Sidebar

Thứ Sáu
17.01.2025

Thiên Chúa có biết yêu?

ttmv
 Ảnh minh họa từ LinkedIn


Mỗi năm cứ mỗi độ Giáng Sinh về trong lòng chúng ta đều háo hức chuẩn bị cũng như trang trí cho biến cố trọng đại này. Bên cạnh những việc chuẩn bị bề ngoài như làm hang đá Giáng Sinh, chuẩn bị cây thông Noel hay trang trí nhà cửa bằng những dây đèn lấp lành đủ màu sắc thì chúng ta còn chuẩn bị tâm hồn của mình để đón chờ Chúa giáng trần. Lễ Giáng Sinh không chỉ là một lễ trọng trong truyền thống Kitô giáo mà còn trở thành ngày lễ quốc tế khi mà nhiều người trên thế giới cùng nhau kỉ niệm biến cố trọng đại này. Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều có chung cảm xúc bồi hồi lẫn xúc động khi cùng nhau cất lời ca chúc tụng “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Chúng ta đều mong mỏi ngày Thiên Chúa đến với chúng ta qua hình hài một Hài Nhi bé nhỏ sinh ra nơi máng cỏ nghèo hèn. Chúng ta không khỏi xúc động vì chính Thiên Chúa đã đích thân đến với con người.

Đó chính là cảm xúc chung của chúng ta trong địa vị làm con Thiên Chúa. Đứng trước tình yêu quá to lớn của Ngài chúng ta chỉ biết cảm tạ và cất cao lời ca khen mãi không ngừng. Thế nhưng, có bao giờ chúng ta thử đặt mình vào vị thế của Thiên Chúa để nghĩ xem Ngài sẽ có cảm xúc thế nào khi cho Con Một của Ngài xuống thế làm người. Chắc chắn chúng ta không thể nào nắm bắt được cảm nghĩ của Thiên Chúa, nhưng chúng ta vẫn có thể cách nào đó hiểu được phần nào suy nghĩ của Ngài bởi vì chúng ta được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và nhiều lần trong Kinh Thánh Thiên Chúa đã thổ lộ tâm tư của Ngài cho Dân Thánh.

Điều này gợi nhắc cho tôi về sách ngôn sứ Hôsê, trong đó có đoạn viết “Trái tim ta thổn thức, ruột gan ta bồi hồi.” (Hs 11, 8c) Thiên Chúa, qua ngôn ngữ con người, thể hiện những cảm xúc thật mãnh liệt và da diết. “Thổn thức” nói lên một trạng thái có những tình cảm làm rạo rực và xao xuyến không yên. Và “bồi hồi” cũng nói lên trạng thái cảm xúc có những ý nghĩ và cảm xúc trở đi trở lại, làm xao xuyến không yên. Điều này nói lên trọng tâm của tình yêu Thiên Chúa được đặt nơi con người. Con người luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng Thiên Chúa. Cho nên, trái tim Thiên Chúa luôn thổn thức trước cảnh khổ của dân Ngài. Dù dân có lầm lỗi, phạm tội hết lần này đến lần khác thì Thiên Chúa cũng không thể nào chối bỏ nó được. Ngài đã yêu và yêu nó cho đến tận cùng. Ruột gan Ngài bồi hồi vì Ngài mong được gặp nó, được nâng đỡ và chở che cho nó, đặc biệt những lúc nó bị quân thù tấn công tứ phía. Qua đó, chúng ta thấy Thiên Chúa vẫn một mực trung tín dù cho con người nhiều lần bội nghĩa bất trung. Sau khi Tổ tông loài người sa ngã, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi, Ngài vẫn đồng hành và kết giao ước với tổ phụ Ápraham cho đến muôn ngàn đời. Lời Hứa ấy vẫn có hiệu lực đến muôn thế hệ.

Trong suốt dòng lịch sử cứu độ, bằng nhiều cách thế khác nhau và qua nhiều trung gian của nhân loại, Thiên Chúa đã cứu giúp dân Do Thái thoát khỏi gian nan và thử thách. Thiên Chúa đã cử Môsê giải thoát dân khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Thiên Chúa đã chọn các vua để cai trị dân. Trong thời lưu đày chính Ngài đã gửi các ngôn sứ đến để loan báo niềm hi vọng được cứu thoát. Là một người Cha, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con mình. Ngài cũng đau khổ khi thấy nó vấp ngã, phạm tội và chịu tù đày. “Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai Cập Ta đã gọi con Ta về. (Hs 11, 1) Thiên Chúa đã yêu dân được tuyển chọn, Ngài yêu nó bằng một tình yêu vô vị lợi và gọi nó bằng một tên gọi vô cùng trìu mến “con Ta.” Thiên Chúa là Cha và dân Ngài chọn là con của Ngài. Đặc biệt, Ngài khẳng định “Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.(Hs 11, 9)

Khi thời gian tới hồi viên mãn, chính Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến trần gian để sống như một con người và để hoàn thành Lời Hứa từ ngàn xưa đối với nhân loại. Trong thời khắc trọng đại ấy, trái tim của Thiên Chúa cũng thổn thức, ruột gan Ngài cũng bồi hồi bởi vì nhân loại sắp được cứu thoát. Con người thật quý giá trong con mắt của Thiên Chúa. Nó là tạo vật được bao bọc bởi tình yêu và sẽ được cứu rỗi cũng bởi tình yêu. Đứng trước khoảnh khắc đó, trái tim của người Cha là Thiên Chúa chắc hẳn sẽ đập nhanh hơn, Ngài cũng hồi hộp không biết nhân loại sẽ đón nhận Tin Mừng ấy thế nào. Ngài chắc hẳn sẽ vui vì biết rằng nhờ vào người Con Một của Ngài mà nhân loại sẽ được đưa về gần Ngài hơn. Niềm vui ấy có lẽ còn mãnh liệt hơn cả biến cố Dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ bởi không chỉ một dân tộc cụ thể nào mà là cả nhân loại sẽ được cứu thoát khỏi ách nô lệ sự chết. Quả thật, đó là một mầu nhiệm – mầu nhiệm của tình yêu.

Điều này diễn tả tột đỉnh của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài dám hi sinh người Con Một của mình để làm giá chuộc cho toàn thể nhân loại. Qua đó chúng ta thấy mình thật quý giá trong con mắt của Thiên Chúa. Có lẽ Ngài cũng đau khổ lắm nhưng chúng ta không thể nào hiểu được logic của sự hi sinh đó. Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu được và Ngài chấp nhận cái giá đó để mang con người về bên Ngài. Và chúng ta cũng hạnh phúc vì biết rằng mình được yêu thương bằng một tình yêu vô điều kiện và không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa nếu chúng ta luôn tựa nương vào Ngài.

Hơn 2000 năm trước Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để dạy con người bài học của tình yêu. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Hàng năm chúng ta vẫn tưởng niệm biến cố ấy. Nó là sự nhắc nhở chúng ta về tình yêu của người Cha. “Trái tim ta thổn thức, ruột gan ta bồi hồi.” (Hs 11, 8c) Chúa Giêsu sẽ không còn Giáng Sinh như 2000 năm trước nữa cho đến khi Ngài đến trong ngày phán xét. Thế nhưng, việc tưởng niệm này nhắc nhớ chúng ta về lời mời gọi của Chúa dành riêng cho từng người. Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi nhập thể vào cuộc đời để mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho người khác. Chúng ta cần mang trong mình trái tim của Chúa, một trái tim biết thổn thức và bồi hồi trước những đau khổ của anh chị em mình. Ước gì mỗi người cảm nhận được nhịp đập của trái tim Chúa và cùng nhịp đập ấy đem tình yêu vào trong thế giới mà chúng ta đang sống.

Thực trạng của thế giới hiện nay vẫn còn nhiều mảng tối của chiến tranh và xung đột, của đói nghèo và bệnh tật, của bất công và áp bức, của thiên tai và nhân tai. Biết bao người nghèo và đau khổ đang kêu gào lên chúng ta. Trước tình cảnh đó, con mắt của chúng ta có nhìn thấy, đôi tai của chúng ta có nghe thấy và con tim của chúng ta có rung động không? Chúng ta được Thiên Chúa mời gọi động lòng và hành động vì anh em mình. Nhiều người đã bưng tai bịt mắt khi chứng kiến những bất công, đã chỉ ở lại nơi an toàn của mình mà không đếm xỉa gì đến những người mất nhà mất cửa vì chiến tranh hay thiên tai. Nhiều người chẳng muốn dang tay ra để nắm lấy bàn tay của những người nghèo đang bị lún sâu vào hố tử thần của đói nghèo và bệnh tật vì họ sợ do tay mình bị dơ và sợ của cải mình bị thâm hụt. Còn chúng ta thì sao? Ước gì mỗi người biết động lòng trước những mảnh đời khó khăn để ra tay giúp đỡ bằng cách này hay cách khác miễn là chúng ta làm chúng với một tình yêu vô vị lợi. Chính tình yêu sẽ thúc đẩy sự sáng tạo nơi mỗi người để rồi chúng ta sẽ biết mình phải làm gì cho những mảnh đời mà chúng ta gặp gỡ. Hãy để tình yêu dẫn dắt chúng ta đến những nơi mà chính chúng ta cũng không ngờ tới. Mỗi người hãy chung tay để đẩy lui đêm đen của sự dữ và thắp lên chính nguồn ánh sáng của niềm tin và hi vọng nơi Thiên Chúa.

Tóm lại, Giáng Sinh là dịp chúng ta cùng nhau quây quần bên máng cỏ để tưởng niệm một biến cố trọng đại – Con Thiên Chúa làm người. Người đã đến để giao hòa trời với đất. Nơi đó, chúng ta cảm nghiệm một tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho từng người trong chúng ta. Hãy để lời của Thiên Chúa đánh động và giúp chúng ta can đảm mang tình yêu ấy đến với tha nhân. “Trái tim ta thổn thức, ruột gan ta bồi hồi.” (Hs 11, 8c) Là con người, chúng ta không thể vô cảm trước cảnh khổ của người khác. Chắc hẳn, chúng ta sẽ bị đánh động, con tim chúng ta sẽ thổn thức và bồi hồi khi chứng kiến người đồng loại của chúng ta gặp hoạn nạn. Hãy cùng nhau mang niềm vui Giáng Sinh đến với từng mảnh đời mà chúng ta gặp gỡ để họ cũng nhận ra địa vị cao quý của mình – là con Thiên Chúa. Đã là con thì đáng được hưởng hạnh phúc. Để rồi mỗi mùa Giáng Sinh qua đi chúng ta sẽ nhận ra giá trị và ý nghĩa thực sự của nó thay vì chỉ mừng niềm vui bề ngoài. Ước mong Thiên Chúa sẽ giáng trần mãi qua nhịp cầu là mỗi người chúng ta. Ước mong Ngài sẽ đi vào cuộc đời của từng người qua nhân chứng tình yêu của mỗi người Kitô hữu.

Tác giả: Philip
(Bài viết được CTV gởi về BBT Website GPVL)

557    01-12-2024