Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Tâm tình yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh

 jesusonthecrosspicturesjuonvjq5fgehhov1

Trước hết, phải nói rằng: chúng ta là những con người đang được sống trong hạnh phúc, bởi vì chúng ta biết đón nhận và rất trân quý niềm hạnh phúc ấy. Đó là hạnh phúc vì được Thiên Chúa yêu thương Cứu Độ.

Nếu như bạn và tôi, tự nhiên nhận được một “Quà tặng” có giá trị thì chắc hẳn chúng ta sẽ rất vui mừng và hạnh phúc, niềm vui và hạnh phúc sẽ càng tăng thêm khi giá trị của món “Quà tặng” ấy là vô cùng cao quý, nhất là xét lại, chúng ta nhận ra rằng mình chẳng có một chút  thành tích hay công trạng gì để xứng đáng lãnh nhận món “Quà tặng” vĩ đại và vô giá ấy. 

“Quà tặng” mà người viết muốn nói đến ở đây, đó là chính Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa mà Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại, trong đó có bạn và có tôi: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16) Cũng giống như Chúa Cha, Đức Giêsu yêu thương nhân loại vô cùng, Ngài yêu thương đến nỗi hiến mạng sống của mình vì họ.

Đức Giêsu đến trần gian trước là rao giảng Tin Mừng, dạy dỗ con người những điều hay lẽ phải để họ thi hành, cùng chữa lành những người bệnh hoạn, tật nguyền (làm cho người chết sống lại, chữa người bị quỷ ám,…). Nhưng đỉnh điểm công trình Cứu Độ của Ngài là khi Ngài chịu chết treo thân trên cây Thập Giá. Thật vậy, nếu như Đức Giêsu chỉ rao giảng Tin Mừng, làm nhiều phép lạ và dạy bảo thiên hạ những điều hay mà Ngài không tự nguyện chịu chết trên cây Thánh Giá để làm của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha, đền tội thay cho nhân loại thì loài người sẽ không có được ơn Cứu Chuộc. (Ngắm sự thương khó Chúa, thứ XIV: Khi linh hồn Đức Chúa Giêsu ra khỏi xác, xuống ngục tổ tông cứu những linh hồn các thánh xưa ở đấy, đợi trông Đức Chúa Giêsu xuống thế chuộc tội cho thiên hạ…) Đức Giêsu đã xác nhận: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12, 32)

Có người cho rằng: “Đức Giêsu đã chịu đau đớn, nhục nhã và chết trên cây Thập Tự để Cứu Độ nhân loại như vậy là đã hoàn tất, nay Ngài đã sống lại vinh hiển và về trời rồi, vì thế không thể để Ngài phải mãi chịu đau đớn, ê chề trên cây Thập Tự nữa, do đó, họ chỉ tôn kính Thập Giá; và coi đó là biểu tượng tình thương của Thiên Chúa mà thôi”.

Trong khi đó Hội Thánh Công Giáo lại muốn “trình bày” cho con cái mình, cũng như mọi người biết; có một Đức Giêsu chịu thương khó, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá và chết vì tội lỗi của nhân loại, bởi thế cho nên, trong các thánh đường, ở ngay chính giữa Cung Thánh bao giờ cũng đặt tượng Đức Chúa Giêsu chịu tử nạn trên cây Thánh Giá! Để mọi tín hữu có thể nhìn ngắm và chiêm niệm. Trong thư gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô đã viết: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh” (1Cor 1, 22); hay: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập Giá” (1Cor 2, 2).

Khi nhìn lên Chúa Giêsu chịu khổ hình trên Thập Giá. (Ngày nay có nơi người ta trưng bày Thánh Giá với hai thanh ngang vòng cung trĩu xuống: với ngụ ý rằng Chúa Giêsu gánh tội lỗi của nhân loại ngày càng thêm nhiều nên sức nặng của tội lỗi đã làm cho hai thanh ngang bị kéo võng xuống!) với mão gai trên đầu, cạnh sườn bị đâm thâu và toàn thân thể chi chít những vết đòn roi và Máu đào nhuộm thắm,… Ngài đã và còn đang chịu những đau đớn vì tội lỗi của chúng ta, mỗi lần chúng ta phạm tội, thì chẳng khác nào chúng ta lại cầm búa hay cầm roi đánh hoặc đóng đinh vào thân thể Ngài khiến cho các vết thương sẽ chẳng thể lành lặn được!

Nhìn lên Đấng chịu chết trên cây Thánh Giá, Ngài là Vị Ân Nhân Vĩ Đại của mỗi chúng ta, bởi lẽ, Ngài đã chết để cho chúng ta được cứu sống, cảm thương một cách sâu sắc nỗi thống khổ tột cùng của Ngài đã phải chịu vì tội lỗi mình, điều này sẽ trở nên động lực để cho chúng ta quyết tâm sống sao cho xứng đáng với ân tình, ân nghĩa mà Đức Giêsu đã dành cho chúng ta, điều chúng ta phải làm là: “Đóng đinh những đam mê bất chính, những hiềm thù ghen ghét, những thói hư tật xấu… của mình vào thập giá để mỗi ngày chúng ta trở nên hoàn thiện hơn” hầu đáp lại lòng mong mỏi của Ngài.

Thuở xưa dân Do-thái trên hành trình về đất hứa, trong hoang địa họ đã kêu trách ông Mô-sê, để rồi bị rắn lửa cắn và khi nhìn lên con rắn đồng giương cao thì được cứu sống (x. Ds 21, 4-9). Ngày nay chúng ta cũng hãy siêng năng “chiêm niệm” Mầu nhiệm Ngôi Hai Cứu Chuộc: Đức Giêsu đã chịu tử nạn trên cây Thập Giá để chúng ta được chữa lành và nhất là được ơn Cứu chuộc. Từ cây Thập Giá là nguồn suối tuôn chảy ân sủng giúp chúng ta sống những mối tâm tình mà lúc sắp “sinh thì” trên cây Thánh Giá Đức Giêsu đã biểu lộ, để chúng ta trở nên nghĩa thiết với Ngài hơn. Đó là:

Tinh thần cầu nguyện thường xuyên và luôn tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì không biết việc mình làm.” (Lc 23, 34) Tinh thần vị tha, bao dung và luôn ăn năn, sám hối: “Lạy ông Giêsu, khi nào vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23, 42) Tinh thần tín thác mọi sự trong tay Thiên Chúa: “Lạy Cha, Con xin phó linh hồn con trong tay Cha.” (Lc 23, 46) Tinh Thần khát khao chân lý, khát khao làm đẹp lòng Chúa và khát khao yêu thương tha nhân: “Tôi khát.” (Ga 19, 28) Và sau cùng là tinh thần tôn sùng và hiếu thảo với Đức Trinh nữ Maria: “Đây là con của Bà và Đây là Mẹ của con.” (Ga 19, 26)

Đức Maria rất yêu thương nhân loại, Mẹ đã hứa sẽ chẳng để cho một linh hồn nào hư mất nếu họ biết sùng kính Mẹ và thi hành ba mệnh lệnh Fatima:

- Ăn năn, cải thiện đời sống.

- Tôn sùng Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ.

- Siêng năng lần chuỗi Mân Côi. 


Tác giả: Đaminh Trần Văn Chính

(Bài viết được CTV gởi về BBT Web GPVL)

152    10-03-2024