Shutterstock |
Cần dành chỗ cho sự thay đổi trong cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta đã từng nghe và có lẽ đã từng nói những thành ngữ như “Quen quá hóa nhàm”, hoặc “Không có gì mới dưới ánh mặt trời”. Và mặt trái của đồng tiền thì: “Mọi chuyện vẫn luôn như vậy.” Nhưng trên thực tế, thật công bằng khi nói, “Nó chưa bao giờ ‘luôn luôn như vậy’”; hay nói cách khác, để diễn đạt một sự trái ngược: “Nó lúc nào cũng ‘không bao giờ như vậy mãi mãi.’” Cuộc sống thì luôn thay đổi, thế giới luôn xoay vần, và chúng ta đang quay vòng trong đó.
Mỗi năm, khoảng lúc này, mọi trường học, bất kể đã tồn tại bao lâu, đều đang trải qua một sự thay đổi lớn. Mỗi trường trung học theo hệ bốn năm đều khác đi 25% so với năm ngoái. Một trong bốn cấp học đều hoàn toàn được đổi mới và một trong các cấp học cũ đã không còn nữa. Mỗi năm, sinh viên cứ đến rồi đi. Mỗi năm, ngôi trường lại trở nên khác đi mặc dù nó vẫn là nó.
Heraclitus, một triết gia Hy Lạp sống vào khoảng sáu thế kỷ trước Chúa Kitô, đã nói lên quan niệm về tính bất biến của sự thay đổi. Những lời nổi tiếng của ông, “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, đã vang vọng trên môi những đứa trẻ hát bài “Just Around the River Bend” trong bộ phim “Pocahontas” của hãng Disney. Lời bài hát có nghĩa là: “Bạn không thể bước xuống hai lần trên cùng một dòng sông, dòng nước luôn đổi thay, luôn trôi đi.”
Giá như mỗi người chúng ta, cũng như mỗi giáo xứ, giáo dân, những người khao khát níu giữ những gì đã có, sẽ nhớ đến sự khôn ngoan này. Khi một người bước xuống sông và chọn cách bị sa lầy trong bùn, thì dòng chảy của dòng sông và dòng nước mang lại sự sống vẫn sẽ lướt qua người đó, bỏ người đó lại phía sau.
Dù muốn hay không, chúng ta vẫn cần dành chỗ cho sự thay đổi trong cuộc sống. Việc cho phép có chỗ cho sự thay đổi trong cuộc sống mang lại sự tươi mới trong chúng ta. Có lẽ đó là cách mà từ “học viên năm thứ nhất” (freshman) ra đời dành cho những người mới đến một ngôi trường nào đó. Những người mới đến mang lại sự phát triển và tươi mới (freshness) cho những gì đã có, cho dù những gì đã có muốn thay đổi hay không.
Không dễ gì để chấp nhận hết thay đổi này đến thay đổi khác cách liên tục. Thật thú vị và điển hình đến nỗi những người thường chống lại sự thay đổi trong các giáo xứ và tổ chức dường như lại đón nhận và thích thú với chiếc iPhone mới nhất, nóng lòng muốn có chiếc iPhone 11 dù chiếc iPhone 7 đã đủ tốt rồi. Những người chống lại sự thay đổi dường như lại thích thay đổi bằng những tiếng chuông và tiếng còi thời thượng từ các tiện ích mới nhất.
Mọi cuộc đời đều triển nở, và chúng ta cử hành sự thay đổi liên tục trong năm phụng vụ và mỗi năm học. Chúng ta là những người khác nhau khi cuộc sống định hình nên chúng ta. Mọi người đảm nhận vai trò mới và chức danh mới. Một ngày nào đó bạn là một thanh niên, rồi lại trở thành vị hôn phu, người vợ/chồng, cha mẹ, cho đến khi là ông bà và đáng buồn thay, một ngày nào đó lại trở thành người góa vợ/chồng. Bạn không thể quay trở lại. Mỗi khúc sông đều có một mục đích khác nhau. Bạn học được điều gì đó khác biệt về bản thân ở mỗi ngã rẽ cuộc đời. Bạn cũng có một điều gì đó thật khác để cho đi. Chắc chắn là bạn mong ngóng về những ngày tốt đẹp đã qua, có lẽ là vì nhiều kỷ niệm về những ngày đó và những gì chúng đã mang lại cho bạn hơn là vì chính những ngày đó. Nhưng quay trở lại không phải là một điều có thể lựa chọn. Chúng ta vốn đang trở nên khác đi.
Chỉ vài tháng trước, hầu hết các giáo phận đã tổ chức sự kiện mang tính thay đổi cuộc đời khi truyền chức linh mục cho một chủng sinh. Chẳng thể quay trở lại được nữa, bởi vì người được thụ phong đã trở thành linh mục mãi mãi và bị thay đổi về mặt hữu thể. Không có bước lùi trong dòng sông đã từng là nó, vì nó đã tuôn chảy về phía trước. Linh mục mới ra trường hướng đến nhiệm vụ đầu tiên được giao cho mình, nơi ngài chỉ được biết đến với tên gọi là Cha. Ngài sẽ tiếp tục thay đổi chỉ vì mình hiện diện ở đó, và giáo xứ sẽ thay đổi chỉ vì ngài ở đó. Nhưng giáo xứ thì lại khác. Khi một linh mục, sau nhiều năm phục vụ, có thể được tái bổ nhiệm về một giáo xứ nơi ngài từng hiện diện; đó là một cảm giác kỳ lạ. Có lẽ ngài nhận thức được rằng mình đang trở lại nơi mình vốn biết từ trước, nhưng ngài nhanh chóng nhận ra rằng mình chẳng biết gì về nơi đó. Cả ngài và giáo xứ đó đều đã khác đi. Ngài phát hiện ra rằng mình đã không quay trở lại cùng một giáo xứ.
Sách Sirach chia sẻ một tư tưởng khôn ngoan đến tuyệt vời: “Hãy đem đến những biểu hiện mới và thực hiện những điều kỳ diệu mới.” (36,6) Mỗi ngày mang đến những cơ hội và khả năng mới, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng nó chẳng có gì khác biệt.
Tác giả: Lm. Patrick M. Carrion* - Nguồn: The Priest (15/7/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
----------------------------------
* Linh mục Patrick M. Carrion là cha sở của năm giáo xứ ở khu vực Đông Baltimore, tổng giáo phận Baltimore, tiểu bang Maryland.
611 12-08-2023