Thánh Luca là “người thầy thuốc yêu quý”, là bạn đồng hành của thánh Phaolô và cũng là tác giả sách Tin Mừng thứ ba. Người cũng viết sách Tông Đồ Công Vụ, tường thuật lại sự tiến triển của Hội Thánh sau ngày Hiện Xuống. Qua ngòi bút của con người thông thạo văn chương chữ nghĩa như người, Tin Mừng trở thành một bài thánh ca tạ ơn trong bầu khí vui tươi phấn khởi. Biểu tượng của Tin Mừng Luca là con bò, con vật được dùng để tế lễ tại Đền Thờ Giêrusalem. Thánh Luca mở đầu Tin Mừng tại Giêrusalem qua trình thuật “truyền tin cho ông Dacaria” và kết thúc cũng tại Giêrusalem với biến cố “Đức Giêsu được rước lên trời” và các môn đệ lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24,53).
Khác với thánh Mátthêu và thánh Máccô, thánh Luca đã cố tình không thuật lại những lần Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra tại Galilê, bởi vì, thánh nhân muốn làm nổi bật ý hướng thần học: Mầu Nhiệm Phục Sinh được diễn ra và hoàn tất tại Giêrusalem. Đối với thánh Luca, Giêrusalem chính là trung tâm, nơi diễn ra các biến cố quan trọng của ơn cứu độ: tại Giêrusalem, Ðức Giêsu Kitô đã chịu chết, đã sống lại, và đã lên trời; tại Giêrusalem, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống khai sinh Hội Thánh, và cũng từ Giêrusalem, Tin Mừng cứu độ được rao giảng đến tận cùng trái đất.
Thánh Luca đặc biệt quan tâm đến cụm từ “lên Giêrusalem”: Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem (Lc 9,51); Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy (Lc 13,22); Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê (Lc 17,11); Nói những lời ấy xong, Đức Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem (Lc 19,28).
Trong trình thuật “Đức Giêsu chịu cám dỗ”, thánh Luca đã cố tình đảo lộn trật tự so với trình thuật của thánh Mátthêu, để đưa cám dỗ “nhảy xuống từ nóc Đền Thờ Giêrusalem” về cuối và kết thúc: Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ. Thời cơ nào? Thời cơ cuối cùng trong cuộc Khổ Nạn, được diễn ra và kết thúc tại Giêrusalem với chiến thắng của Đức Giêsu trên thập giá (Lc 4,13; 22,3.53).
Sau diễn từ tại hội đường Nadarét, dân chúng định xô Đức Giêsu xuống vực, nhưng, Người đã băng qua giữa họ mà đi, bởi vì, hành trình của Người là đi lên Giêrusalem, sứ mạng của Người phải được khởi đầu và hoàn tất tại Giêrusalem. Vả lại, đối với thánh Luca, Đức Giêsu chính là Êlia mới, vì vậy, ngôn sứ không thể chết ở ngoài Giêrusalem (x. Lc 13,33). “Người băng qua giữa họ mà đi”, Đức Giêsu vẫn tiếp tục cuộc hành trình lên Giêrusalem. Điểm đến của Người là Giêrusalem, như trong trình thuật “Hiển Dung”: Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem (Lc 9,31).
Đối với thánh Luca, Đấng Cứu Độ là Đấng luôn sẵn sàng lên Giêrusalem để hiến tế chính mình làm của lễ giao hòa giữa loài người với Thiên Chúa; Ơn cứu độ là hành trình lên Giêrusalem với Đức Giêsu, mà các môn đệ luôn khiếp sợ và thánh Phêrô đã can ngăn Người. Tại Giêrusalem, Đức Giêsu đã chịu chết, đã sống lại, đã lên trời vinh hiển. Từ Giêrusalem, Hội Thánh đã được khai sinh, và Tin Mừng cứu độ được rao giảng. Ước gì chúng ta luôn biết gắn bó và hướng về thành đô Giêrusalem mới, nơi mà thánh Luca đã đến và đang chờ gặp chúng ta ở đó. Ước gì được như thế!
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
647 16-10-2023