PHÚC ÂM Lc 7, 1 - 10
Khi ấy, sau khi giảng dạy dân chúng, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
SUY NIỆM
NGUYỆN GIÚP CẦU THAY
“Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một chi tiết khá bất ngờ trong Tin Mừng hôm nay là những lời của viên sĩ quan chỉ đến được với Chúa Giêsu qua trung gian những người bạn! Ông là kiểu mẫu trong việc chúng ta khẩn xin các thánh và những người khác ‘nguyện giúp cầu thay!’.
Trên bước đường rao giảng của Chúa Giêsu, ai cũng có thể trực tiếp đến gặp Ngài. Tuy nhiên viên sĩ quan ngoại giáo giàu có và quyền thế này không làm vậy. Lý do, “Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi”, nghĩa là ‘Tôi không xứng đáng đi mời Thầy’. Chúa Giêsu thực sự kinh ngạc, “Tôi chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế!”. Và ngay giờ ấy, từ xa, đầy tớ của ông được lành.
Việc khẩn xin các thánh cầu bầu và những người khác cầu nguyện là cách chúng ta thừa nhận rằng, tôi yếu hèn, tội lỗi; thậm chí, không xứng đáng để ra trước mặt Chúa, phương chi việc thưa lên với Ngài điều này điều kia. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta đừng tự phụ, hãy chọn cho mình một vị thánh để được các ngài ‘nguyện giúp cầu thay’. Khi làm điều này, chúng ta muốn nói rằng, Thiên Chúa vui thích khi chúng ta hạ mình để đến với Ngài qua trung gian ‘một ai đó’. Mẹ Maria chẳng hạn! “Grigorusa”, một tước hiệu của Mẹ, tiếng Hy Lạp có nghĩa là, “Mẹ chóng cầu bầu”. Với thánh Giuse, “Mỗi người có thể khám phá nơi ngài, một người không mấy ai chú ý, mỗi ngày đang ‘nguyện giúp cầu thay’, trợ lực và hướng dẫn khi chúng ta gặp khó khăn!” - Phanxicô.
Thời nội chiến, một người lính trẻ - mất cha và anh cùng lúc - tìm đến Washington xin miễn dịch; anh hy vọng có thể ở nhà giúp mẹ và em gái. Đến Toà Bạch Ốc, anh xin gặp tổng thống; lính gác từ chối. Thất vọng, anh thơ thẩn ra công viên. Tình cờ, một cậu bé lại gần, “Trông anh không vui. Chuyện gì vậy?”. ‘Người bạn tí hon’ nghe anh tâm sự. Sau đó, không một lời, cậu bé nắm tay anh đi một quãng, dẫn anh qua cửa sau, vượt các lính gác, vào thẳng văn phòng. Lincoln hỏi, “Tad, con cần gì?”; Tad nói, “Ba ơi, người lính này cần gặp ba!”. Kết quả, binh sĩ trẻ được ở nhà giúp mẹ!
Anh Chị em,
‘Người bạn tí hon’ đó chính là hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng ‘nguyện giúp cầu thay’ số một! Bên cạnh đó, bao vị thánh khác và thánh bổn mạng của mỗi người. Và các linh hồn! Ôi, những người thân yêu tốt lành; các ngài là những ‘nhà đàm phán’ uy tín trước Chúa! Cũng đừng quên! Bạn và tôi là những ‘thánh sống’ khi chúng ta tuyệt đối sống đẹp lòng Chúa. Phaolô không nói trong thư Timôthê hôm nay sao? “Hãy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người”; Thánh Vịnh đáp ca đồng tình, “Chúc tụng Chúa, vì Ngài nghe tiếng tôi khẩn nguyện!”. Là những tội nhân, chúng ta còn làm được điều đó, phương chi các thánh! Hãy là những ‘vị thánh’ đó! Tại sao không?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, ‘Trung Gian của các trung gian!’. Lạy các thánh, ‘nguyện giúp cầu thay’ cho con; giúp con cũng trở nên ‘một trung gian’ của anh chị em con!”, Amen.
Tác giả: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
40