Sidebar

Thứ Ba
22.04.2025

Thánh Giuse và việc khám phá ra chiều sâu của công việc

childhoodchrist
 Childhood of Christ (Tuổi thơ của Đức Kitô) bởi Gerard van Honthorst,
Public domain, via Wikimedia Commons.


Thật đáng chú ý và thậm chí là đáng kinh ngạc khi những nỗ lực tốt nhất của chúng ta lại thường gặp phải thất bại - hoặc ít nhất là những gì có vẻ như thất bại.

Điều này tạo cơ hội để chúng ta xem xét kỹ hơn cách chúng ta nhận thức về điểm cốt yếu hoặc mục tiêu nơi công việc hàng ngày của mình.

Trong Parochial and Plain Sermons (tuyển tập các bài giảng trong xứ đạo) của mình, Thánh John Henry Newman đã đưa ra một khẳng định đầy kịch tính, có thể thay đổi toàn bộ cách tiếp cận công việc của chúng ta:

Thời điểm để gặt hái những gì chúng ta đã gieo trồng là ở đời sau, không phải ở đây; nơi đây chẳng có hoa thơm trái ngọt lớn lao nào mà con người đời này có thể nhìn thấy được.

Phản ứng đầu tiên của tôi với điều này là sự hoài nghi; chắc hẳn đây là sự cường điệu! Sau đó, tôi tiếp tục suy nghĩ về điều này. Tôi nghĩ đến Thánh Giuse thành Nazareth. Và những bậc vĩ nhân khác. Dù sao thì mục đích của công việc của chúng ta là gì? Về điểm này thì có nhiều điều hơn so với những gì mắt thấy.

Theo những nhà tư tưởng vĩ đại như Aristotle, công việc, trái ngược với giải trí, theo định nghĩa là một hoạt động sản xuất ra thứ gì đó bên ngoài chính công việc. Do đó, việc đánh giá công việc dựa trên mức độ nó sản xuất ra những gì nó muốn sản xuất là hợp lý. Tôi không nghĩ rằng Thánh Newman hay bất kỳ người nào có trí khôn sẽ đặt vấn đề về điều này. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét kỹ hơn về phương diện công việc là để “sản xuất” ra một cái gì đó, chúng ta có thể khám phá ra một sự phong phú hơn nữa về chiều sâu.

John Ruskin, khi nhìn nhận một cách có phê bình về các thành phố công nghiệp của Anh, đã đưa ra một nhận xét tàn khốc: “Chúng ta sản xuất ra mọi thứ ở đó ngoại trừ con người.” Ông nói tiếp: “Chúng tôi tẩy trắng vải bông, tôi luyện thép, tinh chế đường và định hình đồ gốm; nhưng việc tẩy trắng, tôi luyện, tinh chế hoặc hình thành một tinh thần sống đơn nhất lại không bao giờ nằm ​​trong sự ước lượng của chúng ta về thiện ích.”

Những lời của Ruskin mở ra trước mắt chúng ta sự phức tạp đối với mục đích hoặc mục tiêu của công việc. Có công việc tạo ra những sản phẩm tốt nhưng vẫn thất bại theo những cách thức quan trọng và thậm chí có thể là phi nhân tính. Và tương tự như vậy, có công việc không thành công trong việc tạo ra những sản phẩm như mong muốn, ít nhất là ngay lập tức, nhưng vẫn thành công theo một ý nghĩa chính yếu nào đó - có lẽ là ý nghĩa quan trọng nhất.

Khi xem xét lại công việc của chúng ta theo hướng này, có hai điều quan trọng cần ghi nhớ, một là về thành quả bên trong của công việc và một là về thành quả bên ngoài:

1) Chúng ta cần khám phá lại một khía cạnh dễ bị bỏ qua của công việc: cách công việc nên phát triển như thế nào.

Josef Pieper sử dụng thuật ngữ “trổ sinh hoa trái bên trong”. Có một mối nguy hiểm thực sự, đặc biệt là ngày nay, khi chỉ tập trung vào các khía cạnh bên ngoài và khía cạnh “mang đến hiệu quả” ngay lập tức của công việc. Đây là những gì được chú ý, khen ngợi và trả công, và do đó, chúng chiếm hết sự chú ý của chúng ta và trở thành tiêu chí duy nhất về sự thành công, về cách chúng ta đánh giá “thành công” trong công việc của mình và thậm chí là công việc nào nên làm hay không.

Nhưng theo một kế hoạch vốn được khắc ghi trong bản chất sâu thẳm của con người, một sự chú trọng thích đáng vào tính ưu việt trong sản xuất - điều vốn luôn đặc trưng đối với những người hành nghề trong mọi “lĩnh vực nghệ thuật” - là một yếu tố then chốt (nếu không muốn nói là duy nhất) trong sức mạnh làm trổ sinh hoa trái từ bên trong của công việc. Nói cách khác, sự nỗ lực đúng đắn để đạt đến tính ưu việt là một phần để làm sao cho công việc của chúng ta sản sinh ra thành quả lớn nhất: đó là sự thanh lọc và trưởng thành của tâm hồn chúng ta. Tôi nghĩ đến câu nói: “Khi tôi làm việc trong khu vườn, khu vườn của tôi sẽ làm việc cùng với tôi.”

2) Chúng ta nên có cái nhìn lâu dài về các thành quả bên ngoài từ công việc của mình.

Điều này khởi đi từ kết quả vật chất cụ thể. Công việc trong khu vườn không chỉ được đo lường bằng sản phẩm của năm nay - cho dù nó có đáng mơ ước và quan trọng đến đâu. Chúng ta làm việc theo cách mà những gì chúng ta gieo trồng bây giờ sẽ chỉ đơm hoa kết trái sau này (đặc biệt là khi chúng ta dành sự chăm sóc cho đất đai). Điều tương tự cũng có thể nói về công việc của bất kỳ người thợ thủ công thực thụ nào, những người mà công việc của họ luôn hướng đến việc phục vụ cuộc sống con người về lâu dài. Giá trị thực sự của những gì một người thợ mộc làm ra ngày nay trở nên rõ ràng khi họ phục vụ mọi người trong nhiều năm.

Sau đó, có những ngành nghệ thuật mà chính công việc và thành quả “bên ngoài” của chúng nằm trong thể xác và tâm hồn của những người khác, chẳng hạn như bác sĩ, nhà trị liệu, cố vấn, giáo viên hoặc linh mục. Hoặc cả cha mẹ. Ở đây, đặc biệt là cần có cái nhìn về lâu dài. Những gì chúng ta làm bây giờ không chỉ vang vọng qua nhiều thế hệ; mà còn hướng đến nhiều thế hệ mai sau.

Điều này đưa chúng ta trở lại với một con người là Giuse. Một con người đã làm việc. Bằng đôi tay và trái tim của mình. Thánh nhân đã gieo hạt giống. Trên mỗi chiếc ghế, ngài cẩn thận chế tác. Trong từng lời nói, ngài cẩn thận lên tiếng; với người vợ của mình, và với con trai của các ngài; và với mọi người may mắn gặp được ngài.

Một xưởng mộc của thánh nhân đã chế tác ra nhiều thứ. Trên hết, nó chế tác ra con người, bắt đầu từ chính ngài. Nó chế tác ra những điều kỳ diệu, vượt xa, vượt ngoài sự tính toán của ngài, vang vọng qua nhiều thời đại. Và điều này chính xác là vì ngài đã kiên trì làm việc, thi hành công việc của mình như một món quà, không bị phân tâm bởi bất cứ điều gì trôi qua nhanh chóng, chẳng hạn như lời khen ngợi hay danh tiếng.

Thật là một món quà có một không hai. Công việc đậm chiều sâu này của Thánh Giuse - từ những nét vẽ trên các công cụ của mình, đến trật tự ngài đem vào cuộc sống gia đình mình - là một thực hành về chế tác ra sự phát triển của con người, dù trực tiếp trong tâm hồn hay thông qua phương tiện của những thứ vật chất. Tất cả đều chú tâm vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Và điều này cũng có thể như vậy đối với chúng ta.

Tác giả: John Cuddeback* - Nguồn: Catholic Education Resource Center (01/5/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

----------------------------------

* John Cuddeback là giáo sư Triết học tại Christendom College (Trường Cao đẳng Kitô giáo) và là tác giả của True Friendship: Where Virtue Becomes Happiness (Tình bạn đích thực: Nơi nhân đức trở thành niềm hạnh phúc) và Aristotle's Ethics: A Guide to Living the Good Life (Đạo đức học của Aristotle: Một hướng dẫn để sống cuộc đời tốt đẹp).

179    10-08-2024