Sidebar

Thứ Tư
17.04.2024

Thiếu nhi và ngày Tết Nguyên Đán

1. Thông thường, khi kết thúc học kỳ I, các bạn thiếu nhi bắt đầu háo hức chờ mong đến Tết. Các bạn mong mau tới Tết để được xúng xính trong những bộ đồ mới, được đi chơi, được ăn những món ăn ngon và được nhận những bao lì xì… Tuy nhiên, rất nhiều bạn chưa hiểu rõ ý nghĩa cũng như những phong tục của Tết Nguyên Đán; đồng thời, cũng có những bạn chưa biết thể hiện đúng lễ nghĩa trong ngày Tết. Vì vậy, dịp Tết sắp đến, tôi muốn giới thiệu với các bạn đôi điều về ý nghĩa, các phong tục, cũng như lễ nghĩa trong dịp Tết truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta. 

2. Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán.

Trong hệ thống những ngày lễ tết của dân tộc Việt Nam chúng ta, Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết  m Lịch, Tết Cổ Truyền, hoặc chỉ gọi đơn giản là Tết) là cái tết lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng rãi nhất và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp nhất của dân tộc. 

Xét về mặt chữ, tên gọi Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ tiếng Hán, chữ “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu, “Đán” là buổi sáng sớm, còn “Tết” là từ đọc trại theo âm của từ “Tiết”, nghĩa là khí tiết (một năm có 24 khí tiết theo lịch xưa và Nguyên Đán là khí tiết đầu tiên trong năm). Như vậy, xét về mặt chữ, Tết Nguyên Đán có ý nghĩa đơn giản là buổi sáng khởi đầu của một năm mới mà thôi.

Nhưng xét về mặt văn hóa xã hội và tôn giáo, Tết Nguyên Đán có nhiều ý nghĩa sâu xa hơn:

- Tết chính là thời khắc của niềm vui sum họp: Vì cuộc sống, vì kế sinh nhai, vì công ăn việc làm, nhiều người phải xa quê hương, xa gia đình, xa những người thân yêu; nhưng khi Tết đến, họ đều hướng về quê hương thân yêu, hướng về gia đình và cố gắng hết sức có thể để được đoàn tụ trong ngày đầu năm, vì niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với một gia đình chính là sự đoàn kết yêu thương nhau.

- Tết còn được coi là thời khắc để tỏ bày lòng hiếu thảo, tôn kính, mến yêu đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ, đặc biệt với những người thân yêu đã khuất: Qua việc nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ và những người thân yêu đã khuất, chúng ta thể hiện mình nhớ đến cội nguồn của mình, nhớ đến ơn sinh thành dưỡng dục và nhớ đến công lao của những bậc tiền bối để cầu nguyện cho các ngài.

- Tết cũng là thời khắc thể hiện niềm tin của mình: Người Việt luôn xác tín rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên; nếu Ông Trời không thương giúp thì dù có cố gắng hết sức đến đâu, cũng chỉ luống công mà thôi. Vì vậy, người Việt hay đi lễ vào dịp tết để tạ ơn và khấn xin những điều tốt lành.

- Cuối cùng, Tết là thời khắc của niềm hy vọng, của mơ ước có được một cuộc sống tốt đẹp hơn: Đối với người Việt, tết chính là thời khắc để họ làm mới lại niềm hy vọng. Hy vọng năm mới sẽ mang lại cho chính bản thân, cho gia đình và cho quê hương đất nước một luồng gió mới, giúp cho cuộc sống được tốt hơn, hạnh phúc hơn và đáng sống hơn.

3. Một số phong tục trong những ngày Tết.

Ngày Tết Nguyên Đán có rất nhiều phong tục tập quán, tùy mỗi địa phương và tùy hoàn cảnh khác nhau. Ở đây, tôi liệt kê một vài phong tục chung nhất, có liên quan các bạn thiếu nhi và nhất là liên quan đến đời sống của người Kitô hữu chúng ta.

- Lau dọn nhà: Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết, nhà nào cũng được dọn dẹp, sửa sang và trang hoàng thật đẹp theo đúng không khí của ngày Tết. Tất cả các vật dụng trong  nhà đều được lau chùi sạch sẽ theo đúng nghĩa năm mới cái gì cũng phải mới. Công việc này cần sự cộng tác của cả gia đình chứ không chỉ một người nào. Do đó, các bạn hãy cùng với cha mẹ, anh chị lau dọn nhà mình cho sạch đẹp nhé!

- Đi thăm viếng: Dân gian có câu “Mồng Một tết cha, Mồng Hai tết mẹ, Mồng Ba tết thầy” để nhắc nhớ bổn phận đi thăm viếng nhau trong ngày Tết. Ngoài thăm thầy cô và bạn bè, là những đối tượng mà các bạn thích đi thăm viếng nhất, các bạn cũng nhớ nhắc cha mẹ dẫn mình đi thăm bà con cô bác, nhất là vú bõ đỡ đầu, vì vú bõ là những người mà các bạn thường hay quên hoặc ngại đi thăm viếng nhất.

- Chúc tết và lì xì: Chúc tết hay mừng tuổi là những phong tục từ lâu đời với mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người. Theo lệ thường thì những ngày tết, con trẻ sẽ chúc tết người lớn. Người lớn cũng chúc lại con trẻ bằng một bao lì xì đi kèm với lời chúc hay ăn, chóng lớn. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn. 

- Đi lễ tết: Trong những ngày Tết, người Công Giáo thường đi tham dự Thánh Lễ, và ý chỉ cho những ngày lễ Tết như sau: Tối Giao Thừa là lễ giao thừa, tạ ơn cuối năm. Ngày Mồng Một Tết là lễ cầu bình an cho năm mới. Mồng Hai Tết là lễ kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ. Mồng Ba Tết là lễ thánh hóa công ăn việc làm. Như vậy, ngoài việc đi chơi với chúng bạn, các bạn đừng quên đi tham dự các Thánh Lễ trong các ngày lễ Tết nhé!  

4. Thể hiện lễ nghĩa trong những ngày Tết.

- Thể hiện sự tri ơn: Trước hết, chúng ta tri ơn Chúa qua việc sốt sắng tham dự các Thánh Lễ trong các ngày lễ Tết như đã nói ở trên. Thứ đến, chúng ta tri ơn các bậc tiền nhân qua việc cầu nguyện cho các ngài trong Thánh Lễ và khi viếng phần mộ của các ngài. Cuối cùng, chúng ta tri ơn ông bà cha mẹ và những người đã có công sinh dưỡng, dạy dỗ mình qua việc mừng tuổi, thăm viếng và chúc tết họ.

- Hãy là một người chủ nhà lịch sự: Tuổi còn nhỏ, có lẽ các bạn sẽ không phải tiếp khách như ông bà cha mẹ. Tuy nhiên, các bạn có thể giúp cho cha mẹ tiếp khách chu đáo bằng việc phụ giúp cha mẹ sửa soạn bàn nước. Đồng thời, các bạn cũng có thể làm cho khách vui lòng khi biết thưa hỏi khi khách đến nhà, và chào tạm biệt khi tiễn khách.  

- Hãy là một người khách đáng yêu: Ngày tết, chắc chắn các bạn sẽ được cha mẹ dẫn đi thăm viếng. Khi đến bất kỳ nhà nào, các bạn hãy thể hiện mình là một trẻ đáng yêu, bằng cách chào thưa khi vào nhà hay khi ra về, nói chuyện lễ phép. Chắc chắn các bạn rất thích ăn bánh kẹo, nhưng đừng vì thế mà thích cái gì lấy cái nấy khi chưa được mời. Còn một điều nữa là các bạn đừng nên chạy lung tung như ở nhà của mình.

- Chúc tết và nhận lì xì: Tết là dịp để gởi những lời chúc tốt đẹp đến cho nhau. Các bạn chắc chắn sẽ phải nói lời chúc tết trước khi được nhận những bao lì xì. Vì vậy, các bạn hãy nhờ cha mẹ chỉ dạy cho cách chúc tết, để khi được mời nói lời chúc tết, các bạn không phải bối rối đến phát khóc. Nếu chưa được cha mẹ chỉ dạy, các bạn hãy nhớ quy tắc đơn giản như thế này: với ông bà lớn tuổi thì chúc “sống lâu trăm tuổi”, với những chú bác trung niên thì chúc “sức khỏe dồi dào”, với các anh chị thì chúc “trẻ đẹp, học giỏi”, với những người làm nghề buôn bán thì lời chúc “buôn may bán đắt”… Kèm theo những lời chúc là một thái độ cung kính, lễ phép. Đồng thời, khi nhận bao lì xì, các bạn đừng bao giờ mở ra xem trong ấy có bao nhiêu tiền khi không được đề nghị. Tiền lì xì là tiền may mắn nên rất bất lịch sự khi vạch ra xem có bao nhiêu trước mặt người lì xì.

5. Trên đây là một vài chia sẻ với ước mong giúp các bạn thiếu nhi hiểu rõ hơn ý nghĩa, các phong tục của Tết Nguyên Đán, cũng như biết thể hiện lễ nghĩa trong dịp tết. Để từ những điều hay lẽ phải, lễ nghĩa trong ngày Tết, các bạn sẽ biết ngoan ngoãn, lễ phép hơn; và điều đó cũng góp phần giúp các bạn hình thành nhân cách tốt cho mai ngày. Cầu chúc các bạn một cái Tết vui tươi, thật nhiều quà lì xì, và nhất là giống như Chúa Giêsu nơi mái nhà Nazareth: càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và nhân đức. 

Lm. Giuse Trần Tử Hiếu 

 

7174    05-02-2017 01:06:39