Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Tập tục xa xưa về “30 ngày của Đức Mẹ”

30ngay
 Titian | Public Domain


Một số Kitô hữu thời Trung cổ sẽ mừng lễ Đức Mẹ trong 30 ngày từ 15 tháng 08 đến 15 tháng 9.

Đức Trinh Nữ Maria được tôn vinh trong năm phụng vụ với nhiều dịp lễ khác nhau nhằm làm nổi bật các biến cố trong cuộc đời của Mẹ hoặc những cuộc gặp gỡ mà Mẹ đã có với các thị nhân sau khi đã về trời. Điều thú vị là phần lớn các lễ này lại diễn ra trong “30 ngày của Đức Mẹ”.

Cha Francis X. Weiser, S.J, đã xét thấy trong cuốn The Holyday Book rằng, “Suốt thời Trung cổ, những ngày từ 15 tháng 8 đến 15 tháng 9 được gọi là “30 ngày của Đức Mẹ”.

Ngày 15 tháng 8 là Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và ngày 15 tháng 9 là Lễ Đức Mẹ Sầu Bi.

Cha Weiser giải thích rằng: “Vào thời tiền Kitô giáo, những mùa từ giữa tháng 8 cho đến giữa tháng 9 được coi là thời kỳ vui mừng và tạ ơn vì đã thu hoạch được mùa ngũ cốc.” Sau khi nhiều quốc gia Châu Âu theo Kitô giáo, họ vẫn duy trì thời kỳ tạ ơn này, một thời kỳ mà giờ đây lại trùng với nhiều lễ mừng kính Đức Mẹ.

Giữa hai ngày lễ này còn có những ngày sau đây để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria.

- Ngày 21 tháng 8 – Đức Mẹ Knock

- Ngày 22 tháng 8 - Đức Maria Trinh Nữ Vương

- Ngày 26 tháng 8 – Đức Mẹ Czestochowa

- Ngày 08 tháng 9 – Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria

- Ngày 12 tháng 9 – Danh Thánh Đức Maria

Mặc dù “30 ngày của Đức Mẹ” không còn được mừng lễ rộng rãi và không phải là một dịp lễ chính thức trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng tập tục này vẫn là một lời nhắc nhở giúp chúng ta biết dùng thời gian này trong năm để tạ ơn Chúa vì nhiều ơn lành và tìm đến lời chuyển cầu của Đức Mẹ.


Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: Aleteia (18/8/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

 

 

170    19-08-2023