Pascal Deloche / Godong |
Con số bốn có một ý nghĩa đặc biệt liên quan đến việc thế giới chuẩn bị cho sự ra đời của Chúa Giêsu vào Lễ Giáng Sinh.
Mùa Vọng là một mùa duy nhất trong lịch phụng vụ, không phụ thuộc vào một số ngày nhất định trước Lễ Giáng Sinh, nhưng chỉ phụ thuộc vào số ngày Chúa nhật. Cụ thể hơn, Mùa Vọng được tính bằng bốn Chúa Nhật trước Lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12.
Tính biểu tượng đằng sau bốn ngày Chúa nhật là gì?
Mùa Vọng trong Giáo Hội Công Giáo đã có một lịch sử lâu dài và đa dạng. Mùa Vọng sớm nhất là một mùa chuẩn bị mang tính phụng vụ với một thời kỳ chay tịnh được đánh dấu bằng 40 ngày trước khi cử hành Lễ Giáng Sinh.
Tuy nhiên, không lâu sau đó Mùa Vọng đã được giảm bớt ở phương Tây và lúc đầu bao gồm năm ngày Chúa nhật để chuẩn bị. Quy định này chỉ kéo dài trong vài thế kỷ trước khi được thay thế bằng bốn ngày Chúa nhật của Mùa Vọng. Người ta tin rằng Đức Giáo hoàng Grêgôriô VII đã ấn định việc cử hành Mùa Vọng thành bốn Chúa Nhật vào thế kỷ 11.
Một sử gia về phụng vụ thế kỷ 19, Viện phụ Dom Prosper Guéranger, đã ghi nhận trong cuốn Năm Phụng vụ của mình về tính biểu tượng của việc tính toán này.
Trước hết, có một số ngày nhất định của Mùa Vọng. Bốn mươi là con số ban đầu được Giáo Hội chấp nhận và con số này vẫn được duy trì trong nghi lễ phụng vụ của Thánh Ambrôsiô và ở Giáo hội Đông phương. Nếu sau đó, Giáo Hội Rôma và những Giáo hội theo phụng vụ riêng có thay đổi số ngày, thì ý tưởng tương tự vẫn được thể hiện trong bốn tuần, điều đã được thay thế cho bốn mươi ngày.
Theo cách đó, bốn ngày Chúa nhật sẽ nhắc nhở chúng ta về 40 ngày Chúa Giêsu ở trong hoang địa, đó là một con số mang tính biểu tượng có lịch sử lâu đời trong Kinh Thánh. Con số này gần như luôn luôn gắn liền với sự chuẩn bị.
Hơn nữa, Viện phụ Guéranger cũng nối kết bốn ngày Chúa nhật với một truyền thống Công giáo đằng sau công cuộc tạo dựng thế giới.
Sự ra đời mới của Đấng Cứu Chuộc chúng ta diễn ra sau bốn tuần vì sự kiện Chúa giáng sinh đầu tiên xảy ra sau bốn nghìn năm theo niên đại của người Do Thái và của quyển Kinh Thánh bản phổ thông (Vulgata).
Điều này có liên hệ đến một truyền thống cho rằng công cuộc tạo dựng thế giới xảy ra 4.000 năm trước khi Chúa Giêsu giáng sinh.
Thánh Bêđa Khả kính vào thế kỷ thứ 8 đã tuyên bố trong cuốn Sự Tính toán về Thời gian (Reckoning of Time) của mình rằng công cuộc tạo dựng thế giới diễn ra vào 3.952 năm trước khi Chúa Giêsu ra đời. Sử gia Faith Wallis giải thích trong một bài bình luận được xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Liverpool về việc Người đã đến như thế nào vào ngày đó.
Trong cuốn Bàn về Thời gian (On Times), Thánh Bêđa Khả kính đã thay thế niên đại của sử gia Eusêbiô và của Kinh Thánh bản LXX về hai thời đại đầu tiên của thế giới bằng một niên đại mới dựa trên bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Do Thái của Thánh Giêrônimô… Kết quả là sự ra đời của Chúa Kitô, điều mà Thánh Isiđôrô, người kế thừa của sử gia Eusêbiô, đã xác định là năm AM* 5197, lại được Thánh Bêđa xác định lại là năm AM 3952.
Trong khi các nhà khoa học vẫn còn đang tranh luận về tuổi đời chính xác đằng sau công cuộc tạo thành thế giới, thì tính biểu tượng chính yếu của con số bốn vẫn còn nguyên ý nghĩa. Con số bốn trong Kinh Thánh thường có liên quan đến sự sáng tạo của Thiên Chúa. Ví dụ, như một học giả Kinh Thánh ở thế kỷ 19 đã đề cập đến con số này trong quyển sách của mình, với tên gọi Con số trong Kinh Thánh (Number in Scripture): “Ngày thứ tư chứng kiến sự hoàn tất của công cuộc tạo dựng vật chất, vì vào ngày thứ năm và thứ sáu, chỉ còn là việc trang hoàng và đưa con người vào sống trên trái đất cùng với mọi loài sinh vật sống động.”
Con số bốn cũng được nối kết với sự sáng tạo khi nói về bốn góc của thế giới, bốn hướng chính và bốn yếu tố đất, lửa, không khí và nước.
Mùa Vọng là một mùa tươi đẹp và ngay cả số ngày Chúa nhật của mùa này cũng nói lên việc trái đất đang háo hức chờ đợi sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế.
-----------------
(*) AM là viết tắt của Anno Mundi có nghĩa là “vào năm của thế giới”, đây là một niên lịch được xây dựng dựa trên những tường thuật trong Kinh Thánh về công cuộc sáng tạo thế giới và những mốc lịch sử đi liền sau đó.
Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: aleteia.org (10/12/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên