PHÚC ÂM Ga 1, 29 - 34
Hôm sau, khi ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.
Tôi đã không biết Người, nhưng tôi đến làm phép rửa trong nước để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en.” Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.’ Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
SUY NIỆM
HIỂU BIẾT TÂM LINH
“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị! Trong Tin Mừng thứ tư, Gioan Tẩy Giả chưa bao giờ làm phép rửa cho Chúa Giêsu như trong Matthêu, Marcô hay Luca; thay vào đó, Gioan chỉ đơn giản chứng kiến việc Thánh Thần ngự xuống. Và hôm sau, đưa tay chỉ Con Thiên Chúa, Gioan nói với các đồ đệ, “Đây Chiên Thiên Chúa!”. Đây quả là một ‘hiểu biết tâm linh’ sâu sắc!
Tại sao có sự khác biệt này giữa Tin Mừng Gioan và ba Tin Mừng Nhất Lãm? Dẫu thật khó để trả lời, nhưng có một điều hiển nhiên là, Gioan Tiền Hô đã được Chúa Cha ban cho một sự ‘hiểu biết tâm linh’ lạ lùng; rằng, Giêsu là “Chiên Thiên Chúa!”. Chỉ có Phúc Âm Gioan gọi Ngài bằng danh hiệu này, và cũng chỉ có Gioan tiết lộ hiểu biết này. Rõ ràng, Tin Mừng Gioan tập trung vào sự ‘hiểu biết tâm linh’ mà Gioan Tẩy Giả đã nhận.
“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian” cũng là những lời mà chủ tế cất lên trong Thánh Lễ khi đưa cao Mình Thánh Chúa. Cộng đoàn đáp, “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con”. Đó là phiên bản của lời mà viên đại đội trưởng nói với Chúa Giêsu khi Ngài sắp đến nhà ông để chữa cho đầy tớ ông. Câu chuyện đó không có trong Tin Mừng Gioan, chỉ trong Matthêu và Luca. Vậy mà, phụng vụ đã tập hợp hai nhóm từ này lại để phụng vụ có một ý nghĩa thâm trầm, dẫu thoạt đầu, chúng không liên hệ với nhau; thậm chí tương phản nhau.
Sự kết hợp này thể hiện một ‘sự thật kép’. Trước hết, thời Cựu Ước, tội nhân cần một con bò, dê hay chiên đổ máu để đền tội thay. Nhưng, thư Do Thái khẳng định, “Máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi!”; vì thế, Giêsu, Chiên Hy Tế phải đổ máu. Bài đọc thứ nhất hôm nay viết, “Đức Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi”. Thánh Vịnh đáp ca reo lên, “Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta!”.
Thứ hai, “Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con”. Không ai xứng đáng để Chúa ngự vào; tuy nhiên, chúng ta không chỉ được mời đón Chúa Giêsu khi Ngài đến, mà còn chủ động đến với Ngài. Bất xứng của con người không là một trở ngại cho việc Thiên Chúa giữ mối tương quan với nó hay việc nó liên hệ với Ngài. Chúa không yêu cầu chúng ta thật xứng đáng; Ngài yêu cầu chúng ta cởi mở, tiếp tục tìm kiếm và chào đón Ngài.
Thi thoảng, vua Duy Tân ra nghỉ mát ở bãi biển Cửa Tùng. Một hôm, thị vệ bưng một chậu nước ngọt mời vua rửa tay trước khi ăn, vua vừa rửa vừa đùa, “Tay bẩn, lấy nước mà rửa; nước bẩn lấy gì mà rửa?”. Thị vệ lúng túng. Vua nói, “Nước bẩn, lấy máu mà rửa!”. Về sau, vua hô hào khởi nghĩa chống Pháp, lấy máu rửa sạch nhục vong quốc.
Anh Chị em,
“Đây Chiên Thiên Chúa!”. Chiên Thiên Chúa lấy máu rửa sạch tội lỗi chúng ta dẫu chúng ta bất xứng. Ước gì bạn và tôi có được những ‘hiểu biết tâm linh’ như Gioan, hầu có thể giới thiệu Chúa cho thế giới; ở đó, bao người đang cần Chúa ngự vào. Teilhard de Chardin ví von vai trò của một chứng nhân, “Nhìn ánh sáng xuyên qua những áng mây, người ta đoán có mặt trời trên đó!”. Và “Sống chứng nhân không phải là đuổi theo các tâm hồn, mà là sống làm sao để các tâm hồn theo đuổi chúng ta” - J. Basquin.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đã đổ máu vì phần rỗi của con; cho con dám đổ mồ hôi vì phần rỗi của anh chị em con!”, Amen.
Tác giả: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
183 03-01-2024