình đã làm; khi người đó vượt thắng được những điều xấu, thì với lòng khiêm nhường, người đó sẽ không ngừng nhìn nhận mình ngang hàng với người anh em mà mình đã sửa trị; và người đó càng xem mình là một kẻ mắc nợ trước mặt Thiên Chúa, chừng nào hành động của người đó vẫn chưa bị trừng phạt trước mặt con người.

Các vị giáo hoàng tiếp theo luôn có lựa chọn để khôi phục việc sử dụng vương miện, nhưng không vị nào làm như vậy nữa vì các ngài không còn muốn được xem là người cai quản trần thế, mà chỉ là một mục tử khiêm nhường.

 

Tác giả: Philip Kosloski – Nguồn: Aleteia (04/9/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

802    05-09-2022