Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Thần học và trái tim của Đức Bênêđictô XVI

thanhocvatraitimcuaducbenedictoxvi


Vào cuối thập
 niên 1990, tôi gặp Hồng y Ratzinger, trên đường từ trường trở về nhà, khi còn là một chủng sinh theo học tại Đại học Giáo hoàng GregorianRôma. Dù hết sức kinh ngạc khi nhìn thấy nhà thần học vĩ đại, nhưng tôi đã thu hết can đảm để bắt chuyện với ngài. Tôi tự giới thiệu mình và nói với ngài rằng tôi đến từ Brooklyn, Hoa Kỳ, ngài liền đáp lại: Đó là một giáo phận phức tạp và đa dạng!. Sau đó, ngài hỏi tôi sẽ học gì sau khi xong đại học, tôi thưa: “Dạ, Thần học Cơ bản”. Với một nụ cười đôn hậu, ngài nói: “Đó là lĩnh vực của cha. Hiện nay, chẳng có môn học nào cần thiết hơn thế.”

Tự thâm tâm, tôi như cảm thấy phấn khích về việc học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ trong tương lai, tôi đã đánh bạo hỏi vị Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin xem liệu ngài có vui lòng để ký tên vào cuốn sách tôi đang cầm trên tay hay không. Đó là cuốn Thần học của Joseph Ratzinger (The Theology of Joseph Ratzinger1988), của linh mục Aidan Nichols, và ngài đã chiều theo ý tôi. Trong căn phòng nhỏ của nhà xứ nơi tôi cư ngụ tại Brooklyn, New York, khi từ chủng viện về lại giáo phận, tôi có cuốn sách với chữ ký của ngài: “To John, With my Blessings, + Joseph Cardinal Ratzinger, 2. V. 97” (Gửi John, với chúc lành của Cha, Hồng y Joseph Cardinal Ratzinger, ngày 02.05.1997). Tôi nâng niu và quý trọng lời ghi tặng và ký ức của ngày hôm đó.

Chúng ta tiếc thương sự ra đi của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI (Joseph Ratzinger, 1927-2023), người từng giữ chức vụ Giáo hoàng từ năm 2005-2013. Một trong những điều quan trọng nhất cần lưu ý, là khi chúng ta cố gắng tìm hiểu xem Đức Bênêđictô là ai, và tại sao ngài lại quan trọng như vậy với tư cách là một nhà thần học, thì nhiều người đã rất quen thuộc với thần học của Ratzinger, so với những vị đã được bầu chọn làm Giáo hoàng trước đó.

Đức Hồng y Joseph Ratzinger, trước khi là Giáo hoàng, đã là một nhà thần học nổi tiếng tại Đức và trên toàn thế giới. Là giáo sư tại các trường đại học ở Bonn, Münster, Tübingen và Regensburg, Tiến sĩ Ratzinger là một cố vấn thần học (peritus) tại Công đồng Vatican II. Ngài cũng là tác giả của một trong những tác phẩm thần học tuyệt vời của thế kỷ XX, Dẫn nhập Kitô giáo (Introduction to Christianity1968), trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục của Munich và Freising vào năm 1977.

Năm 1981, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhìn nhận sự xuất sắc và minh mẫn trong học thuật của Hồng y Ratzinger, đã bổ nhiệm vị giáo sư tổng giám mục này làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin nhằm làm sáng tỏ giáo lý và thực hành mục vụ cho toàn thể Giáo hội Công giáo. Phục vụ trong vai trò này trong nhiều năm, vị giáo hoàng tương lai thậm chí còn được quốc tế biết đến nhiều hơn với tư cách là một nhà thần học về tín lý có cách trình bày rõ ràng, và súc tích.

Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm lớn nếu chỉ xem Hồng y Ratzinger là một nhà thần học hàn lâm. Thực ra, ngài còn say mê đức tin và thực hành mục vụ. Hồng Y Ratzinger được biết đến là tác giả của một số tác phẩm tu đức trong triều đại giáo hoàng của ngài, từ những Thông điệp đề cập đến các Nhân đức Đối thần Tin, Cậy, Mến cho đến bộ sách kinh điển đương đại, Đức Giêsu thành Nazareth (Jesus of Nazareth), cũng như việc củng cố đức tin của chúng ta trong cầu nguyện thông qua Phụng vụ thánh trong tác phẩm Tinh thần Phụng vụ (The Spirit of the Liturgy).

Suy cho cùng, các Thông điệp của Đức Bênêđictô đều quy về một chủ đề: Tình bằng hữu với Đức Giêsu Kitô. Trong thông điệp đầu tiên, Deus caritas est (2005), ngài tuyên bố:

Nếu tình bằng hữu với Thiên Chúa trở thành một điều gì đó quan trọng và quyết định hơn bao giờ hết đối với chúng ta, thì chúng ta sẽ bắt đầu yêu mến những người mà Thiên Chúa yêu thương và những người cần đến chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành bạn của những người bạn của Ngàivà chúng ta có thể làm như thế, nếu chúng ta gần gũi với họ từ bên trong, chứ không phải là lệnh truyền áp đặt từ bên ngoài.

Ngài tiếp nối ý tưởng này với Thông điệp Spe Salvi (2007), về Niềm Hy vọng Kitô giáo. Trong thông điệp tuyệt vời này, Đức Bênêđictô minh họa sự hiểu biết của ngài về tình trạng con người và khẳng định:

Có lẽ nhiều người ngày nay từ khước đức tin chỉ vì họ không thấy hứng thú nơi viễn ảnh của cuộc sống đời đời. Điều họ muốn không phải là sự sống đời đời một chút nào, nhưng là cuộc sống hiện nay, cuộc sống mà đức tin vào sự sống đời đời dường như trở nên một điều gì đó gây ngăn trở. Tiếp tục sống đời đời – không chấm dứt – dường như là một lời nguyền hơn là một ân sủng. Sự chết, phải thừa nhận, là ta muốn trì hoãn nó bao lâu có thể. Nhưng sống hoài, không dứt – điều này, xét cho cùng, có thể là ngao ngán và tối hậu là không thể chịu đựng nổi (số 10).

Đức Bênêđictô hoàn tất những Thông điệp về các Nhân đức Đối thần vào năm 2009 với Thông điệp Caritas in veritate, trong đó ngài tuyên bố rằng Tình yêu và Chân lý phải được liên kết nội tại trong đời sống Kitô hữu vì lợi ích của thế giới. Ngài viết: “ở trung tâm của học thuyết xã hội Công giáo,” bác ái phải được liên kết với chân lý nếu nó muốn hoạt động vì lẽ phải. Không có chân lý, tình yêu có thể trở thành một “vỏ ốc trống rỗng” chứa đầy những cảm xúc và ý kiến chủ quan chóng qua, một từ ngữ bị lạm dụng và nát vụn đến độ mang ý nghĩa đối nghịch. Cũng thế, hoạt động xã hội mà không có chân lý có thể kết thúc bằng việc “phục vụ lợi ích cá nhân và logic của quyền lực” (xsố 3).

Nếu thật sự đọc các tác phẩm của Đức Bênêđictô, người ta sẽ thấy rằng ngài không phải là một học giả khô khan, mà là một mục tử đích thực muốn đoàn chiên của mình nhận biết và yêu mến Đấng mà ngài nhận biết và yêu mến: Đức Giêsu!

Được gợi hứng bởi tấm gương của Đức Bênêđictô, ước gì chúng ta cũng trở thành những cộng tác viên với Sự Thật - Đức Giêsu Kitô -, Đấng là Đường,  Sự Thật và là Sự Sống.


Tác giả: 
Lm. John P. Cush, STD* - Nguồn: hprweb.com (27. 01. 2023)
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - Dòng Đa Minh Thánh Tâm

----------------------
* Linh mục John P. Cush thuộc Giáo phận Brooklyn, hiện cha là Tổng biên tập của Tạp chí 
Homiletic and Pastoral Review, và là giáo sư Thần học Tín lý tại Chủng viện Saint Joseph (Dunwoodie) thuộc Tổng giáo phận New York.

323    06-02-2023