Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh: Chướng tai

z5365855479775511b3e55b20b467f77abb0ff8783db69

PHÚC ÂM Ga 6, 51. 60 - 69

Tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

“Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

SUY NIỆM

CHƯỚNG TAI

 “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”. 

Kính thưa Anh Chị em, 

Lời Chúa hôm nay cho thấy sự tương phản của dân chúng thời Chúa Giêsu và thời các tông đồ. Cả hai bài đọc nói đến thuận lợi của trò, bất lợi của Thầy; thành quả của trò, thất đoạt của Thầy. Bằng chứng là dân tuôn đến trò, dân rời bỏ Thầy; vì lẽ Lời Thầy “chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”. 

Hội Thánh sơ khai phớn phở như ngày tết vì Phêrô đi đến đâu phép lạ xảy ra đến đó. Kìa, Ênê bất toại được lành; Tabitha, người chết biết đi. Hội Thánh Giuđê, Galilê, Samari, Lốt, Saron và Giaphô vui mừng, nhiều người tin theo. Đang khi với Chúa Giêsu, bối cảnh khá ê chề, vì không ít người nói, “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”; để rồi, “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa”. Mục kích phép lạ nhưng quan trọng là lòng tin, điều phải đến sau đó! Con người mọi thời luôn chạy theo các dấu lạ tức thời, đang khi điều thiết yếu là tin nhận những gì các dấu lạ nhắm đến: tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu, “Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. 

Ở mọi thời, Lời Chúa luôn gây sốc; Tin Mừng luôn là điều khó hiểu, khó chịu và nhất là khó sống. Theo Chúa suốt đời, nhưng Kitô hữu vẫn phải đặt mình trước Lời để chọn lựa mỗi ngày, một chọn lựa căn bản cần làm mới lại thường xuyên ngang qua các chọn lựa nhỏ. Kitô hữu mất đức tin bởi không dám sống niềm tin cũng như không đáp lại những thách thức của niềm tin; vì Lời Chúa là “gươm hai lưỡi, dò xét tâm hồn và thử thách tâm can”. Vậy mà, ở mọi thời, vẫn có nhiều người khôn ngoan mà với họ, “Bỏ Thầy, chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời!”. Lời Chúa tuy khó nghe, nhưng ban sự sống; dẫu ‘chướng tai’, nhưng là thần khí chiếu rọi. 

Cũng có một số người bỏ Chúa không vì Lời Chúa ‘chướng tai' nhưng vì Kitô hữu sống ‘gai chướng!’. Những gì họ nghe người đạo gốc nói, những gì họ thấy người đạo dòng làm, họ hồ nghi và mất niềm tin. Không ít người dè bĩu và khoá chặt trái tim! 

 

Một anh đạo dòng biết người láng giềng của mình là một ông già cực đoan vốn tự xưng là vô thần. Anh tìm cách tiếp xúc, kết bạn, giới thiệu Chúa và thành công trong việc tặng ông già một cuốn Thánh Kinh, lòng đầy hy vọng. Ông hàng xóm vui vẻ nhận và hứa đọc. Sau một thời gian, tình cờ anh ghé thăm, thấy cuốn Thánh Kinh nằm trong xó dưới sàn nhà. Rất đỗi ngạc nhiên, anh hỏi, “Sao cuốn sách nằm đây? Ông có đọc nó không?”. Ông hàng xóm lạnh nhạt đáp, “Mỗi ngày tôi đọc cuộc sống anh, tôi đâu cần đọc thêm nó!”. 

Anh Chị em, 

“Tôi đọc cuộc sống anh!”. Bạn và tôi có cả hồng ân lẫn trách nhiệm trong việc sống và thông chuyển Lời Chúa cho người khác, hầu dẫn họ tin theo Ngài! Tại sao người vô thần kia lại lạnh lùng đến thế? Hãy đọc những lời của cha Flor McCarthy: “Tôi là cuốn Thánh Kinh đối với người hàng xóm; người ấy đọc tôi mỗi ngày. Người ấy đọc tôi trong nhà tôi; đọc tôi trên đường. Người ấy là họ hàng, một người bạn, hoặc chỉ là một người quen biết sơ giao. Cũng có thể người ấy không biết tên tôi; tuy nhiên, anh ta vẫn đang đọc Thánh Kinh qua cuộc sống tôi!”. Bạn và tôi có trở nên Lời của Chúa, Lời bình an, Lời yêu thương?

Chúng ta có thể cầu nguyện, 

 

“Lạy Chúa, mỗi ngày, Chúa ‘hào hoa’ gieo Lời, con ‘hào hiệp’ hứng Lời; cho con dám ‘hào hùng’ sống Lời, hầu nó có thể mọc và đơm hoa kết trái trong các tâm hồn!”, Amen. 

Tác giả: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

52    20-04-2024