Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Thánh Giuse: Gương mẫu về tình phụ tử của các linh mục

pst24030113adobestock277881352copy930x450
 Adobe Stock


Chúng ta phục vụ như những người bảo vệ thiêng liêng của các tín hữu.

Công đồng Vaticanô II khẳng định tư cách làm cha của các linh mục, và khuyến khích các ngài, “với tư cách là những người cha trong Đức Kitô,” hãy “chăm sóc các tín hữu mà các ngài đã sinh ra bằng Bí tích Rửa Tội và sự giáo huấn của mình” (Lumen Gentium, số 28). Các linh mục được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Tư Tế Thượng Phẩm, và các ngài thi hành chức linh mục của mình nhân danh Người. Trong lễ trọng kính Thánh Giuse, điều quan trọng là phải nhận ra rằng Chúa Giêsu, Linh Mục Thượng Phẩm, có một người cha trần thế, người - dù không phải là cha ruột của Chúa Giêsu - nhưng đã đóng vai trò mẫu mực trong cương vị làm người cha nhân loại của Người. Với kiến thức nhân loại đã thu thập được, “Chúa Giêsu lớn lên [trong] sự khôn ngoan, tuổi tác và ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và con người” (Lc 2,52). Trong việc tiếp thu kiến thức của con người về tình phụ tử, mẫu gương của Chúa Giêsu là Thánh Giuse.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế) năm 1989 đã nêu bật vai trò làm cha đích thực của Thánh Giuse trong Thánh Gia: “Trong gia đình này, Thánh Giuse là người cha: tư cách làm cha của ngài không phải là một điều bắt nguồn từ việc sinh ra con cái, nhưng đó cũng không phải là tình phụ tử ‘bên ngoài’ hay chỉ ‘thay thế’. Đúng hơn, ngài là một người chia sẻ trọn vẹn vai trò làm cha theo khía cạnh nhân loại đích thực và sứ mạng của người cha trong gia đình. Đây là hệ quả của mầu nhiệm ngôi hiệp (hypostatic union): nhân tính được đưa vào sự hiệp nhất trong Ngôi Vị Thiên Chúa của Ngôi Lời là Đức Giêsu Kitô. Cùng nhân tính ấy, tất cả những gì thuộc về con người, đặc biệt là gia đình - như chiều kích đầu tiên của sự hiện hữu nơi con người trong thế giới - cũng được tiếp nhận trong Đức Kitô. Trong bối cảnh này, vai trò làm cha nhân loại của Thánh Giuse cũng được ‘tiếp nhận’ trong mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô.” (số 21)

Nếu Thánh Giuse có thể phục vụ như một gương mẫu về tình phụ tử nhân loại cho Chúa Kitô, thì thánh nhân là gương mẫu thích hợp nhất về tình phụ tử cho các linh mục. Điều này phát xuất từ một vài nguyên nhân. Đầu tiên là từ tư cách làm cha của Thánh Giuse đối với Đức Kitô - mặc dù không phải về mặt sinh học - nhưng vẫn có thật. Đức Giáo Hoàng Lêo XIII, trong Thông điệp Quamquam Pluries (Dù đã nhiều lần) năm 1889, lưu ý rằng khi trao Thánh Giuse cho Đức Maria làm người phối ngẫu, Thiên Chúa đã làm cho ngài trở thành “người giám hộ của Con Thiên Chúa và được nhìn nhận là cha của Người giữa nhân loại” (số 3). Do đó, biến cố này đã dẫn đến việc “Ngôi Lời Thiên Chúa khiêm nhường phục tùng Thánh Giuse, Người đã vâng phục Thánh Giuse và trao phó cho thánh nhân tất cả những trách nhiệm mà con cái buộc phải phục tùng cha mẹ” (số 3). Thánh Giuse là người duy nhất trên trái đất mà Chúa Giêsu có thể gọi là Abba - nghĩa là cha.

Người bảo vệ thiêng liêng

Thánh Giuse là người bảo vệ gia đình Nazareth, có thể coi là Giáo Hội thu nhỏ. Thánh Giuse cũng là người giám hộ của Chúa Kitô. Các linh mục phải là những người bảo vệ thiêng liêng cho những người được giao phó cho các ngài chăm sóc, và các ngài cũng phải thúc đẩy sự lớn lên của Chúa Kitô nơi tâm hồn mọi người. Các linh mục phải thực thi vai trò làm cha thiêng liêng đối với các tín hữu theo gương Thánh Giuse, người đã chăm sóc Chúa Giêsu và Mẹ Maria bằng tình yêu dịu dàng và hy sinh.

Trong bài giảng ngày 19 tháng 3 năm 1966, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI nói rằng Thánh Giuse thể hiện tư cách làm cha của mình “bằng cách biến cuộc đời mình thành một sự phục vụ hy sinh cho Mầu nhiệm Nhập thể và cho mục đích cứu chuộc của mầu nhiệm này. Ngài đã sử dụng quyền hợp pháp của mình đối với Thánh Gia để cống hiến hết mình cho các ngài trong cuộc sống và công việc của mình. Ngài đã biến ơn gọi làm người của mình dành cho tình yêu gia đình thành một sự hy sinh phi thường về bản thân, trái tim và tất cả khả năng của mình, một tình yêu phục vụ Đấng Mêsia, Đấng đang trưởng thành trong gia đình của ngài” (được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến trong Tông thư Patris Corde (Trái tim người cha) năm 2020, số 1).

 

pst24030113adobestock22952050
 Cuộc đính hôn của Đức Trinh Nữ Maria. zatletic/AdobeStock


Do đó, Thánh Giuse phục vụ như một gương mẫu về tình phụ tử quên mình mà các linh mục phải có đối với các tín hữu. Dù không phải là cha ruột của Chúa Giêsu nhưng Thánh Giuse đã chăm sóc Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria như một người cha, người chồng đích thực, người bảo vệ và hy sinh cho gia đình của Chúa. Trong Patris Corde, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích cách mà các giám mục và linh mục trở thành những người cha khi họ chấp nhận trách nhiệm về cuộc sống của người khác: “Chúng ta không sinh ra là cha, nhưng trở thành người cha. Một người trở thành cha không chỉ bằng cách sinh ra đứa con, mà bằng cách đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ đó. Bất cứ khi nào một người chấp nhận trách nhiệm về cuộc sống của người khác, theo một cách nào đó, người này trở thành cha của người khác.

Trẻ em ngày nay thường có vẻ như mồ côi cha. Giáo Hội cũng cần những người cha. Những lời của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô vẫn còn hợp thời: ‘Mặc dù anh em có vô số người hướng dẫn trong Chúa Kitô, nhưng anh em không có nhiều cha’ (1 Cr 4,15). Cùng với vị tông đồ này, mọi linh mục hay giám mục đều có thể nói thêm rằng: ‘Tôi đã trở thành cha của anh em trong Chúa Giêsu Kitô nhờ Tin Mừng’ (ibid.). Thánh Phaolô cũng gọi các tín hữu Galat như sau: ‘Hỡi các con bé nhỏ của tôi, tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô thành hình trong anh em! (4:19)” (số 7).

Sự dịu dàng của người cha

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh Thánh Giuse là gương mẫu dịu dàng của người cha. Trong buổi Tiếp kiến chung ngày 19 tháng 01 năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng “có sự dịu dàng lớn lao trong trải nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa,” và Thánh Giuse đã truyền tải tình yêu dịu dàng này đến Chúa Giêsu. Các linh mục cũng phải bày tỏ tình yêu dịu dàng đối với các tội nhân.

Có nhiều cách khác mà Thánh Giuse phục vụ như một mẫu mực cho vai trò làm cha của linh mục. Ngài là người phối ngẫu rất mực thanh khiết của Đức Trinh Nữ Maria, và ngài cho thấy sự khiết tịnh vì Nước Thiên Chúa “không những không mâu thuẫn với phẩm giá của hôn nhân mà còn giả định và củng cố nó,” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết như thế trong Tông huấn Familiaris Consortio (Hiệp hội gia đình) (x. số 16). Thánh Giuse đề ra một mẫu mực về cách thể hiện tình yêu vợ chồng khi đảm nhận đức khiết tịnh.

Trong Redemptoris Custos, Thánh Gioan Phaolô II còn viết: “Qua sự tự hiến chính mình hoàn toàn, Thánh Giuse đã bày tỏ tình yêu quảng đại của mình đối với Mẹ Thiên Chúa, và trao cho Mẹ ‘quà tặng tự hiến’ của một người chồng. Mặc dù ngài đã quyết định rút lui để không cản trở kế hoạch Thiên Chúa đang diễn ra nơi Mẹ Maria, nhưng theo mệnh lệnh rõ ràng của sứ thần, ngài đã đón Mẹ Maria về nhà mình, trong khi vẫn tôn trọng việc Mẹ chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.” (Số 20).

Chấp nhận sự độc thân khiết tịnh

Các linh mục theo đuổi đời sống độc thân khiết tịnh vì Nước Thiên Chúa có thể tìm thấy nơi Thánh Giuse một gương mẫu đầy cảm hứng của một người yêu mến Đức Trinh Nữ Maria trọn vẹn trong sự khiết tịnh khi thực thi tình yêu quên mình để tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Thực vậy, các linh mục được mời gọi có lòng yêu mến đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ Maria. Trong Tông huấn Menti Nostrae (Tâm trí của chúng tôi) năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII khẳng định: “Đức Mẹ yêu thương mọi người bằng một tình yêu dịu dàng nhất, nhưng Mẹ có lòng yêu mến đặc biệt đối với các linh mục là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Kitô” (số 142). Trong cuộc trốn sang Ai Cập và những thử thách khác, Thánh Giuse đã được củng cố bởi tình yêu của ngài dành cho Đức Trinh Nữ Maria và Con Thiên Chúa của Mẹ, Chúa Giêsu Kitô. Là những người cha thiêng liêng, các linh mục cũng phải được củng cố bởi tình yêu dành cho Đức Maria và Chúa Giêsu.

Tình phụ tử thiêng liêng của Thánh Giuse thể hiện một tình yêu thanh khiết và không chiếm hữu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận xét rằng Thánh Giuse được gọi là “Đấng cực thanh cực tịnh” vì ngài “biết cách yêu thương với sự tự do phi thường. Ngài không bao giờ coi mình là trung tâm của mọi thứ. Ngài không nghĩ đến chính mình mà thay vào đó tập trung vào cuộc đời của Mẹ Maria và Chúa Giêsu” (Patris Corde, số 7). Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng lưu ý rằng “trong mọi việc thực hiện vai trò làm cha của mình, chúng ta phải luôn nhớ rằng điều đó không liên quan gì đến việc chiếm hữu, mà đúng hơn là một ‘dấu chỉ’ hướng đến một tình phụ tử vĩ đại hơn. Một cách nào đó, tất cả chúng ta đều giống Thánh Giuse: là hình bóng của Chúa Cha trên trời” (số 7).

Sức mạnh nội tâm

Thánh Giuse là con người cầu nguyện, can đảm và có đức tính trầm lặng. Kinh Thánh mô tả Người là dikaios, công chính hay ngay thẳng (x. Mt 1,19). Các linh mục có thể tìm thấy nơi Thánh Giuse gương mẫu của một con người có sức mạnh nội tâm, được vun trồng bằng sự cầu nguyện.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng “sự tự hiến hoàn toàn, qua đó Thánh Giuse trao phó toàn bộ cuộc đời của mình cho những nhu cầu của Đấng Mêsia đến nơi nhà mình, chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của đời sống nội tâm sâu sắc của ngài.” (Redemptoris Custos, số 26) Thánh Giuse là mẫu mực của việc cầu nguyện và phục vụ, đồng thời là mẫu mực của lòng sùng kính Thánh Thể. Giống như Thánh Giuse chăm sóc Chúa Hài Đồng, các linh mục chăm sóc Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Các ngài nâng Đức Kitô trong tay họ giống như Thánh Giuse đã nâng Chúa Giêsu Hài Đồng trong tay của một người cha.

Làm việc vì ơn cứu độ

Cuối cùng, Thánh Giuse là gương mẫu về tình phụ tử thiêng liêng bắt nguồn từ công việc. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập lễ Thánh Giuse Thợ vào năm 1955 như một chứng từ cho phẩm giá lao động của con người. Trong Patris Corde, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta: “Lao động là một phương tiện tham gia vào công cuộc cứu độ, một cơ hội để thúc đẩy cho Nước Trời mau đến, một cơ hội phát triển các tài năng và khả năng của chúng ta, đồng thời sử dụng chúng để phục vụ cho xã hội và tình hiệp thông huynh đệ.” (số 6) Trong Redemptoris Custos, Thánh Gioan Phaolô II cũng lưu ý rằng: “Lao động là sự thể hiện tình yêu hàng ngày trong đời sống của Gia đình Nazareth” (Số 22). Công việc phục vụ cho “sự thánh hóa cuộc sống hằng ngày... ‘Thánh Giuse là gương mẫu của những người khiêm hạ mà Kitô giáo có thể nâng lên đến những vận mệnh cao cả... ngài là bằng chứng cho thấy rằng để trở thành một môn đệ tốt và chân chính của Đức Kitô, không cần phải làm những ‘việc vĩ đại’: chỉ cần các nhân đức thông thường, đơn sơ và nhân bản, nhưng phải là những nhân đức đích thực và chân chính.” (số 24).

Giống như Thánh Giuse thể hiện vai trò làm cha của mình trong sự phục vụ và làm việc cách khiêm nhường, các linh mục cũng phải thể hiện vai trò làm cha của mình trong việc yêu thương phục vụ Dân Chúa. Giống như Thánh Giuse, các ngài phải phục vụ các tín hữu bằng một tình yêu trong sạch, một tình yêu không chiếm hữu, một tình yêu được nâng đỡ nhờ sự thân mật với Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

 

Tác giả: Robert Fastiggi* - Nguồn: The Priest (15/02/2024)

----------------------------------

Thánh Giuse, một người cha dịu dàng và yêu thương

Chúng ta có thể cảm nhận được vai trò của Thánh Giuse và tình yêu của ngài dành cho Chúa Giêsu trong Tông thư Patris Corde của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Thánh Giuse đã thấy Chúa Giêsu lớn lên hàng ngày ‘với sự khôn ngoan và tuổi tác cũng như ân sủng của Thiên Chúa và con người’ (Lc 2,52). Như Thiên Chúa đã làm với dân Israel, Thánh Giuse cũng đã làm với Chúa Giêsu: Thánh nhân dạy Người bước đi, cầm tay Người; ngài cư xử với Người như một người cha ôm đứa trẻ vào má, cúi xuống và cho ăn (x. Hs 11,3-4).” (số 2)

-----------------------------------
* Tiến sĩ Robert Fastiggi là giáo sư thần học hệ thống tại Đại Chủng viện Thánh Tâm ở Detroit. Ông là cựu chủ tịch Hiệp hội Thánh Mẫu học Hoa Kỳ.

237    17-02-2024