Sidebar

Thứ Bảy
05.10.2024

Tha thứ từ đau thương

a6f8f2f9702f477ab6fc5b43406c2e911155x770
 God commands us to forgive! - Collection - Museo Nacional del Prado


Tha thứ không chỉ là sự giải thoát cho riêng mình; đó là hành động có thể đưa các linh hồn lên thiên đàng.

Hôm nay, tôi muốn nói chuyện với bạn một lần nữa về một chủ đề luôn được quan tâm: sự tha thứ. Chúng ta đã đề cập đến chủ đề này trong những dịp khác nhau, nhưng luôn có chỗ để đi sâu hơn và thêm vào những góc nhìn mới có thể làm sáng tỏ cuộc đời của chúng ta.

Cách tha thứ cho người đã làm tổn thương tôi

Tôi thường được hỏi: “Cha ơi, con tha thứ như thế nào đây? Con tha thứ, nhưng con không quên được; Con tha thứ, nhưng con không hàn gắn được; Con tha thứ, nhưng con không chắc mình đã thực sự tha thứ hay chưa.” Những sự ngờ vực như thế rất phổ biến và phản ánh sự phức tạp của quá trình tha thứ. Dưới đây, tôi xin chia sẻ một chút ánh sáng để giúp đỡ bạn trên con đường này.

1. Có lòng trắc ẩn

Có lòng trắc ẩn là chìa khóa trong quá trình tha thứ. Trong dụ ngôn về Người Samari nhân hậu, chúng ta thấy cách anh động lòng trắc ẩn với người bị thương, đến gần và băng bó vết thương cho anh ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng lòng trắc ẩn là điều cơ bản. Động lòng trắc ẩn có nghĩa là “chịu đựng” người đã xúc phạm đến bạn. Hãy ngẫm nghĩ về những gì có thể xui khiến người đó làm cho bạn tổn thương. Mặc dù không phải là biện minh cho hành vi xúc phạm đó, nhưng việc hiểu được nỗi đau của người khác có thể tạo điều kiện cho sự tha thứ.

2. Tha thứ, ngay cả khi bạn không cảm thấy điều đó

Sự tha thứ không phải lúc nào cũng được cảm nhận ngay lập tức. Đôi khi, chỉ cần nói “Tôi tha thứ cho bạn” là đủ để bắt đầu quá trình chữa lành, cho cả bạn và cả người đã xúc phạm đến bạn. Mặc dù quá trình chữa lành có thể mất nhiều thời gian, nhưng hành động tha thứ có thể là bước quan trọng đầu tiên, bất kể cảm giác bình an có đến sau đó hay không.

3. Cái nhìn với lòng thương xót

Thiên Chúa tha thứ cho tội lỗi của chúng ta bất kể chúng nghiêm trọng đến mức độ nào. Cũng như chúng ta đã nhận được lòng thương xót của Người, chúng ta được mời gọi phải thương xót người khác. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta tha thứ để được thứ tha, và đây là hành động đưa chúng ta đến gần hơn với ân sủng của Thiên Chúa.

4. Tha thứ từ cõi lòng

Sự tha thứ tận cõi lòng là điều cần thiết. Đó không chỉ là lời nói, mà là mong muốn chân thành để giải thoát bản thân khỏi sự oán giận và góp phần cứu độ linh hồn người khác. Sự tha thứ này thanh lọc chúng ta và giúp chúng ta sống với lương tâm trong sáng, đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn.

5. Nghĩ đến thiên đàng

Sự tha thứ là con đường dẫn đến thiên đàng, cho cả bạn và người đã xúc phạm đến bạn. Việc từ chối tha thứ có thể làm tăng thêm sự oán giận và khiến bạn xa rời sự bình an nội tâm. Bằng cách tha thứ, bạn tạo điều kiện cho con đường cứu độ của chính mình và cũng có thể giúp người khác tìm thấy ơn cứu độ.

6. Không có sự xúc phạm nào là không thể tha thứ

Lịch sử đầy rẫy những ví dụ về sự tha thứ phi thường, chẳng hạn như Thánh Gioan Phaolô II, người đã tha thứ cho kẻ tấn công mình; hay Thánh Bakhita, người đã tha thứ cho những kẻ đã bắt thánh nữ làm nô lệ. Những hành động tha thứ này cho chúng ta thấy rằng không có sự xúc phạm nào là không thể vượt qua với sự trợ giúp của Thiên Chúa.

Kết luận

Tha thứ không chỉ là sự giải thoát cho riêng mình; đó là hành động có thể đưa các linh hồn lên thiên đàng, cả linh hồn của bạn và những người đã xúc phạm đến bạn. Sống với một con tim trong sáng và nhân hậu không chỉ chuẩn bị cho bạn cuộc sống đời đời mà còn biến đổi cuộc đời của bạn ở đây trên trái đất, lấp đầy nó bằng sự bình an và hạnh phúc.

Chúng ta hãy tha thứ từ cõi lòng và làm mọi điều tốt đẹp có thể. Xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho bạn.

Tác giả: Lm. Ángel Espinosa de los Monteros - Nguồn: Exaudi (30/8/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

771    11-09-2024