Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Tháng truyền giáo ngoại thường: “Mỗi người là một sứ mệnh”

 
Tháng 10 – 2019 được xem là ‘ngoại thường’ vì định hướng lại Tháng Truyền giáo về với chính mình và gặp gỡ với người lân cận. Phỏng vấn thầy phó tế Martin Brunner-Artho, giám đốc của Missio, hội Truyền giáo Giáo hoàng ở Thụy Sĩ.
Làm thế nào thầy định nghĩa Sứ mệnh Truyền giáo?
Sứ mệnh truyền giáo là một khía cạnh nền tảng và không thể tách rời của Giáo hội. Một Giáo hội không có sứ mệnh truyền giáo là một Giáo hội đang hấp hối. Và sứ mệnh này là công việc mà chúng ta được thừa hưởng từ Chúa Giêsu: loan báo Lời Chúa.
 
Vì sao tháng 10 là tháng truyền giáo ngoại thường?
Khi nói đến Truyền giáo chúng ta thường nghĩ, đây là công việc với các nước phía Nam bán cầu, các nước bên kia bờ đại dương, các nước châu Phi. Nhưng như Đức Phanxicô đã nói: không phải mỗi người có một sứ mệnh, nhưng mỗi người LÀ một sứ mệnh. Vì mỗi người kể một điều gì đó về tình yêu của Chúa. Tháng truyền giáo là dịp để nhắc lại nước Thụy Sĩ cũng bao gồm trong công việc này. Vì tại Thụy Sĩ, chúng ta nói đến mục vụ và rao giảng Tin Mừng nhưng chúng ta không thường xuyên nhắc đến truyền giáo.
Làm thế nào kết nối sứ mệnh ngoại thường này với sứ mệnh thường lệ ở nước ngoài?
Sứ mệnh truyền giáo bao gồm toàn Giáo hội. Qua khía cạnh đoàn kết, sứ mệnh hướng đến người ở nơi khác. Nhưng nó cũng hướng đến người lân cận trực tiếp với mình. Và đó là nhận thức Đức Phanxicô muốn đề nghị cho năm nay. Tuy nhiên hai khía cạnh truyền giáo này bổ túc cho nhau chứ không ngược nhau. Mặt khác, nó còn nuôi dưỡng cho nhau. Đức Phanxicô cũng nhắc lại, Giáo hội có sứ mệnh riêng của mình. Giáo hội đến từ Chúa Giêsu, mẫu mực của Truyền giáo, Ngài rao giảng bằng dụ ngôn và lo cho những người bị loại trừ.
“Chúa Giêsu, mẫu mực của Truyền giáo, Ngài rao giảng bằng dụ ngôn và lo cho những người bị loại trừ”
Đâu là thái độ của người truyền giáo?
Cách tiếp cận truyền giáo như tôi đã có kinh nghiệm thực tế, trước hết là mở mắt, mở tai và khép miệng. Nhưng trong thái độ hàng ngày, đó là gặp gỡ người khác mà không mang thái độ tiêu cực. Hành động cụ thể là làm chứng: tạo các cuộc gặp gỡ đích thực, mở ra với điều siêu việt. Bởi vì chính Chúa Giêsu là nhân vật chính chứ không phải chúng ta. Theo nghĩa này, Đức Phanxicô cảnh báo mọi hình thức chiêu dụ.
Đâu là sự khác biệt giữa gặp gỡ cởi mở và chiêu dụ?
Nếu tôi biết một tiệm ăn mới và ăn ngon. Tôi sẽ nói với các bạn tôi: ‘Bạn biết tiệm ăn này không?’. Nếu tôi có kinh nghiệm phong phú đời sống đức tin của tôi, vì sao tôi không thể nói như vậy: ‘Bạn vào nhà thờ này chưa hay bạn đã nghe cha này giảng chưa?’. Cũng như đức tin, tôi sẽ không ép buộc ai đến tiệm ăn tôi thích.
“Đó là những việc nhỏ bé được làm ‘với tình thương’ làm cho đời sống thành quý giá”
Nhiệt huyết ‘ngoại thường’ này được thể hiện như thế nào?
Đó là mong muốn của Đức Phanxicô muốn Giáo hội nhúc nhích, muốn Giáo hội đi ra khỏi phòng thánh của mình, như ngài thường hay nhắc. Mục đích không phải là lắp đầy nhà thờ, nhưng là cho những người mình gặp gỡ có cảm nhận họ được Chúa yêu thương và mong muốn. Chính họ là các tạo vật duy nhất. Đó cũng là nhận biết Chúa để lại các dấu vết trong đời sống của mình và có những lúc mình cảm thấy được Chúa nâng đỡ. Cũng như khi chúng ta nhìn thiên nhiên, chúng ta nghĩ đến Đấng Tạo Dựng.
Là người truyền giáo ở Thụy Sĩ năm 2019 cụ thể là như thế nào?
“Được rửa tội và được sai đi”, đơn giản là như thế. Mọi tín hữu kitô đều có mối liên kết chặt chẽ với Chúa. Một mối liên kết được kêu gọi liên tục chia sẻ. Trong các việc nhỏ hàng ngày kể cả ở sở làm. Chúng ta lấy ví dụ các cô y tá ở bệnh viện: công việc của họ vượt xa những gì họ được trả tiền. Và đó là những việc nhỏ bé được làm ‘với tình thương’ làm cho đời sống thành quý giá.
Với Missio: #MaMission, chúng tôi mở ra với đối thoại để mọi người hiểu thế nào là “truyền giáo” và làm thế nào để thực hiện nó trong đời sống hàng ngày.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch 
Thầy phó tế Martin Brunner-Artho là giám đốc chương trình Missio từ năm 2012. Trước đây thầy học thần học và việc làm xã hội ở Đại học Fribourg, Thụy Sĩ. Thầy làm việc 5 năm ở Bô-li-vi-a, 4 năm ở Kenya. Được thụ phong phó tế ở Nam Mỹ, thầy Martin Brunner-Artho là thừa tác vụ ở giáo xứ trong nhiều giai đoạn ở Thụy Sĩ.
Thầy phó tế Martin Brunner-Artho (người ngoài cùng bên trái) trong buổi tiếp kiến riêng của các phó tế trong năm thánh lòng thương xót với Đức Phanxicô.
914    02-10-2019