Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Thánh lễ

Thánh lễ
Nguồn gốc thánh lễ

Từ thời các Tông đồ, Thánh lễ đã là trung tâm của phượng tự Kitô giáo. Bởi lẽ, Thánh lễ không là gì khác hơn việc cử hành Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập trong bữa tiệc ly, khi Người truyền cho các Tông đồ “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc22,19). Bữa tiệc ly diễn ra trong bối cảnh bữa ăn vượt qua kỷ niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập. Trong khung cảnh đó Chúa Giêsu đã ban cho lễ vượt qua của người Do Thái một ý nghĩa dứt khoát. Cuộc vượt qua của Chúa Giêsu để về với Cha Ngài qua cái chết và sự sống lại, thật sự là cuộc vượt qua mới, được tham dự trước trong bữa tiệc ly và được cử hành trong bí tích Thánh Thể, cuộc vượt qua đó hoàn thành lễ vượt qua của người Do Thái và tham dự trước lễ vượt qua chung cuộc[1]. Chắc hẳn Thánh lễ có nguồn gốc và những mối liên hệ với các biến cố đó.

I.Tiệc vượt qua của người Do Thái

1.Trước thời xuất hành 

Ban đầu, lễ Vượt Qua là ngày lễ gia đình của dân du mục. Người ta tổ chức lễ từ đêm, lúc trăng tròn vào ngày xuân phân, tức ngày 14 của tháng abib hay épis (sau thời kỳ lưu đày thì gọi là nisan). Người ta dâng cho Giavê một con vật sinh trong năm ấy để nhận lãnh những phúc lành từ trời ban xuống đàn gia súc. Vật hiến tế thường là một con chiên hay một con dê đực không thương tích (Xh 12,3-6), không bị người ta bẻ gãy cái xương nào (Xh12,46; Ds 9,12). Máu con vật được bôi lên cửa của mỗi nhà như là dấu hiệu bảo vệ. Thịt của nó được các khách dự ăn ngay trong bữa ăn vì buộc phải lên đường nhanh (Xh12,8-11). Những nét du mục và mang tính gia đình này gợi lên một nguồn gốc rất lâu đời của lễ Vượt Qua: lễ này có thể là lễ tế mà người Israel xin vua Pharaon được đi vào sa mạc cử hành, nhưng có lẽ nó bắt nguồn từ trước cả Môsê và thời kỳ trốn khỏi Ai Cập. Thế nhưng chính thời kỳ xuất hành mới đem lại cho lễ này ý nghĩa cụ thể.[2]

2.Thời xuất hành

Mùa xuân vĩ đại của Israel là mùa xuân Thiên Chúa giải phóng họ khỏi ách người Ai Cập bằng một loạt sự can thiệp từ trời, mà một trong những sự can thiệp nổi bật nhất được xác định qua tai ương thứ mười: giết hại các con đầu lòng của người Ai Cập (Xh 11,5; 12,12.29…). Truyền thống sau này gắn kết sự kiện này với việc sát tế các con vật đầu lòng của đàn gia súc và chuộc lại những đứa con đầu lòng của người Israel (Xh 13,11-15; Ds 3,13; 8,17). Sự liên hệ giống nhau này chỉ là phụ. Điều quan trọng đó là lễ Vượt Qua gắn liền với sự giải phóng Israel: lễ này trở thành lễ tưởng nhớ việc xuất hành, biến cố trọng đại trong lịch sử của Israel; lễ này nhắc nhớ rằng Thiên Chúa đã đánh phạt Ai Cập nhưng chừa lại con cái trung thành của Ngài (Xh12,26…; 13,8…). Từ đó trở đi, điều này sẽ trở thành ý nghĩa của lễ Vượt Qua và là sự ảnh hưởng mới của danh Ngài.

3.Thời lưu đày

Trong thời ngôn sứ Gierêmia, dân Do Thái bị lưu đày ở Babylon. Trở về sau cuộc lưu đày này, tục mừng lễ Vượt qua dần dần được thay đổi, chủ yếu là phong cách của thực khách “không đi giày, không cầm gậy, không ăn hối hả như khi xưa. Họ chỉ nằm nghiêng trên sập mà ăn, khoan thai như khi ăn yến tiệc. Thời kỳ này lễ Vượt qua trở thành lễ chính. Nếu bỏ không mừng kính thì bị khai trừ (x.Ds 9,23) những người chịu cắt bì phải tham dự lễ ấy. Và luật tư tế ấn định như một pháp chế không thay đổi. Lễ Vượt Qua trở thành một dịp hành hương lớn, một trong những ngày lễ trọng của phụng vụ Do Thái .

4.Thời Chúa Giêsu

Vào thế kỷ I trước Công Nguyên, hy tế Vuợt Qua và bữa ăn chỉ diễn tại Giêrusalem vì con vật (một con cừu hoặc một con dê) phải bị giết trong Đền thờ. Sách Đệ nhị Luật đã mô tả là bữa tiệc của người Do Thái phải diễn ra tại Giêrusalem, là trung tâm chính trị và tôn giáo linh thiêng của đạo Do Thái. Lễ Vượt Qua là một ngày hội hành hương, đám đông dân chúng khắp các nơi trên đất nước Palestin tụ về để mừng lễ quan trọng nhất. Lễ Vượt Qua của người Do Thái bắt đầu vào ngày 14 tháng Nissan, kéo dài thêm một tuần sau đó (x.Lv 23,4-7). Nissan là tháng đầu của mùa gặt, vào mùa xuân, mùa đầu tiên của chu kỳ thời gian. Người ta mang đến Đền Thờ những hoa trái đầu tiên của mùa màng từ ngày thứ hai của tuần lễ Vượt Qua. Điều mà những người Do thái mừng lễ thường diễn ra vào chính ngày Thiên Chúa giải phóng dân khỏi cảnh nô lệ Ai-Cập[3].Vào lúc 3 giờ, bắt đầu thánh hiến các sinh vật không bị tì vết một năm tuổi, được các vị đứng đầu mỗi  hộ gia đình đem tới khu vực Đền thờ. Các thầy Lê vi và các khách hành hương cùng hát thánh ca và thánh vịnh để ngợi khen và tạ ơn. Vào xế chiều, các gia đình ăn bữa tiệc Vượt Qua.

Lễ Vượt Qua bắt đầu vào buổi tối. Bữa ăn sẽ được ăn ngay khi trời tối, vì ngày của người Do Thái được bắt đầu khi mặt trời lặn. Lễ vượt qua là lễ quan trọng nhất của người Do Thái và kéo dài đến một tuần. Chiên được sát tế tại cửa đền, tư tế lấy máu chiên đổ dưới chân bàn thờ. Đêm xuống người ta sẽ ăn thịt chiên theo gia đình hay theo nhóm, lấy chút máu bôi lên cửa nhà (x.Xh12,7.22). Lễ vượt qua được cử hành như một cuộc tưởng niệm giúp mỗi người sống lại kinh nghiệm của cha ông. Trong tiệc vượt qua, người ta ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng. Ngoài ra họ còn uống với nhau bốn chén rượu: chén khởi ca, chén ký sự, chén chúc tụng và chén cảm tạ. Những chén này được chủ tọa chúc lành để kỷ niệm 4 lời hứa của Thiên Chúa với dân Do Thái. Diễn tiến nghi thức: Nghi thức mở đầu: thắp đèn, đọc lời chúc tụng trên chén thứ nhất. Phần tường thuật: người con út hay người trẻ nhất trong bàn ăn hỏi về ý nghĩa của nghi thức đặc biệt này. Gia trưởng sẽ tạ ơn Chúa và thuật lại biến cố trên đất Ai Cập và việc Thiên Chúa đã ra tay giải thoát như thế nào. Tiếp đó họ uống chén thứ 2: chén ký sự  rồi rửa tay. Phần bữa ăn, gia trưởng cầm lấy một trong những tấm bánh không men, đọc lời chúc tụng trên bánh, tiếp đến vị gia trưởng bẻ bánh ra và phân phát. Người ta ăn thịt chiên trước, sau đó họ có thể ăn và uống tùy ý. Tiếp theo gia trưởng đọc kinh tạ ơn và họ chuyền tay nhau uống chén thứ 3, gọi là chén chúc tụng và hát hết phần cuối thánh vịnh Hallel. Phần kết thúc hát bài ca chúc tụng cuối cùng, người ta cạn chén thứ 4. Người Do Thái cử hành lễ vượt qua hằng năm như một việc tưởng nhớ có tính chất phụng vụ, và việc này bao hàm nhiều ý nghĩa hơn là chỉ nhớ lại một sự kiện trong quá khứ. Theo đó việc tưởng nhớ không chỉ được gợi lại mà thôi, nhưng còn được sống lại, được hiện tại hóa một cách mầu nhiệm cho những người đang cử hành đại lễ này[4].

II.Tiệc Vượt Qua của Chúa Giêsu

Vào thời Đức Giêsu, tất cả người Do thái thường phải hành hương về Giêrusalem để cử hành lễ Vượt Qua. Các Tin mừng làm chứng rằng, Đức Giêsu đã sống trong bầu khí các lễ hội này. Vào bữa ăn cuối vào Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Giêsu đã chỉ dẫn cách rõ ràng mối liên hệ tương tác giữa hiến tế của Người và điều mà được thực hành tại lễ Vượt Qua.

Đức Giêsu ở vị trí chủ nhà. Người cầm chén thứ nhất đọc lời chúc tụng sau đó Người uống và trao chén rượu cho những người xung quanh. Rửa tay (có thể Ngài rửa chân cho môn đệ vào lúc này). Tiếp đến ăn khai vị, bắt buộc phải có rau đắng và nước chấm pha với dấm. Phần tường thuật: thay vì cầm bánh không men và đọc lời khai mạc, tường thuật như truyền thống người Do Thái cử hành lễ vượt qua Đức Giêsu lại nói: đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22,19), chính tại đây Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể dưới hình bánh. Ngài bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ cùng ăn. Tiếp theo mọi người uống chén rượu thứ hai, rửa tay, đọc lời chúc tụng ngắn và nhập tiệc. Đọc lời chúc tụng trên chén thứ ba: hãy uống chén này, đây là máu Thầy máu giao ước đã đổ ra vì anh em (Mt 26,27). Phần lần kết thúc, sau khi rửa tay vị chủ tọa mời gọi tạ ơn hát phần hai của thánh vịnh Hallel và cạn chén thứ tư. Chúa Giêsu đồng hóa mình với chiên vượt qua. Các hành động của Chúa Giêsu tại bữa tiệc ly tiên báo cách mầu nhiệm về hy tế của Người trên thập giá. Trong bữa ăn vượt qua, cũng là bữa tiệc ly Chúa Giêsu tự nguyện dâng mình và máu mình để muôn người được tha tội.[5] Chính Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với chiên hiến tế thường được tiến dâng trong lễ vượt qua. Ngài nói về Mình và Máu, máu sẽ đổ ra cho muôn người được tha tội ám chỉ các hy lễ đền tội trong đền thờ, Ngài còn nói đến máu giao ước mới và vĩnh cửu nhắc nhớ giao ước Sinai (Xh 24.1-17).

III.Thánh Lễ ngày nay và mối lên hệ

Thánh lễ bắt nguồn từ một nghi thức của Do Thái, nghi thức vọng lễ Vượt Qua, trong đó mỗi gia đình người Do Thái dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã thương giải phóng dân tộc của họ thoát khỏi ách nô lệ của Ai cập, cảm tạ Người vì những cuộc giải cứu khác về mặt thiêng liêng mà cuộc giải phóng đầu tiên này là dấu chỉ. Nghi thức Vượt Qua cũng loan báo Đấng Cứu Tinh sẽ đến, là Đấng Thiên sai sẽ chiến thắng sự chết và tội lỗi, và sẽ đưa Lịch Sử thánh đến sự hoàn tất. Diễn tiến của nghi thức này cũng chính là diễn tiến mà chúng ta gặp trong Thánh lễ hôm nay: nhắc lại những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho dân Người, tiếng hát và lời tạ ơn, chúc tụng và chia sẻ bánh, rượu. Có những điểm giống nhau của thánh lễ với nghi thức Vượt Qua của người Do Thái: bởi trong chính một buổi cử hành lễ Vượt Qua, Chúa Kitô đã lập bí tích Thánh Thể. Thay vì chỉ chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho bánh, rượu và mọi điều hạnh phúc, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và nói: “Này là Mình Thầy, chịu phó nộp vì các con, các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”. Cũng vậy sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước mới trong máu Thầy; mỗi lần các con uống, các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cor 11, 23-25). Như vậy, chúng ta thấy rõ bữa Tiệc Ly bắt nguồn từ một nghi thức tạ ơn của người Do Thái được cử hành để tưởng nhớ cuộc giải phóng của dân riêng Thiên Chúa. Nhưng dù vẫn giữ lại ý nghĩa của nghi thức này, Chúa Kitô lại làm phong phú thêm bằng một ý nghĩa mới mang tầm vóc hoàn vũ. Chính Người, là Đấng Cứu Tinh mà mọi người mong đợi, đang thực hiện cuộc giải phóng dân mới của Chúa, tức là Giáo Hội, được cứu độ bởi Thánh Giá và sự phục sinh của Người. Từ bữa Tiệc Ly đó, các Kitô hữu dâng lên Chúa Cha, mỗi ngày và mọi nơi, của lễ hy sinh và tạ ơn của chính Chúa Kitô[6]. Cả hai nghi lễ đều có đổ máu. Lễ vượt qua của người Do Thái máu con vật được đổ ra, còn Đức Kitô cũng đổ máu ra. Vì theo Thánh Gioan chính Đức Kitô là chiên vượt qua đã đổ máu ra để cứu nhân loại. Giờ Đức Giêsu bị giết chính là giờ sát tế chiên, ngài cũng không bị đánh dập ống chân (x. Xh12,46). Gioan Tẩy Giả nói về Đức Giêsu và chỉ cho đám đông rằng : “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Điều này có nghĩa là Đức Giêsu sẽ chịu chết giống như người ta giết những con chiên, và điều này sẽ xảy ra vì tội lỗi của con người. Cái chết của Đức Kitô vào thứ Sáu Tuần thánh cho thấy mối tương quan trực tiếp với việc hiến tế của các con chiên vào lễ Vượt Qua tại Giêrusalem. Thánh Phaolô đã viết: “Đức Kitô, đấng phục sinh của chúng đã bị hiến tế”. Trong sách Khải Huyền, Đấng Thiên Sai được giới thiệu giống như “Con Chiên chịu hiến tế”. Quả vâỵ, “Người đã chuộc muôn dân về từ các chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia bằng máu của Người”. Tân Ước đặt cái chết của Đức Giêsu trong tương quan với việc giải phóng được miêu tả trong sách Xuất Hành. Hành động này được diễn tả nhằm nói đến một cách chung cho tất cả con người: máu Đức Kitô giải thoát tất cả con người để quy tụ họ thành một dân duy nhất. Sự tự do đạt được không phải là khỏi vua Ai cập, Pharaon, nhưng khỏi sự dữ vốn rình rập tất cả loài người: những đau thương, ước muốn xấu xa và lỗi tội… Được giải thoát khỏi quá khứ, những người tin này cùng bước vào con đường hướng đến Vương Quốc của Thiên Chúa.

Trong khi tưởng nhớ bữa ăn cuối cùng của Đấng Cứu Chuộc, tưởng nhớ cái chết và sự phục sinh của Người, các tín hữu sống lại tâm tình của biến cố Phục Sinh trong mỗi thánh lễ[7]. Điều chắc chắn là ngay từ thuở đầu Hội Thánh đã cử hành Thánh Thể. Việc cử hành Bữa tối của Chúa luôn luôn là tâm điểm trong đời sống của Hội Thánh. Việc cử hành này đã mang những tên gọi khác nhau: từ “việc bẻ bánh” (Cv 2,42) đến “Thánh Thể”, “Phụng Vụ thánh” trong nghi lễ Đông Phương và “Thánh Lễ” trong truyền thống Latinh (GLHTCG 1328-1332). Tuy nhiên điểm chung nhất trong việc cử hành này là thực hiện lệnh truyền của Chúa: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cor 11,24). Chúa Giêsu đã làm gì trong Bữa Tiệc Ly? Người đã làm hai điều khác thường ở hai thời điểm. Ở đầu bữa ăn, thông thường người ta xin Chúa chúc lành cho bánh, thì Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em”. Vào cuối bữa ăn, khi người Do Thái xin Chúa chúc lành cho “chén chúc tụng” thì Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu và nói: “Đây là Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội”. Những lời và hành động của Chúa Giêsu ở đây muốn nói đến cái chết sắp tới của Chúa Giêsu, đồng thời nối kết với những lời nói và hành động trong tiệc Vượt Qua của Do Thái. Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu sẽ là cuộc Vượt Qua mới, không chỉ giải thoát con người khỏi ách nô lệ Ai Cập, nhưng giải thoát khỏi tội lỗi. Cuộc Vượt Qua của chính Chúa Giêsu - Người bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha - là cuộc Xuất Hành mới và dứt khoát (GLHT 1340). Cũng như người Do Thái cho đến ngày nay vẫn tưởng nhớ biến cố xuất hành khỏi Ai Cập khi họ mừng lễ Vượt Qua, thì chúng ta cũng cử hành sự chết và phục sinh của Chúa “cho tới khi Chúa đến” (số 1344). Những lời nói và hành động của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly không chỉ hướng về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài, nhưng đã gắn liền với biến cố đó rồi. Khi làm cho bánh và rượu nên Mình và Máu của Người, Chúa Giêsu đã ban cho cho chúng ta điều mà Người hoàn tất nơi mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh, tức là ơn cứu độ. Việc hiểu mối liên hệ này làm sáng tỏ Thánh Thể mà chúng ta cử hành ngày nay lại tưởng nhớ hi tế trên đồi Canvê. Lệnh truyền “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” chính là cử hành hy tế vượt qua mới, tức là Mình và Máu Người. Các Tông Đồ đã thực hiện như việc tưởng nhớ theo Kinh Thánh. Việc tưởng nhớ đem quá khứ và hiện tại đến với nhau, làm cho sự kiện xa xôi trong quá khứ hiện diện cách mầu nhiệm trong hiện tại. Khi truyền cho các Tông Đồ, Chúa Giêsu không nói với các ông thực hiện một bữa ăn hoàn toàn mang tính nghi thức để giúp người ta tưởng nhớ đến Người nhưng như là một việc tưởng niệm mang tính phụng vụ, và như thế bữa tiệc ly được hiện tại hóa cho những ai thờ phượng đang cử hành Thánh Thể. Mỗi lần chúng ta cử hành biến cố vượt qua mới là Thánh Thể là chúng ta tham dự một cuộc xuất hành mới là cái chết vinh thắng của Chúa Giêsu trên thập giá. Cuộc vượt qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Đức Kitô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn hiện diện (GLHT 1364). Trong Thánh lễ chúng ta kết hiệp mọi niềm vui đau khổ của mình với của lễ là chính Đức Kitô dâng lên Cha và như thế chính chúng ta cũng trở nên một của lễ.[8]

Kết luận

Thánh lễ bắt nguồn từ nghi thức vọng vượt qua của người Do Thái. Trong đó mỗi gia đình dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã giải phóng dân tộc thoát ách nô lệ Ai Cập. Nghi thức vượt qua này cũng loan báo Đấng Cứu Thế sẽ đến. Ngài là Đấng Thiên Sai sẽ chiến thắng sự chết và tội lỗi đưa lịch sử đến hoàn tất. Bữa tiệc ly bắt nguồn từ nghi thức tạ ơn của người Do Thái để tưởng nhớ biến cố Thiên Chúa giải phóng dân Người thì Đức Kitô đang thực hiện cuộc giải phóng dân mới bằng hiến tế thập giá và cuộc phục sinh của Người. Thánh lễ cũng diễn tiến theo nghi thức vượt qua để nhắc nhớ đến những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho dân Chúa. Trong thánh lễ các kitô hữu dâng lên Thiên Chúa Cha lễ hy sinh và tạ ơn của Đức Kitô. Chúng ta cùng dâng lên tiếng hát lời tạ ơn chúc tụng và chia sẻ bánh rượu đã được thánh hiến thành Mình và Máu của Đức Kitô. Giáo hội không cử hành bữa tiệc ly nhưng cử hành sự chết và sống lại của Đức Kitô dựa trên cử chỉ, lời nói của người trong bữa tiệc ly. Người đã thực hiện bốn cử chỉ: cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ. Trong thánh lễ, việc tưởng nhớ đến Đức Kitô không chỉ là một kỷ niệm, nhưng đây là tác động bí tích, qua đó điều Đức Kitô đã thực hiện một lần trong bữa tiệc ly thì được ban cho chúng ta thực sự trong hiện tại. Thánh lễ hiện tại hóa hy tế thập giá, việc tưởng niệm hy tế đó sẽ còn mãi mãi cho đến ngày tận thế, và sức mạnh cứu độ của hy tế sẽ tha thứ các tội lỗi chúng ta phạm hàng ngày.[9]
 
Trần Hòa
 
[1] GLHT 1340
[2] http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/tu-vung-than-hoc-thanh-kinh-le-vuot-qua-7930.html
[3] Lm. Joseph Nguyễn Hiển, OP http://daminhvn.net/than-hoc/le-vuot-qua-cua-nguoi-do-thai-va-le-phuc-sinh-kito-giao-8300.html
[4]Edward Sri,s.t.d.Tìm Hiểu Thánh Lễ. Học Viện Đa Minh 2015
[5] Edward Sri,s.t.d, ibid, p.134
[6] Lm.Vũ Thái Hòa. http://www.conggiao.org/40-cau-hoi-ve-thanh-le/
[7] Lm. Joseph Nguyễn Hiển, OP.Viết theo José Loncke, Pâque et Pâques, dans Croire pocket, livre n° 19/2009 http://daminhvn.net/than-hoc/le-vuot-qua-cua-nguoi-do-thai-va-le-phuc-sinh-kito-giao-8300.html
[8] Edward Sri,s.t.d. ibid, p.135
[9] GLHTCG 1366
825    22-07-2018