Ảnh minh họa từ Shutterstock |
Từ góc nhìn của một người quan sát bình thường, dường như không có điều gì cho thấy Thánh lễ là một hy tế.
Thông thường, bất cứ khi nào chúng ta nghe đến từ “hy tế”, chúng ta có khuynh hướng nghĩ đến việc một tư tế thời xưa sát tế một con vật trên bàn thờ. Điều này bao gồm một nghi lễ trong đó vị tư tế giết con vật với hy vọng rằng nó sẽ làm vui thỏa đức công minh của Thiên Chúa.
Khi nói đến Thánh lễ, dường như không có máu và cũng không có tế vật hay con người nào trên bàn thờ được hiến tế một cách trực tiếp.
Tuy nhiên, Sách Lễ Rôma sử dụng từ “hy tế” hơn 300 lần và một trong những tên gọi chính thức của Thánh lễ là “Hy tế Thánh lễ”.
Tại sao lại như thế?
Thánh lễ là một hy tế
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giải thích việc sử dụng từ ngữ này trong phần về Bí tích Thánh Thể:
Vì là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô nên Bí tích Thánh Thể cũng là một hy tế. Tính chất hy tế của Bí tích Thánh Thể được thể hiện trong chính những lời thiết lập bí tích này: “Đây là Mình Thầy được trao ban vì các con” và “Chén này đổ ra vì các con là Giao ước Mới trong Máu Thầy”. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô trao ban cho chúng ta chính thân mình mà Người đã chịu nộp vì chúng ta trên thập giá, trao ban chính máu mà Người “đổ ra cho muôn người được tha tội” [Mt 26,28].
(GLHTCG, 1365)
Sách Giáo lý giải thích thêm về cách Thánh lễ hiện tại hóa hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá.
Như vậy, Bí tích Thánh Thể là một hy tế vì nó hiện tại hóa (làm cho trở nên hiện tại) hy tế thập giá, vì bí tích này là việc tưởng niệm hy tế đó và vì bí tích này áp dụng hiệu quả của hy tế đó:
[Chúa Kitô], Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta, đã một lần cho mãi mãi dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa Cha bằng cái chết của Người trên bàn thờ thập giá, để thực hiện ở đó ơn cứu chuộc đời đời. Nhưng vì chức tư tế của Người không kết thúc bằng cái chết của Người [Dt 7,24.27], nên trong Bữa Tiệc Ly “vào cái đêm Người bị trao nộp” [1Cr 11,23], [Người muốn] để lại cho Hiền Thê yêu dấu của mình một hy tế hữu hình (như bản tính con người đòi hỏi); trong hy tế hữu hình này, hy tế đẫm máu được thực hiện một lần là đủ trên thập giá được hiện diện, và việc tưởng niệm hy tế đẫm máu đó sẽ còn mãi cho đến ngày tận thế, và sức mạnh cứu độ của hy tế đó sẽ có hiệu quả tha thứ các tội lỗi mà chúng ta phạm hằng ngày.
(GLHTCG, 1366)
Một hy tế cho mọi thời đại
Một điểm khác biệt quan trọng cần lưu ý là Thánh lễ không diễn lại hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng chính là cùng một hy tế được đưa vào thời điểm hiện tại:
Hy tế của Chúa Kitô và hy tế của Bí tích Thánh Thể là một hy tế duy nhất: “Cũng cùng một hiến vật, cũng cùng một Đấng xưa đã tự hiến trên thập giá, nay cũng chính Người dâng lên qua thừa tác vụ linh mục, chỉ có cách tiến dâng là khác biệt”: “Vì trong hy tế thần linh được thực hiện trong Thánh lễ, cũng chính Đức Kitô Đấng đã tự hiến một lần bằng cách đổ máu trên bàn thờ thập giá, nay được hiến dâng và sát tế một cách không đổ máu...”
(GLHTCG, 1367)
Mặc dù thoạt nhìn có vẻ như Thánh lễ không phải là một hy tế, nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ thấy rằng, về mặt thiêng liêng, bạn được dẫn đưa đến hy tế của Chúa Giêsu trên đồi Canvê năm xưa mỗi khi Thánh lễ được cử hành.
Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: Aleteia (06/7/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên