Sidebar

Thứ Ba
05.12.2023

Thứ Bảy Tuần 24 TN - A: Thách đố

challenge1

PHÚC ÂM Lc 8, 4 – 15

Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:

“Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”

Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.

“Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.”

SUY NIỆM

THÁCH ĐỐ

“Ai có tai nghe thì nghe!”.

Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư vĩ đại người Mỹ, người có hơn 1000 công trình. Ngày kia, ông phải đứng trước một thách đố! Đó là lập dự án cho Imperial Hotel ở Tokyo, một thành phố hay động đất. Cuối cùng, Wright đã thiết kế một nền móng có thể ‘nổi’ trên lớp ‘nệm bùn’ dày hơn 20mtrải dài trên hàng vạn mét vuông. Vừa hoàn thành, Imperial Hotel đã vượt qua một trận động đất tồi tệ khi tất cả toà nhà chung quanh đều đổ nát.

Kính thưa Anh Chị em,

Như những gì đã thách đố F. L. Wright, Tin Mừng hôm nay cũng đặt mỗi người chúng tatrước một ‘thách đố!’. Chúa Giêsu đặt ra bốn thái độ tiếp nhận Lời Chúa và Ngài yêu cầu mỗi người chọn cho mình loại đất chúng ta thuộc về để Lời có thể sinh hoa kết quả: ‘đất đường, đất sỏi, đất gai và đất tốt’. Ngài nói, “Ai có tai nghe thì nghe!”.

Trước hết, ‘Đất đường’ vốn luôn luôn cứng, nên còn gọi là ‘đất cứng!’. Đó là đất đã biến chất khi tâm hồn chúng ta hoáđá. Chúa Thánh Thần soi dẫn làm điều đúng đắn, nhưng chúng ta phớt lờ; và rồi, ma quỷ, như chim chóc chực sẵn sà xuống cướp đi. Sự hời hợt khiến cho Lời không đâm rễ trong linh hồn.

Thứ đến, ‘Đất sỏi!’. Chúng ta vui nhận Lời và bước theo Chúa trong ‘thời bình’; nhưng đến ‘thời chiến’, chúng ta sa ngã. Bởi lẽ, ân sủng không thẩm thấu trong cuộc sống.

Thứ ba, ‘Đất gai!’. Chúng ta ì ạch trong đời sống tâm linh vì quá lo lắng sự đời và bận tâm các thú vui đời. Vì thế, đất không sinh trái! Chúng ta quên, ân sủng Chúa đòi hỏi hy sinh các thú vui thế tục. Ngoài thập giá, không sự thánh thiện nào có thể tăng trưởng!

Sau cùng, ‘Đất tốt!’, đất tinh tuyền, luôn được vun xới, thấm đẫm mưa móc; hạt Lời mọc lên tươi tốt, “hạt ba mươi, hạt sáu mươi, hạt một trăm”. Hứa hẹn ‘một mùa bội thu!’.

Qua thư Timôthê hôm nay, Phaolô nhắc nhở, “Con hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách!”. Điều răn đó là Lời Chúa mỗi ngày, là soi dẫn của Thánh Thần. ‘Thời chiến hay thời bình’, Lời vẫn vươn lên! Đến ngày các thiên thần hô to, “Hãy vào trước thánh nhan Chúa giữa tiếng hò reo!” như lời Thánh Vịnh đáp ca, hẳn chúng ta cũng có thể hoà nhập với “đoàn người sống lại” vang khúc khải hoàn!

Anh Chị em,

“Ai có tai nghe thì nghe!”. Hẳn chúng ta đang đón nhận Lời Chúa không phải trong ‘thời bình’ mà là ‘thời chiến!’. Thời mà đức tin của bạn và tôi không chỉ đứng trước một ‘thách đố’ nhưng vô vàn ‘thách đố’. Hãy đi vào khu vườn bí mật của lòng mình mỗi ngày, hãy đến với Thánh Lễ mỗi ngày! Ở đó, chúng ta gặp Chúa Giêsu, gặp tha nhân và gặp chính mình. Hãy nhìn lại các mối tương quan của chúng ta với Trời, với người và với bản thân. Cách nhận lãnh và phát triển ân huệ Chúa như thế nào là tuỳ vàobạn và tôi. Chúa Giêsu ước mong chúng ta để cho Lời Ngài biến đổi ngay trong ‘thời chiến’ này. Ước gì bạn và tôi sẽ mạnh mẽ thưa lên, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chểnh mảng trong việc nhặt đi những sỏi đá và gai gốc trong linh hồn mỗi ngày; may ra, con vượt mọi ‘thách đố’ và có ‘một mùa bội thu!’”, Amen.

Tác giả: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

70