Sidebar

Thứ Ba
10.09.2024

Thành công của người môn đệ Chúa

mondechuagiesu


Các bạn thân mến!

Khi làm bất cứ công việc gì thì bạn đều mong muốn cho công việc của mình được thành công. Đây là điều hợp lý và hợp lẽ tự nhiên. Tuy nhiên đây có phải là tất cả những điều làm nên niềm vui đích thực của người môn đệ Đức Kitô hay không? Đâu là niềm vui đích thực của người môn đệ Đức Kitô. Niềm vui đích thực của người môn đệ Đức Kitô có ba yếu tố: được Chúa ở cùng, trở nên thụ tạo mới và được ở với Chúa.   

Niềm vui của người môn đệ Đức Kitô là vì bạn được nép bên lòng Chúa, được có Chúa ở cùng, được bồng ẵm trên tay, được nâng niu trên đầu gối. Đây là điều mà tiên tri Isaiah loan báo cho dân Israel vì Đức Chúa sẽ tuôn đổ ơn thái bình xuống Thành Đô tự dòng sông cả. Vua Cyrus đánh bại quân Babilon và kí sắc lệnh cho người Do Thái trở về quê hương. Mặc dầu được hồi hương nhưng người Do Thái vẫn cảm thấy chán nản vì Giê-ru-sa-lem vẫn còn cảnh hoang tàn đổ nát. Thiên Chúa sai tiên tri Isaiah loan báo cho dân về việc Thiên Chúa sẽ phục hồi sự hưng thịnh cho Giêrasalem và tuôn đổ ân nghĩa của Ngài cho dân. Thiên Chúa sẽ vỗ về Israel như người mẹ ấp ủ con thơ và nâng niu trên đầu gối. “Vì Đức Chúa phán như sau: Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về. Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc, thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh. Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết.”[1] Sự bình yên của con thơ nằm trong tay mẹ thế nào thì bạn cũng sẽ có được sự bình yên như vậy khi bạn được ở trong vòng tay Chúa, được có Chúa ở cùng. “Tình Chúa mãi mãi theo con, cho tâm hồn dù trong mưa gió mãi mãi bình yên, mãi mãi bình yên.”[2]

Đối với Thánh Phaolô, điều mang lại sự bình yên cho Ngài không phải là sự thành công của công việc truyền giáo mặc dầu ngài là vị thánh truyền giáo số một của Kitô giáo. Điều làm cho ngài cảm thấy được an ủi là thập giá. Nhờ thập giá mà bạn được hưởng ơn cứu độ và trở nên thụ tạo mới. Đây chính là niềm vui của bạn. Niềm vui được trở nên thụ tạo mới, niềm vui vì thập giá Đức Kitô.“Thưa anh em, ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.”[3] Nhờ thập giá Đức Kitô mà con người cũ của bạn bị đóng đinh, những ghen ghét hận thù, chia rẽ bất hòa bị chôn vùi, bạn trở nên con người mới trong Máu Đức Kitô. Điều làm cho Thánh Phaolô hãnh diện về thập giá là vì nơi đó Thiên Chúa đã diễn tả trọn vẹn tình yêu của Ngài cho con người trong Đức Kitô. Nếu bạn cảm nhận được một cách thực sự tình yêu của Thiên Chúa dành cho bạn thì có lẽ vấn đề của bạn quan tâm không còn là thập giá nhưng là làm sao để đáp lại tình yêu ấy. Đây là lý do mà bạn hiểu tại sao các vị tử đạo sẵn sàng chấp nhận chịu chết, hy sinh mạng sống của mình vì chân lý cứu độ và vì tình yêu Đức Kitô. Qua cái chết họ sẽ được sống với Chúa.   

Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ khi họ phấn khởi chia sẻ với Chúa về thành quả mà mình đã làm được. Điều quan trọng là các môn đệ cảm thấy niềm vui vì được ở cùng Thiên Chúa. “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”[4] Vấn đề không phải bạn và tôi đã làm gì nhưng bạn và tôi sẽ hiện hữu ra sao trước mặt Thiên Chúa và trong tình yêu của Ngài. Nói cách khác niềm vui của bạn và tôi không đến từ việc chúng ta đã làm gì, đã đạt được điều gì nhưng sẽ được hiện hữu ra sao trước mặt Chúa. Có nhiều điều mang lại cho bạn niềm vui, khiến bạn cảm thấy thành công nhưng lại không khiến bạn gần Chúa. Tuy nhiên niềm vui đích thực xuất phát từ việc bạn và tôi được chia sẻ sự sống với Chúa. Vì tên của bạn và tôi được ghi trong trái tim Ngài.

Khi làm bất cứ công việc gì mà bạn đạt được sự thành công, nhất là những công việc tốt lành thánh thiện dĩ nhiên bạn có quyền thưởng thức thành quả lao động của mình. Giáo Hội có quyền vui mừng vì gặt hái được những thành quả cao trong công việc truyền giáo. Khi bạn làm được điều gì cho gia đình, cho vợ, cho chồng hay cho con cái, bạn có quyền được thưởng thức hoa trái về những cố gắng hy sinh đóng góp của mình. Nhưng xét cho cùng không phải là bạn làm được gì cho người khác nhưng bạn đã, đang và sẽ hiện hữu ra sao với họ và hiện hữu ra sao trong Chúa. Họ có chỗ trong trái tim của bạn hay không và bạn có chỗ trong trái tim của họ hay không. Những công việc mà bạn làm cho gia đình hay cho người khác suy cho cùng phải xuất phát từ tấm lòng mà bạn dành cho họ. Nếu mà bạn làm điều gì cho họ mà trái tim bạn và họ xa nhau thì liệu rằng những thành công đó có ý nghĩa gì. Thành công có ý nghĩa gì nếu thực sự bạn không tìm được hạnh phúc trong ngôi nhà của mình. Thành công có ý nghĩa gì nếu trái tim và gia đình bạn bị chia rẽ. Nếu thành công đến từ chiều sâu hiện hữu, đến từ lòng yêu mến, đến từ việc bạn muốn diễn ta tình yêu của mình cho anh chị em của mình, cho những người mà bạn yêu mến thì đó là thành công đáng trân trọng. Còn thành công tạo ra sự phân rẽ trong trái tim và xa rời nền tảng thiết yếu xây dựng nên đời sống con người thì liệu rằng đó có phải là sự thành công thực sự hay không. Nói các khác, không phải là bạn đã đạt được sự thành công gì nhưng sự thành công đó có làm cho bạn mở ra với tự do, tình yêu và sự sống hay không.

Cách đây một hai năm, thế giới chứng kiến sự ly hôn của một số tỷ phú. Có một số người rất thành công trong khi làm được những dự án lớn lao, giúp ích rất nhiều người, quỹ từ thiện lên đến mấy triệu đô. Tuy nhiên cũng thật đáng tiếc là họ lại không tìm được hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình. Trái tim của họ đủ bao la để bao quát vũ trụ, nhưng không có chỗ cho gia đình của mình. Vậy rốt cuộc bạn và tôi đang sống cho điều gì và đang sống cho ai. Thành công và niềm vui đích thực phải khởi phát từ bên trong, từ cuộc gặp gỡ với một con người đích thực, từ việc được ở lại được nuôi dưỡng được ấp ủ, được cứu chuộc, được trở nên thụ tạo mới. Điều này giúp bạn và tôi liên tưởng đến câu nói: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có lợi ích gì.”[5] Vấn đề vẫn là lựa chọn cuối cùng của bạn là gì và lựa chọn đó có chỗ trong trái tim Chúa hay không.

Hạnh phúc của bạn là mang lại cho người khác được hạnh phúc. Sứ mạng truyền giáo vẫn là lời mời liên lỷ dành cho bạn và tôi. Sự thiện có sức mạnh đẩy lui sự ác và ánh sáng có sức mạnh đẩy lui bóng tối. “Một buổi tối nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng một trăm ngàn người tại vận động trường Los Angeles. Đang diễn thuyết, bỗng ông dừng lại và nói: “Xin các bạn đừng sợ. Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.

Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc. Ông John Keller nói tiếp: “Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: “Đã thấy !” Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên: “Đã thấy !

Sau khi đèn được bật sáng, ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy”.

Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai có mang theo hộp quẹt, xin hãy đốt cháy lên!” Bỗng chốc, cả vận động trường rực sáng.

Ông John Kener kết luận: “Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”[6]. Phải chăng niềm vui của sứ giả Tin Mừng là làm cho khuân mặt của Đức Kitô và chân lý cứu độ được rạng ngời trong thế giới hôm nay!


Tác giả: Gioan Phạm Duy Anh SJ - Nguồn: Dòng Tên Việt Nam (01/7/2022)   

---------------
[1] Is 66, 12-14c

[2] Nguyễn Duy – Phanxicô, Trông Cậy Chúa

[3] Gal 6, 14

[4] Lc 10, 20

[5] Lc 9, 25

[6] Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái, LOAN TIN BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC

366    01-07-2022